Thị trường ô tô: Bảo hộ hay mở cửa?

VietTimes -- Câu chuyện về ô tô lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu ngày 26-2 lại nóng lên tại Văn phòng Chính phủ giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Có lẽ, đây là một câu chuyện mang nhiều “cảm xúc thương trường” khi nó bắt đầu từ năm 2011, bức xúc đỉnh điểm năm 2016 và năm 2018 lại trở thành điểm nóng trong hoạch định chính sách.
Người tiêu dùng chỉ có thể được lợi khi những chính sách thực sự tôn trọng nguyên tắc thị trường
Người tiêu dùng chỉ có thể được lợi khi những chính sách thực sự tôn trọng nguyên tắc thị trường

Ông Nguyễn Tuấn, giám đốc một công ty nhập khẩu xe hơi vốn làm ăn khá hiệu quả, đến nay đã phải cho công ty tạm dừng hoạt động vì bị những quy định liên quan đến nhập khẩu ô tô đã “trói tay”. Điển hình nhất là Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương. Thật ra ông Tuấn không phản đối thông tư này khi nó mới ra đời. Bởi khi đó Bộ Công Thương lý giải thông tư này nhằm “giảm lạm phát, ổn định vĩ mô, giảm nhập khẩu”.

Tuy vậy, chẳng những thông tư ấy không đạt được mục tiêu khi năm 2014, cả nước nhập khẩu 1,5 tỷ USD, năm 2015 nhập khẩu 2,5 tỷ USD. Mặt khác, cũng chính thông tư này đã có tác dụng đưa thị trường của doanh nghiệp nhập khẩu trong nước “sang tay” cho các doanh nghiệp nước ngoài thành lập đại lý nhập khẩu ô tô. Cuối cùng là lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài dẫn đến nhà nước thất thu thuế.

Câu chuyện ở tầm vĩ mô này thậm chí còn được minh họa bởi một doanh nghiệp ở Hải Phòng, trước ngày thông tư 20 ra đời, đã ký một hợp đồng nhập khẩu và chuyển 8 triệu USD đặt cọc ra nước ngoài. Thông tư ấy ra đời lập tức chặn đường về của lô hàng và 8 triệu USD bị “ghim” lại tại nước ngoài. Nước mắt nghẹn ngào của doanh nhân này ngày 13-6-2016 tại một hội thảo do VCCI tổ chức đã làm dư luận băn khoăn về hiệu quả của những chính sách.

Điều đáng nói là, khi câu chuyện về Thông tư 20/2011 liên quan tới nhập khẩu ô tô được xới lên, thì nhiều cơ quan hữu quan đã lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ những quy định ngăn cản gia nhập thị trường.
Tại Hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” do Văn phòng Chính phủ và VCCI tổ chức ngày 23-7-2016, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lại lên tiếng về vấn đề này. Và ông Đặng Huy Đông, khi đó là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nói: “Tôi quan niệm các chính sách, quy định phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của DN”.
Thị trường ô tô: Bảo hộ hay mở cửa? ảnh 1Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân đã bị xóa xổ do những chính sách thắt chặt của Chính phủ - Ảnh: AutoPro

Ông Đông lúc đó cũng quan niệm: nhà nước không nên can thiệp làm méo mó thị trường. Thậm chí ông còn dẫn chứng: “Chẳng hạn lý do mà VAMA đưa ra là: “ai sẽ đảm bảo chất lượng của vô-lăng?”. Tôi cho rằng mọi chiếc xe khi lăn bánh trên đường đều phải có giấy đăng kiểm. Còn nếu người mua lựa chọn khác, thì họ không được bảo vệ vì mua xe không có giấy đăng kiểm ấy. Đó là thị trường chứ không phải sự can thiệp của nhà nước. Honda hay các nhà đại diện khác họ có những quy định và hệ thống phân phối, chứ nhà nước cũng không can thiệp vào chuyện này”.

Tuy vậy, đến tháng 11-2016 khi Quốc hội sắp thông qua một đạo luật sửa đổi, bổ sung phụ lục IV của Luật Đầu tư về danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó đưa hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp ô tô vào danh mục này, thì ông Đông lại nói khác đi.

Thậm chí trong một buổi gặp gỡ báo chí trước ngày Quốc hội thông qua luật này, ông Đông đã dành cả buổi chỉ để nói về việc đưa “nhập khẩu ô tô” trở thành ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Và từ đó cho tới năm 2017, ông đều nhất quán “đừng biến Việt Nam trở thành “bãi rác” ô tô nhập khẩu”.

Cho đến nay thì gần 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã “chết” hoặc chuyển qua ngành nghề mới, dĩ nhiên có cả những doanh nghiệp tiếp tục gắn bó với “nghề ô tô” nhưng chỉ là buôn bán xe cũ.

Thị trường ô tô: Bảo hộ hay mở cửa? ảnh 2Những vướng mắc của Nghị định 116 vẫn chưa được tháo ngỡ khiến các doanh nghiệp xe trong nước bị ngừng trệ việc nhập khẩu xe (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)

Còn hôm 26-2 vừa qua, những vấn đề về ô tô lại trở thành điểm nóng khi việc thực hiện Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, cùng Thông tư 03 của Bộ GTVT lại được đem ra mổ xẻ, tranh luận.

Ngay cả Chủ tịch VAMA, vốn trước đây rất ủng hộ việc duy trì thông tư 20/2011 cũng than phiền về những quy định mới nói trên và bảo rằng: “Hậu quả mà những quy định ấy gây ra là hầu như không có chiếc ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 1-1-2018 đến nay”.

Thậm chí một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô phải dài tối thiểu 800 m.

Ở chiều ngược lại, đại diện các DN như Trường Hải, Hyundai Thành Công lại tán đồng với các quy định tại Nghị định 116 và cho rằng thực hiện những quy định này không có khó khăn gì”. Đương nhiên, với những tranh luận ấy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ghi nhận các ý kiến và không có kết luận gì. Tinh thần như thế cũng là thận trọng.

Chỉ có điều câu hỏi “bảo hộ hay mở cửa” đối với ngành công nghiệp ô tô sẽ chưa thể có câu trả lời nào thỏa đáng nếu xem xét nó dưới góc độ chính sách và thị trường. Bởi có lẽ, trong “cuộc chiến” giữa các doanh nghiệp với bối cảnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện nay, bất kể bên nào thắng thì người tiêu dùng… đều bại. Người tiêu dùng chỉ có thể được lợi khi những chính sách thực sự tôn trọng nguyên tắc thị trường.