Ông Felipe Munoz, chuyên gia Phân tích Toàn cầu của JATO cho hay ngành công nghiệp ô tô đạt được thành tích này trong năm 2017 là do các nền kinh tế chính của thế giới duy trì được đà tăng trưởng. Các thị trường đang phát triển như Nga, Braxin cũng đã tăng trưởng trở lại sau một năm giảm sút.
Dòng xe SUV đóng góp đáng kể vào sự sôi động của thị trường khi chiếm thị phần lớn nhất ở Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu (ba thị trường lớn nhất), có điều nó lại không được chuộng tại khu vực châu Á - TBD, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ Latinh.
Các dòng xe sedan nhỏ gọn vẫn là phân khúc phổ biến nhất ở khu vực châu Á - TBD và Mỹ Latinh , trong khi xe đô thị cỡ nhỏ chiếm phần lớn ở thị trường Nhật Bản. Điều này cho thấy cho thấy cơ hội của dòng SUV vẫn có khả năng mở rộng thị phần ở các thị trường này.
Nhưng nguồn thúc đẩy động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô trong năm 2017 chủ yếu vẫn là châu Âu, châu Á - TBD (trừ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và đáng chú ý là Mỹ Latinh. Trái với sự tăng trưởng chậm ở các thị trường quan trọng như Mỹ, Anh, Mexico, Hàn Quốc và Trung Quốc thì các thị trường như Nga, Thái Lan và Argentina đều có mức tăng trên 13%.
Thị trường châu Á - TBD (trừ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) được có mức tăng trưởng nhờ doanh thu tăng ở Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand và Singapore, trong khi khu vực Mỹ Latinh được hưởng lợi từ tình hình kinh tế cải thiện ở Braxin.
Braxin đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô thế giới với mức tăng lượng xe bán được lên 9,4%. Ấn Độ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng nhanh với mức tăng 8,8%. Do đó trong năm nay hoặc năm sau, Ấn Độ có thể nhanh chóng vượt qua Đức để giành vị trí thứ 4 về thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Ông Felipe Munoz tiếp tục phát biểu: "Mặc dù cuộc khủng hoảng bê bối gian lận khi thải với động cơ diesel và các vấn đề kinh tế như sự kiện Brexit gây ra những sự bất ổn nhất định tại châu Âu nhưng nhìn chung thị trường ô tô vẫn phát triển. Điều đó cho thấy vai trò của các thị trường đang phát triển mới nổi ngày càng có vai trò quan trọng."
Năm 2017 cũng chứng kiến thị phần của dòng SUV tăng kỷ lục, chiếm 34% tổng lượng xe bán ra trên toàn thế giới trong năm nay. Kết quả được phân tích từ 52 thị trường chỉ ra lượng xe SUV bán được trong năm 2017 là 27,85 triệu chiếc, tăng thêm 3,14 triệu chiếc so với năm 2016, tăng 12,7%.
Dòng SUV cỡ nhỏ chiếm gần 40% tổng doanh số bán SUV, tăng 9,2%; SUV cỡ trung chiếm 16,6% và SUV cỡ lớn chiếm 15,7% Sự lên ngôi của dòng SUV sẽ đồng nghĩa doanh thu ở các phân khúc xe truyền thống tiếp tục giảm, trong đó dòng sedan nhỏ gọn, sedan cỡ trung, dòng Wagon và dòng MPV bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Các mẫu xe sedan nhỏ gọn đạt doanh số 14,92 triệu chiếc, giảm 4,5% so với năm ngoái. Điều này có thể do nhu cầu giảm tại 5 thị trường lớn. Tại Trung Quốc, thị trường này đã phải đối mặt với sự bùng nổ của dòng SUV. Doanh số bán dòng xe đô thị cỡ nhỏ tiếp tục tăng, chủ yếu là do nhu cầu thị trường Nhật Bản tăng 14,4% so với năm ngoái nhờ sự thống trị của các xe Kei.
Dòng xe bán tải cũng có được kết quả tốt khi nhu cầu ở thị trường Bắc Mỹ vẫn mạnh và sự phổ biến ngày càng tăng lên ở châu Âu, Mỹ Latinh và khu vực châu Á - TBD. Như thường lệ, mẫu xe Ford F-Series vẫn chiếm lĩnh vị trí hàng đầu nhờ nhu cầu mạnh mẽ của Mỹ khi chiếm 80% tổng khối lượng. Đồng thời, dòng xe này một lần nữa trở thành chiếc xe bán chạy nhất thế giới vượt qua cả Corolla và đẩy chiếc xe của Toyota xuống đứng thứ hai.
Về loại nhiên liệu, các dòng xe ô tô con và xe tải nhẹ chạy bằng xăng vẫn chiếm ưu thế trong năm 2017 với thị phần 72,5%. Dòng xe chạy Diesel bị giảm 3,7% do phụ thuộc quá lớn vào thị trường châu Âu. Bên ngoài châu Âu, Thái Lan, New Zealand và Hàn Quốc được đánh giá là thị trường phát triển của loại nhiên liệu Diesel.
Dòng xe Hybrid cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng 27,7%, đạt 3,79 triệu chiếc và dù chỉ có thị phần 4,4% nhưng vẫn tăng 0,9% phần trăm so với năm 2016. Trong đó, Nhật Bản là một trong những thị trường lớn nhất và có ý nghĩa nhất cho dòng xe này.