Thị trường tiền mã hóa bất ổn sau báo cáo SpaceX bán toàn bộ số Bitcoin họ nắm giữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Sau báo cáo SpaceX bán toàn bộ số Bitcoin họ nắm giữ, đồng tiền này đã giảm 7,2%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2022 khi sàn giao dịch hàng đầu FTX sụp đổ.

Ảnh: New York Post
Ảnh: New York Post

Giá tiền điện tử lao dốc khi các nhà đầu tư đồng loạt thanh lý số tiền mã hóa trị giá hơn 1 tỉ USD sau khi có thông tin cho rằng SpaceX của Elon Musk đã bán hết số Bitcoin mà họ đang nắm giữ.

Vào thứ Năm, Bitcoin đã giảm 7,2%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2022 khi sàn giao dịch hàng đầu FTX sụp đổ. Theo đó, Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng là 26.172 USD trong giờ giao dịch châu Á vào thứ Sáu (18/8), mức thấp nhất kể từ ngày 1 tháng 6.

Các nhà phân tích cho biết tiền mã hóa dường như cũng bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng ảnh hưởng xấu tới các loại tài sản rủi ro bao gồm cả chứng khoán. Etherium, loại tiền điện tử lớn thứ hai, ổn định ở mức 1.685 USD cũng đã giảm mạnh hôm 17/8.

SpaceX, công ty thuộc sở hữu của tỉ phú Elon Musk, đã bán 373 triệu USD Bitcoin, theo Wall Street Journal, trích dẫn các tài liệu tài chính nội bộ từ vụ phóng tên lửa của công ty.

Được biết, doanh nghiệp sản xuất ô tô điện của ông Musk, Tesla, cũng đã bán 75% số Bitcoin nắm giữ vào năm ngoái - một động thái khác được coi là sự mất niềm tin của ông trùm công nghệ vào thị trường này, người trong nhiều năm qua đã liên tục ủng hộ tiền mã hóa.

Báo cáo của SpaceX là “chất xúc tác ngay lập tức” cho việc bán tháo Bitcoin, Ben Laidler, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại eToro, nói với Reuters.

Joseph Edwards, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Enigma Securities, cho rằng biến động giá Bitcoin là do sự thiếu nhiệt tình từ các nhà đầu tư bán lẻ.

Sau thời kỳ đại dịch chứng kiến ​​giá trị của Bitcoin tăng vọt hơn 60.000 USD, thị trường tiền mã hóa đã rơi vào tình trạng sụt giảm.

Vào thời kỳ đỉnh cao, giá trị tích lũy của những đồng tiền mã hóa đạt gần 3 nghìn tỉ USD vào tháng 11 năm 2021. Tính đến thứ Sáu, tổng vốn hóa thị trường của tất cả các tài sản tiền mã hóa bao gồm stable coin và token chỉ ở mức hơn 1 nghìn tỉ USD.

Cộng đồng tiền mã hóa đã phải đối mặt với một loạt các trở ngại pháp lý và quy định khiến các nhà đầu tư hoảng sợ.

FTX, có thời điểm là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai trên thế giới với giá trị vốn hóa thị trường ước tính là 32 tỉ USD, đã bị phá sản sau khi người sáng lập , Sam Bankman-Fried, bị cáo buộc đã sử dụng tiền gửi của khách hàng để trang trải cho các vụ cá cược rủi ro được thực hiện bởi quỹ phòng hộ của ông, Alameda Research. Bankman-Fried, người đang ngồi tù chờ xét xử về tội gian lận và rửa tiền, hiện vẫn không nhận tội.

Coinbase, nền tảng trao đổi tiền mã hóa lớn nhất ở Hoa Kỳ, gần đây cũng đã bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch kiện vì hoạt động bất hợp pháp vì không đăng ký lần đầu với cơ quan quản lý.

SEC hiện cũng đang nhắm đến sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới , Binance, vì bị cáo buộc điều hành một “trang web lừa đảo”.

Theo New York Post