Với sự phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ Nhân tạo, Máy học, dữ liệu lớn, máy móc đang dần thay thế con người trong lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng chất xám cao, chẳng hạn như dịch thuật. Giờ đây đối với những văn bản không quá phức tạp, chiếc máy dịch của Google có thể giải quyết một cách "ngon lành", thậm chí có thể chuyển ngữ nhiều thứ tiếng. Không chỉ Google, nhiều công ty khác trên thế giới cũng đã cung cấp những phần mềm dịch thuật rất chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, cách đây khoảng chục năm cũng đã có công ty cung cấp phần mềm dịch thuật. Tuy nhiên đến nay những phần mềm đó đã bị mai một, không phát triển thêm do nhiều nguyên nhân. Cho đến nay, thị trường cho các phần mềm dịch thuật của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé.
VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ái Việt. Ông vốn là một chuyên gia CNTT kỳ cựu, nguyên Giám đốc Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã từng có thời gian làm việc tại cho Siemens và AT&T. Ông được biết đến là một chuyên gia vật lý lý thuyết và vật lý tính toán, các hệ thống thông tin và hệ thống mạng. Ông Nguyễn Ái Việt từng nhiều năm tham gia nghiên cứu lĩnh vực xử lý tiếng Việt và dịch tự động.
PV: Xin ông cho biết thị trường dịch máy có từ bao giờ và hiện nay đã phát triển đến đâu?
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt: Những năm trở lại đây người ta bắt đầu đề cập đến thị trường dịch máy. Thị trường này ra đời sau khi cỗ máy dịch của Google bắt đầu hoạt động, khoảng dưới 10 năm nay.
Doanh số của thị trường dịch máy hiện nay khoảng hơn 7 tỉ USD. Tại Việt Nam thì chúng ta chưa thể nói có thị trường dịch máy. Trước kia có 3 công ty là Lạc Việt, Tinh Vân và VIEGRID. Sau đó Tinh Vân và Lạc Việt rút ra khỏi lĩnh vực này bằng cách bán dữ liệu cho Google.
Gần đây đã xuất hiện những tín hiệu tốt khi có thêm một số công ty quan tâm đến dịch máy như FPT, Viettel. Nhưng nói chung chúng ta chưa có thị trường dịch máy thực sự.
PGS.TS Nguyễn Ái Việt nói về dịch thuật bằng máy (phần 1) |
PV: Hiện nay người dùng cũng bắt đầu quen với một số phần mềm dịch thuật, chuyển từ giọng nói sang văn bản. Tuy nhiên khả năng dịch của những phần mềm này vẫn còn một số lỗi khá ngô nghê. Theo ông, do công nghệ ngày nay vẫn còn hạn chế hay do một nguyên nhân nào khác?
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt: Nó có hai vấn đề đối với phần mềm đó. Thứ nhất là về dữ liệu. Có lẽ dữ liệu dịch thuật chưa đủ, mà Việt Nam lại có nhiều âm giọng khác nhau nên việc nhận dạng nó có một số khó khăn. Không phải khó khăn về mặt kỹ thuật mà cơ bản là chúng ta phải có đủ dữ liệu của tất cả các âm giọng đó. Vì vậy nhận dạng có vấn đề ở chỗ đó.
Về mặt công nghệ, có một khó khăn mà các kỹ sư phần mềm cần giải quyết là việc tách câu đến đâu. Bởi khi chúng ta nói thì máy không biết chấm câu ở đâu. Khi nói chuyện, chúng ta có những đoạn dừng một cách tùy tiện, chẳng hạn như lúc hụt hơi chúng ta dừng lại – đó không nhất thiết là dấu chấm câu. Người nghe thì có thể hiểu, nhưng máy thì chịu. Cho nên khi ngắt câu không đúng thì dịch đương nhiên sẽ bị sai.
PV: Theo một báo cáo thì thị trường dịch thuật ở Việt Nam trong thời gian tới có thể lên tới hơn 2.000 tỉ đồng. Theo ông các công ty dịch thuật của Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường này không?
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt: Trước mắt thì chưa. Phần lớn thị trường này đang nằm trong tay các công ty cung cấp dịch vụ chuyển ngữ quốc tế. Các công ty đó bằng cách này cách khác lại thuê lại công ty Việt Nam.
