Thị trường CNTT Việt Nam.
Thị trường CNTT Việt Nam.

E-magazine Thị trường CNTT Việt Nam - Bài 1: Cái nhìn tổng quan và dự báo kết quả 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Fitch Solutions vừa công bố báo cáo về thị trường CNTT Việt Nam. Hãng phân tích dữ liệu vĩ mô này cho rằng ngành CNTT Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn có những nguy cơ tiềm tàng. 

Cái nhìn tổng quan

Năm 2020 và 2021, thị trường CNTT ở Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Mặc dù chính sách y tế công cộng đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, nhưng những hạn chế nghiêm ngặt (giãn cách xã hội) và sự suy yếu của kinh tế toàn cầu đã cản trở xu hướng đầu tư của khu vực tư nhân trong giai đoạn bùng phát mạnh của đại dịch.

Theo Fitch Solutions, việc Việt Nam đóng cửa trường học và các cơ quan, doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm máy tính cá nhân để làm việc từ xa, nhưng nhu cầu này không lớn do tỷ lệ lực lượng lao động phù hợp với làm việc từ xa thấp. Một yếu tố khác là nguồn cung máy tính khan hiếm vào năm 2020 do nó được xuất khẩu tới các thị trường béo bở hơn. Đến năm 2021, thị trường máy tính cá nhân đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi nguồn cung trở nên dồi dào hơn.

Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng doanh nghiệp vẫn có xu hướng tích cực, do các doanh nghiệp phải mở rộng dung lượng lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu nhằm tuân thủ Luật an ninh mạng. Yêu cầu doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại máy chủ trong nước sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đầu tư vào trung tâm dữ liệu và các dịch vụ lưu trữ trong nước. Xu hướng này tiếp tục diễn ra vào năm 2022, với các công ty viễn thông và dịch vụ CNTT trong nước như FPT và Viettel đi đầu. Chẳng hạn, hồi tháng 4 năm 2022, Viettel công bố sẽ đầu tư 6.000 tỷ đồng (261 triệu USD) để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất cả nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành công nghiệp phần cứng của Việt Nam tiếp tục thu hút các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài trong giai đoạn bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19, tái khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc tổ chức lại chuỗi cung ứng điện tử ở Đông Á.

Một xu hướng chính là đầu tư của các nhà sản xuất hợp đồng PC Đài Loan, bao gồm Compal Electronics, Foxconn, Pegatron và Wistron khi họ tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam bằng việc lắp đặt những dây chuyền sản xuất mới. Xu hướng nổi bật khác là đầu tư vào lắp ráp, kiểm tra và đóng gói chất bán dẫn, một lĩnh vực mà Intel đã có các hoạt động quy mô lớn tại Việt Nam và Amkor của Hàn Quốc cam kết đầu tư 1,6 tỷ USD vào tháng 11 năm 2021.

Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ của thị trường CNTT Việt Nam

Điểm mạnh

Theo Fitch Solutions, một trong những điểm mạnh của ngành CNTT Việt Nam là nhà nước có những khuôn khổ chính sách hỗ trợ và tài trợ để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực CNTT.

Thị trường CNTT trong nước đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, với việc tự do hóa thương mại thức đẩy nhu cầu mua sắm giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp phần cứng trong nước lớn mạnh với sự tham gia của những người khổng lồ như Samsung, LG và Intel. Việt Nam cũng là một thị trường gia công phần mềm toàn cầu quan trọng.

Việt Nam có dẫn số trẻ, tỷ lệ những người trong độ tuổi từ 15-64 tuổi được dự báo sẽ tăng 0,4% trong giai đoạn 2022-2026.

Nguồn nhân lực trẻ là yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam

Nguồn nhân lực trẻ là yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam

Những điểm yếu

Theo Fitch Solutions, chi tiêu cho CNTT trên đầu người thấp và thị trường nhạy cảm với giá cả cao gây áp lực lên biên lợi nhuận của nhà cung cấp, từ đó dẫn đến các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam thường ưu tiên cho các giải pháp chi phí thấp.

Mức độ vi phạm bản quyền phần mềm cao. Mặc dù gần đây tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm đã giảm nhiều so với 10 năm trước, nhưng thói quen dùng phần mềm "chùa" vẫn chưa chấm dứt.

