PHẦN CỨNG
Theo nghiên cứu của Fitch Solutions, việc giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021 làm gia tăng nhu cầu mua máy tính cá nhân và máy tính bảng để làm việc và học tập online. Tuy nhiên, nhu cầu này ở Việt Nam không quá mạnh mẽ, vì sức mua hạn chế của người dân cũng như đại dịch đã được kiểm soát nhanh chóng, nền kinh tế xã hội trở lại hoạt động bình thường vào năm 2022.
Trong giai đoạn này, Fitch Solutions nhận thấy có một xu hướng tích cực đối với nhu cầu về máy chủ và giải pháp lưu trữ đám mây. Các tổ chức, doanh nghiệp đang dành một khoản đầu tư không nhỏ cho việc mở rộng dung lượng lưu trữ và số hóa quy trình làm việc, tiến tới chuyển đổi số toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Năm 2020, thị trường phần cứng tăng 8,2% (tính theo đồng nội tệ) hoặc 7,5% (tính theo USD). Thống kê năm 2021 cho thấy thị trường phần cứng đã tăng lên mức 20,9% (tính theo đồng nội tệ) và 21,2% (tính theo USD).
Máy tính cá nhân (PC)
Trong nửa đầu năm 2020, thị trường PC Việt Nam bị hạn chế tăng trưởng do nguồn cung thiếu hụt. Đã có sự gián đoạn nguồn cung cấp ở Trung Quốc trong làn sóng đầu tiên của đại dịch. Thị trường PC sau đó tăng trưởng trong nửa cuối năm 2020 do trường học đóng cửa và các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng dẫn đến việc gia tăng làm việc và học tập từ xa. Điều này đã làm tăng nhu cầu mua sắm máy tính xách tay, và ở mức thấp hơn là máy tính bảng và máy tính để bàn, của những người có sức mua sẵn có.
Lượng mua PC trong đại dịch ở Việt Nam thấp hơn so với nhiều thị trường khu vực Đông Nam Á. Điều này một phần là do hạn chế về khả năng đặt hàng, cùng với đó là vấn đề về tài chính khi mà đại dịch đã khiến nhiều người bị thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp nhỏ phá sản. Một yếu tố khác là thời gian giãn cách xã hội tương đối ngắn ở Việt Nam so với các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng khác trên thế giới như Châu Âu và Châu Mỹ.
Tuy nhiên, vào năm 2022, khi tình hình sức khỏe cộng đồng được cải thiện, cũng như nguồn cung máy tính xách tay trên toàn cầu trở nên đầy đủ hơn, thì nhu cầu cho thiết bị này cũng đã gia tăng.
Đại dịch có tác động quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu PC, bởi vì trước năm 2020, nhu cầu về PC là rất nhỏ trong khi điện thoại thông minh được tiêu thụ rất nhiều. Thực tế là hầu hết người tiêu dùng Việt Nam coi điện thoại thông minh là thiết bị ưu tiên mua sắm của họ.
Trong khi người tiêu dùng cá nhân ưa chuộng điện thoại thông minh, chi tiêu cho PC của khu vực doanh nghiệp tư nhân và nhà nước tiếp tục tăng. Sự mở rộng của nền kinh tế và sự tăng trưởng của các ngành như gia công phần mềm dẫn đến nhu cầu máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay đã tạo ra một lượng người mua ổn định.
Tại Việt Nam, phần lớn các đợt mua sắm PC trong giai đoạn 2020 và 2021 tập trung vào các máy tính chạy hệ điều hành Windows. Các nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường PC đều là đối tác của Windows.
Thị trường PC Việt Nam được dẫn dắt bởi nhà sản xuất Dell của Mỹ, xếp sau là ASUS của Đài Loan. Tiếp theo đó là Lenovo, Acer và HP. Nhà phân phối các sản phẩm PC tại Việt Nam là công ty FPT Distribution - có hệ thống 400 đại lý trên toàn quốc.
Trong khi đó, Apple chiếm lĩnh một phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao, nhưng thị phần khá nhỏ với máy tính để bàn và máy tính xách tay. Riêng máy tính bảng iPad chiếm thị phần lớn nhất trong số các nhà cung cấp, nhưng số lượng tiêu thụ không lớn bởi người dùng có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh thay cho máy tính bảng.
Máy in, máy photocopy và thiết bị ngoại vi đa chức năng
Trong năm 2020 và 2021, chi tiêu cho máy in và máy photocopy ở mức rất thấp vì sự kết hợp của cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra và những thay đổi trong việc sử dụng theo hướng không cần giấy tờ - chẳng hạn như mọi người sử dụng điện thoại thông minh để mua vé điện tử, mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, các sáng kiến về bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí tại các công ty cũng khiến cho nhu cầu mua sắm các thiết bị như máy in trở nên sụt giảm.