Muốn chiếm được thị trường này, chúng ta phải có một chiến lược phát triển ngành công nghiệp dịch thuật, mà trước hết là phải có một Hiệp hội. Thứ hai là phải xây dựng một tiêu chuẩn cho ngành. Thứ ba là đào tạo kỹ năng để phát triển các công ty đó.
Các công ty dịch thuật Việt Nam hiện nay kém phát triển do thị trường manh mún, giá dịch thuật thấp. Không phát triển được ngành công nghiệp thì doanh nghiệp Việt không chiếm lĩnh được thị trường.
ông Nguyễn Ái Việt và các chuyên gia dịch thuật, các giảng viên ngoại ngữ tại Viện Ngoại ngữ, ĐH Bách Khoa Hà Nội |
PV: Ông có thể đưa ra một vài dự đoán về công nghệ dịch máy trong tương lai? Liệu tương lai gần có một thiết bị đeo đầu giúp mọi người du lịch khắp thế giới, nói chuyện được với mọi người trên thế giới?
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt: Cái đó thì trong tầm tay rồi. Hiện nay đã có các app trên điện thoại di động đã có thể giúp phiên dịch trực tiếp. Việc chuyển từ app trên điện thoại sang thiết bị đeo đầu cũng chỉ là một bước nữa thôi.
PV: Theo ông nhà nước có cần ban hành chính sách gì để khuyến khích việc nghiên cứu dịch máy hay không, hay đây chỉ là bài toán riêng của các công ty về dịch thuật?
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt: Tôi nghĩ hiện nay vai trò của dịch thuật trong nền công nghiệp nội dung số đã tương đối rõ, thu hút sự quan tâm của một số công ty lớn. Cách đây khoảng hơn 10 năm khi chúng tôi khởi sự, đáng lẽ lúc đó phải có một sự khuyến khích, vì dịch thuật là ngành phải có đầu tư rất lớn mà lại không có thị trường ngay. Hồi đó, chúng tôi đã tiêu hết cả tiền đầu tư mà vẫn chưa có thị trường.
Tôi nghĩ nhà nước không nên đầu tư bằng tiền vì nó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng đối với các công ty trong cạnh tranh, mà nên có sự khuyến khích về thị trường. Chẳng hạn như bắt buộc một số cơ quan nhà nước phải sử dụng phần mềm dịch thuật của công ty trong nước để bảo mật thông tin. Nhà nước có những đề án dịch thuật lớn, đặt hàng các công ty của Việt Nam để họ phát triển.
PGS.TS Nguyễn Ái Việt nói về dịch thuật bằng máy (phần 2) |
PV: Được biết công ty của ông đã phát triển một số ứng dụng dịch thuật. Ông có thể giới thiệu sơ qua sản phẩm này?
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt: Phần mềm BOCOHAN chúng tôi giới thiệu với thị trường từ năm 2006. Sau đó chúng tôi phát triển những phần mềm như gắn phụ đề phim, soát lỗi chính tả, tự động gõ dấu. Sau đó chúng tôi phát triển hệ sinh thái dịch thuật bao gồm việc tạo ra các văn phòng dịch thuật ảo, tạo chợ dịch thuật có thể đấu giá các dự án dịch, làm ra các hệ thống đánh giá chuyên gia dịch. Chúng tôi cũng có thực hiện một dự án dịch đa ngữ của Bộ Công thương. Đó là những việc chúng tôi đã làm trong thời gian vừa qua.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng thị trường dịch máy vẫn còn khó khăn do nhận thức của thị trường chưa đầy đủ, giá dịch thuật vẫn chưa thuận lợi cho các công ty. Cho nên phần lớn các dự án dịch thuật do freelancer (người làm dịch thuật tự do) đảm nhiệm. Mà freelancer thì không thể đòi hỏi họ dùng phần mềm được.
PV: Ông có cho rằng trong một tương lai không xa nữa con người làm công tác biên dịch sẽ bị thất nghiệp trước máy móc không?
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt: Tôi không nghĩ thế. Nhưng những người kém thì sẽ mất việc. Nếu người trình độ kém dịch không bằng máy thì không có lý do gì tồn tại cả. Những người giỏi thì có thể họ sẽ sử dụng được máy móc, rồi thêm chất xám và kỹ năng độc đáo nữa thì họ sẽ có công việc tốt hơn. Đa số những “việc tay chân” được tính cho dịch thuật sẽ mất đi. Những người dịch cao cấp có thể tồn tại và có thu nhập cao hơn.