Những cơ hội

Thị trường CNTT Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng bền vững thông qua việc tích hợp CNTT vào các hoạt động và quy trình của khu vực tư nhân và khu vực công, đặc biệt là với việc áp dụng các dịch vụ cơ sở hạ tầng và ứng dụng lưu trữ đám mây. Với dịch vụ đám mây, giờ đây doanh nghiệp không còn phải mua phần mềm để cài đặt trên một máy chủ duy nhất nữa.

Các xu hướng gia tăng trong giai đoạn đại dịch như thương mại điện tử, đăng ký nội dung số và dịch vụ trực tuyến, thanh toán di động và làm việc từ xa tiếp tục phát triển mạnh. Điều này cũng sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư liên tục vào mạng dữ liệu, hậu cần, bán lẻ và các kênh hoạt động.

Chính phủ đang thúc đẩy để tạo ra một ngành dịch vụ CNTT trong 15 đến 20 năm tới, trong đó Quỹ Đổi mới Công nghệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương.

Sức mua thiết bị công nghệ có thể tăng cao, làm tăng khả năng mua bằng đồng nội tệ đối với máy tính cá nhân nhập khẩu và máy tính lắp ráp trong nước với linh kiện nhập khẩu.

Những nguy cơ

Gần đây, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đã gia tăng trở lại có thể khiến nhà nước phải ban hành những chính sách cộng đồng chặt chẽ hơn, sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu của ngành CNTT.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những áp lực có thể xảy ra do cuộc xung đột Nga - Ukraine, hoặc giãn cách xã hội ở Trung Quốc.

Tình trạng thiếu chip kéo dài đến năm 2022 và buộc các hoạt động lắp ráp phần cứng CNTT phải tạm dừng, dẫn đến giá cao hơn hoặc tình trạng thiếu thiết bị.

Các cuộc tấn công mạng, mã độc từ tin tặc trong nước và nước ngoài có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp.

Dự báo thị trường CNTT năm 2022

Thị trường CNTT Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm 2022 khi nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn cấp bách của Covid-19.

Thị trường có động lực tăng sau đại dịch, nhưng ngày càng có nhiều rủi ro trên toàn cầu có thể làm gián đoạn sự đầu tư tích cực trong nước.

Kịch bản cốt lõi là thị trường CNTT trong nước tăng trưởng 14,7% vào năm 2022 với giá trị là 208 ngàn tỉ đồng (9 tỉ USD), tương ứng với mức tăng trưởng tỷ giá 15,4% tính theo USD.

Về mặt tích cực, sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 dự kiến ​​sẽ tiếp tục, và nguy cơ phải giãn cách xã hội đã giảm bớt do Việt Nam đã triển khai tiêm 2 mũi vaccine cho hơn 90% dân số. Tuy nhiên, có một mối đe dọa về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu yếu hơn đối với các ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam do Trung Quốc đóng cửa giao thương, sự thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và mối quan hệ tồi tệ giữa Nga-Ukraine.

Đối với thị trường PC, Fitch Solutions cho rằng sự tăng trưởng là không chắc chắn. Những hạn chế xã hội trong năm 2020 và 2021 đã tạo ra nhu cầu mua sắm PC từ kết quả của việc đóng cửa trường học và các cơ quan, doanh nghiệp, nhưng nhu cầu đã giảm khi xã hội đã mở cửa trở lại.

Fitch Solutions dự báo rằng phần cứng máy tính sẽ là phân khúc duy nhất giảm tốc vào năm 2022.

Trong khi đó, các xu hướng tích cực trong năm 2022 sẽ bao gồm sự phục hồi tâm lý tiêu dùng, cũng như quá trình tin học hóa/chuyển đổi số trong khu vực tư nhân và nhà nước sẽ tạo ra nhu cầu mạnh mẽ về máy tính để bàn và máy tính xách tay.

Tình hình sức khỏe cộng đồng được cải thiện vào năm 2022 ​​sẽ là một yếu tố quan trọng đối với phân khúc phần mềm và dịch vụ khi mà kế hoạch đầu tư của khu vực tư nhân phục hồi sau những bất ổn tồn tại vào năm 2021.