Trước đại dịch, thị trường máy in, máy photocopy của Việt Nam thể hiện tín hiệu tích cực. Các nhà cung cấp máy in được hưởng lợi từ khu vực công và tư nhân khi nền kinh tế và xã hội ngày một phát triển.
Ở cấp độ sản phẩm, thiết bị đa chức năng là lĩnh vực mạnh nhất trên thị trường, trong khi chi tiêu cho máy in phun và máy in laser đơn năng tiếp tục giảm. Các nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường máy in là Epson và HP, sau đó là Brother, Canon và Xerox.
Máy chủ và các thiết bị lưu trữ
Việc gia tăng số hóa các quy trình hoạt động trong khu vực nhà nước và tư nhân, cũng như nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng đã tạo nền tảng vững chắc cho thị trường cơ sở hạ tầng doanh nghiệp trước đại dịch - bao gồm chi tiêu cho máy chủ và các thiết bị lưu trữ, máy tính lớn (mainframe) và các thiết bị phần cứng dành cho doanh nghiệp.
Nhu cầu về máy chủ và các thiết bị lưu trữ đến từ các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp, các nhà khai thác viễn thông và chính phủ khi họ tìm cách đáp ứng nhu cầu lưu trữ được tạo ra do việc tăng cường số hóa các quy trình kinh doanh và áp dụng đám mây, thương mại điện tử và dịch vụ nội dung trực tuyến.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng cao nhưng thị trường máy chủ tại Việt Nam vẫn tiếp tục kém phát triển và giá trị bình quân đầu người thấp, cho cả nhu cầu nội bộ và trung tâm dữ liệu. Đại dịch không làm gián đoạn nhu cầu xây dựng trung tâm dữ liệu, chẳng hạn FPT Telecom bắt đầu xây dựng trung tâm dữ liệu đặt tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5/2020.
PHẦN MỀM VÀ DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ
Cũng giống như các ngành khác, lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây lại là một trong những lĩnh vực phát triển tương đối mạnh mẽ của nền kinh tế trong giai đoạn bùng phát của đại dịch do nhu cầu về các giải pháp CNTT để hỗ trợ hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội.
Điều này đã bổ sung vào các xu hướng công nghệ tích cực hiện có - tăng cường sử dụng internet và số hóa trong khu vực tư nhân và nhà nước, áp dụng đám mây. Phân khúc phần mềm và dịch vụ CNTT đã tăng 11,2% vào năm 2020 (tính theo đồng nội tệ) và 10,4% (theo USD). Fitch Solutions ước tính mức tăng 16,3% vào năm 2021 (tính theo đồng nội tệ) và 16,6% (theo USD).
Phần mềm
Thống kê của Fitch Solutions cho thấy, thị trường dịch vụ phần mềm ở Việt Nam trước đại dịch khá là nhỏ và có giá trị thấp, nhưng đã có sự thúc đẩy mạnh mẽ trong quý I năm 2020 khi các hạn chế trong hoạt động kinh tế và xã hội làm tăng nhu cầu đối với các ứng dụng đám mây vì khả năng mở rộng, tính khả dụng và dễ quản lý. Xu hướng này kéo dài đến năm 2021 khi đại dịch tiếp tục hoành hành, thị trường phần mềm bị ảnh hưởng ở mức độ lớn hơn do sự sụt giảm trong lĩnh vực tư nhân, tắc nghẽn hoạt động và ưu tiên nguồn lực doanh nghiệp cho các dự án CNTT quan trọng.
Thị trường phần mềm Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ, có giá trị bình quân đầu người thấp, tỷ trọng doanh thu thấp. Điều này là do một số yếu tố, một trong số đó là khoảng 75% thị trường được cung cấp bởi các công ty phần mềm địa phương giá trị thấp. Khả năng đặt hàng hạn chế của phần mềm đóng gói nhập khẩu cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến mức độ vi phạm bản quyền cao, tiếp tục hạn chế giá trị của thị trường phần mềm.
Sự tăng trưởng mạnh nhất trên thị trường phần mềm nằm ở việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số ở mức độ sơ cấp, và việc mua phần mềm chức năng ở các doanh nghiệp lớn hơn. Tuy nhiên, các gói ứng dụng lớn vẫn có tỷ lệ chấp nhận tương đối thấp ở Việt Nam. Các phần mềm được mua nhiều là quản lý nhân sự và tài chính/ kế toán. Mặc dù doanh thu phần mềm ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển, nhưng nhu cầu về phần mềm phân tích dữ liệu và phân tích tài chính cũng đã tăng lên.
Các nhà cung cấp phần mềm doanh nghiệp hàng đầu đang có mặt tại Việt Nam có SAP, Oracle, IBM, Microsoft, Salesforce và Dassault Systemes. Các hãng này đang vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ địa phương như CMC, MISA, FAST, Exact Software cũng như từ các đối thủ từ Trung Quốc. Các nhà cung cấp phần mềm toàn cầu lớn đã có vị thế vững chắc trong các ngành dọc có giá trị cao như dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, sản xuất chế tạo. Ở mảng phần mềm bảo mật, các nhà cung cấp Symantec và McAfee của Mỹ đã có những thành công, nhưng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các phần mềm diệt virus phổ biến của Việt Nam như BKIS.
Dịch vụ Tư vấn, Bảo trì và Tích hợp hệ thống
Thị trường dịch vụ công nghệ thông tin truyền thống ở Việt Nam năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và xu hướng tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế, các ngành nghề xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh.
Các dịch vụ công nghệ thông tin truyền thống bao gồm Tư vấn, Bảo trì và Tích hợp hệ thống. Nhu cầu sụt giảm trong khu vực tư nhân là yếu tố cản trở chính trong trong năm 2020 và 2021, nhưng cũng có một số tắc nghẽn do những hạn chế về giãn cách xã hội.
Trước đại dịch, nhu cầu về dịch vụ CNTT đã tăng mạnh nhờ nhu cầu số hóa của các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của một xã hội ngày càng kết nối và sử dụng nhiều dữ liệu. Từ năm 2015, khu vực công đã phát triển mạnh hơn khi các cơ quan nhà nước lần đầu tiên được phép sử dụng các nhà cung cấp công nghệ thông tin thuê ngoài.
Vai trò quan trọng của các công ty IT trong nước là tư vấn, tích hợp, hỗ trợ và đào tạo cho khách hàng sử dụng các giải pháp phần mềm được cung cấp bởi các công ty hàng đầu thế giới. Các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam có thể kể đến là tập đoàn FPT, công ty CMC và công ty HPT. Họ đã mở rộng phạm vi dịch vụ của mình bao gồm tích hợp hệ thống, cơ sở hạ tầng CNTT, bảo mật thông tin, dịch vụ được quản lý, phát triển phần mềm và đám mây.
Các quan hệ đối tác quan trọng có thể kể đến sự hợp tác giữa SAP và CMC. Công ty CMC đã trở thành đối tác chiến lược của SAP để tư vấn và triển khai các giải pháp SAP. Trong khi đó, nhà cung cấp phần mềm Dassault Systemes của Pháp đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với FPT nhằm hướng tới các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng. Microsoft cũng có quan hệ đối tác sâu rộng với FPT bao gồm tùy chỉnh và xây dựng công cụ cho Microsoft Dynamics ERP và CRM, cập nhật và nâng cấp phần mềm cộng tác doanh nghiệp và các dịch vụ đám mây. Microsoft cũng có quan hệ đối tác với HPT từ năm 2000, trong khi các đối tác khác của HPT là HPE, IBM, Oracle, Cisco và SAS.
Lưu trữ và xử lý dữ liệu
Theo Fitch Solutions, sự gia tăng tiêu thụ nội dung trực tuyến và sự phát triển của thị trường dịch vụ đám mây tại Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu ngày một lớn hơn về dịch vụ lưu trữ dữ liệu. Ngoài ra, nhu cầu lưu trữ đám mây còn được thúc đẩy từ nhu cầu số hóa các hoạt động kinh tế của khu vực tư nhân và công cộng.
Các nhà khai thác trung tâm dữ liệu hàng đầu Việt Nam cũng đang là các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT trong nước như FPT Telecom, CMC Telecom, Telehouse, VNTT, VNPT và Viettel IDC. Các công ty này có cơ sở hạ tầng và phạm vi dịch vụ rộng khắp đất nước, ví dụ như Viettel IDC có 2 trung tâm dữ liệu tại Hà Nội, 2 trung tâm tại thành phố Hồ Chí Minh và 1 trung tâm tại Đà Nẵng. Trong khi đó, CMC Telecom có trung tâm dữ liệu Tier 3 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp các máy chủ riêng ảo chuyên dụng, lưu trữ web và các dịch vụ đám mây thông qua Amazon Web Services (AWS) Direct Connect, Microsoft Azure và Google Cloud Interconnect.
Tháng 5/2020, FPT Telecom khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu mới tại TP.HCM, đi vào hoạt động từ năm 2021. Đây là trung tâm dữ liệu lớn nhất cả nước và là trung tâm dữ liệu Tier III, dùng để lưu trữ dữ liệu trong nước đáp ứng yêu cầu tuân thủ luật an ninh mạng của Việt Nam. Ngoài ra, FPT dự kiến sẽ mở thêm các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nâng tổng số lượng trung tâm dữ liệu của tập đoàn lên con số 5.
NTT Communications của Nhật Bản là công ty nước ngoài lớn nhất trên thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam, hoạt động thông qua Trung tâm Dữ liệu Thăng Long Hà Nội, được xây dựng và quản lý bởi Global Data Service, một liên doanh giữa NTT và VNPT. Nó cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây, kết nối và các dịch vụ giá trị gia tăng và được quản lý, cũng như dịch vụ lưu trữ web và thư. Trong khi đó, vào tháng 11 năm 2021, Infracrowd Capital, một nhà đầu tư cơ sở hạ tầng của Singapore, đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng trung tâm dữ liệu Tier III trị giá 100 triệu USD tại Khu CNTT Đà Nẵng.
Trong thị trường lưu trữ web (web hosting), các nhà cung cấp hàng đầu là VDC Online và SuperData - nhưng nhìn chung thị trường còn phân mảnh.
Điện toán đám mây
Đại dịch Covid-19 đã tạo thêm động lực cho sự phát triển thị trường đám mây tại Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2020, Phó Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 40% vào năm 2020.
Có 27 trung tâm dữ liệu điện toán đám mây trong cả nước. Các doanh nghiệp điện toán đám mây nội địa ước tính chiếm 20% thị trường dịch vụ đám mây. Lĩnh vực phát triển mạnh nhất là dịch vụ cơ sở hạ tầng, trong khi việc sử dụng các ứng dụng phần mềm được lưu trữ đám mây vẫn còn hạn chế .
Nhu cầu đám mây chủ yếu đến từ các ngành dọc có năng suất cao hơn như sản xuất điện tử và gia công phần mềm của các công ty sở hữu nước ngoài.
Ngành dọc dịch vụ tài chính cũng có cơ hội và tiềm năng tăng trưởng lớn sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 11/2018 đã làm rõ các yêu cầu đối với việc sử dụng dịch vụ đám mây của các ngân hàng, liên quan đến phân loại thông tin và tính bí mật của hệ thống.
Thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn, bằng chứng là Việt Nam xếp cuối cùng trong Bảng chỉ số Sẵn sàng cho Đám mây do Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á đánh giá. Cuộc khảo sát cho thấy cơ sở hạ tầng mạng trong nước yếu kém, chi phí và tính khả dụng băng thông quốc tế và cơ chế bảo mật là những vấn đề bổ sung cần được giải quyết.
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước, chẳng hạn như Viettel IDC đã tuyên bố dẫn đầu thị trường điện toán đám mây của Việt Nam vào năm 2018, với 23% thị phần. Các đối tác của Viettel IDC bao gồm Microsoft, Akamai và VMware.
Chính phủ cũng góp phần mang lại thị phần cao cho các công ty Việt Nam, chẳng hạn như trong quý 4/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao chứng nhận cho Viettel, VNG, CMC, VNPT và VCCorp về đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để cung cấp dịch vụ đám mây cho chính phủ điện tử.
Theo báo cáo, Viettel Cloud phục vụ 14.500 khách hàng tại Việt Nam với các dịch vụ đám mây công cộng và riêng tư, trở thành nền tảng được sử dụng nhiều nhất. Xếp thứ hai là CMC Cloud với 6.000 khách hàng. Trong khi đó, nền tảng đám mây BizFly của VNCorp đã có 800 khách hàng, VNPT Cloud có 800 khách hàng và VNG Cloud có 650 khách hàng.
Các công ty điện toán đám mây nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì đều thông qua quan hệ đối tác với các công ty trong nước. Vào tháng 4 năm 2017, Internet Initiative Nhật Bản hợp tác với FPT ra mắt dịch vụ đám mây FPT HI GIO Cloud. Dự án hướng tới mục tiêu đạt được 4.000 doanh nghiệp khách hàng trong vòng một năm kể từ khi ra mắt, với kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực bảo mật và dịch vụ quản lý mạng.
Ngoài ra còn phải kể đến sự hợp tác giữa Amazon Web Service với FPT vào năm 2015.
Microsoft cũng hợp tác với FPT để phát triển đám mây Azure tại Việt Nam, như cũng như Accenture và Mirabeau. FPT là đối tác đám mây bạch kim duy nhất của IBM tại Việt Nam, trong khi CMC, SV và Amigo được giới thiệu là các đối tác vàng. Trong khi đó, Google Cloud Platform có ba đối tác là GoPomelo, Gimasys và Datacom Systems.