Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 và an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 diễn ra vào sáng nay, ngày 13/8.
Sửa phác đồ điều trị, sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Bộ Y tế đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận rộng rãi với tất cả các loại thuốc. Tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân mắc COVID-19”.
Được biết, thuốc Molnupiravir là thuốc đặc trị virus SARS-CoV-2 được dùng qua đường uống, do 2 công ty dược Rigibel (Đức) và Merck (Mỹ) phát triển, được đánh giá là thuốc giúp giảm nhanh nồng độ virus.
Thuốc molnupiravir dùng trong điều trị Covid-19 mà Hãng dược Merck của Đức và đối tác Mỹ Ridgeback Biotherapeutics đang nghiên cứu (Ảnh: REUTERS) |
Hiện nay, Hội đồng Đạo đức, khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai vấn đề này khi có thuốc Molnupiravir. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở nhập thuốc quan tâm đến vấn đề sản xuất thuốc Molnupiravir khi có điều kiện sẽ sử dụng.
Bộ Y tế cũng đề nghị các doanh nghiệp có thể sản xuất thuốc Molnupiravir có thể trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc này. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng.
Ngoài ra, với các thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng hiện nay, Bộ Y tế đã hỗ trợ thuốc Remdesivir (đã về một đợt) và một số thuốc kháng virus khác cho các địa phương. “Các địa phương phải coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí chống lại virus để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn và có thể áp dụng đại trà”- ông Long nói.
Thí điểm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Thời gian qua, lực lượng khám chữa bệnh cùng hệ thống y tế dự phòng, các viện, các trường và toàn thể ngành y tế đã cùng nhau hết sức nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch. Lực lượng y tế luôn luôn sẵn sàng, nỗ lực hết mình để phục vụ công tác phòng, chống dịch, giảm tỷ lệ tử vong tại các điểm nóng.
Tại những tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như TP. HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương,… công tác phòng, chống dịch đã được tập trung cao độ và có rất nhiều nỗ lực. Bên cạnh công tác dự phòng, vấn đề điều trị là ưu tiên trọng tâm với các địa phương trong giai đoạn hiện nay để giảm tối đa các trường hợp tử vong. Từ thực tiễn chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã rút ra bài học kinh nghiệm cho các bệnh viện trong công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân (Ảnh - BVCC) |
Hiện nay, công tác tổ chức khám, chữa bệnh, điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được thay đổi trên nguyên tắc tất cả người dân đều được tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế và đảm bảo tiếp cận nhanh, thuận tiện, chất lượng cho bệnh nhân. Trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập các Bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức tích cực.
Đối với các địa phương, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chia tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, trong đó tại tầng 1, bao gồm các bệnh viện dã chiến, các địa điểm tại cộng đồng, kể cả tại gia đình,… để quản lý và chăm sóc người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, theo điều kiện của từng địa phương.
“Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở; để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tại nhà, ở các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng điều trị này rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế”- ông Long nói.
Theo ông Long, tầng điều trị thứ 2 (các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng trung bình) vô cùng quan trọng. Các bệnh viện phải đảm bảo đủ oxy cho người bệnh, thuốc kháng đông và kháng viêm. Các bệnh viện có giường bệnh ngay từ bây giờ phải chuẩn bị cho tình huống có nhiều ca nhiễm. Nếu các đơn vị làm tốt công tác điều trị ở tầng này thì sẽ giảm nhẹ ca mắc và không làm tăng nặng ca nhiễm, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn.
Về vấn đề cung cấp oxy, Bộ Y tế đã liên tục có những văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn cụ thể các địa phương phải đảm bảo oxy cho điều trị ở tầng này. Do đó, các địa phương phải ngay lập tức rà soát lại tất cả các cơ sở y tế thuộc tầng điều trị này xem có bồn oxy hay bình lớn chứa oxy chưa và số lượng oxy có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị của bao nhiêu bệnh nhân.
“Đây là tầng điều trị có tầm quan trọng đặc biệt nên các địa phương phải chú trọng tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế thuộc tầng này để đảm bảo có thể thực hiện được các kỹ thuật cao nhất khi cần. Đối với tầng 2, Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng máy thở dòng cao (HFNC) trong điều trị, máy thở không xâm nhập và một số trang thiết bị khác mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được” – Bộ trưởng lưu ý.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng (Ảnh - BYT) |
Về thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Các cơ sở ở tầng điều trị thứ 2 phải luôn luôn có oxy, thuốc kháng đông và kháng viêm; phải cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ nặng của bệnh nhân”.
Đối với tầng thứ 3 (điều trị hồi sức tích cực), Bộ trưởng nhắc lại yêu cầu của Bộ Y tế về việc tất cả các địa phương phải chuẩn bị cả về nhân lực và trang thiết bị cho tầng điều trị này. Riêng nhân lực phải sử dụng được máy thở xâm nhập. Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương cần rà soát lại các tầng điều trị trên địa bàn, trên nguyên tắc tăng công suất tối đa của các tầng điều trị. Ngay tại tầng 1 phải tăng khả năng, dung lượng điều trị. Tầng thứ 2 và 3 cũng vậy, để khi dịch xảy ra, các địa phương không bị ngỡ ngàng, không hoang mang, bị động.
Theo ông Long, hiện nay tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng lúng túng, chuẩn bị chưa chu đáo, đầy đủ cho công tác điều trị. Các địa phương theo đúng phương châm “4 tại chỗ” thì phải chuẩn bị sẵn sàng cho điều trị về giường bệnh, oxy, máy thở (bao gồm cả HFNC) cho tầng điều trị thứ 3 và trang thiết bị phòng hộ. Việc chuẩn bị phải đồng bộ, thống nhất.
Chuẩn bị nhân lực cao hơn 1 bước
Về công tác chuẩn bị về nhân lực cho phòng chống dịch, đặc biệt cho công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương không nên có tâm lý trông chờ vào nguồn nhân lực chi viện, phải huy động tối đa nguồn lực tại chỗ kể cả y tế công lập và y tế tư nhân.
“Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương về vấn đề này, do đó yêu cầu các địa phương phải thực hiện tốt chủ trương huy động y tế tư nhân tham gia và phối hợp chặt chẽ để khi bệnh nhân có nhu cầu đều được tiếp cận dịch vụ y tế. Nếu chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu, càng chủ động bao nhiêu thì càng hiệu qủa trong điều trị bấy nhiêu” - Bộ trưởng nói.
Các bác sĩ lên đường chi viện cho TP. HCM (Ảnh - Minh Thuý) |
Theo ông Long, các địa phương phải thường xuyên, liên tục đào tạo về chuyên môn sử dụng máy thở cho nhân viên y tế; đào tạo về thực hành chia ca, chia kíp trực; đào tạo về đảm bảo phòng hộ trong thực hiện nhiệm vụ. “Phải duy trì được lực lượng y tế mới có thể thực hiện công tác điều trị lâu dài được. Chúng tôi đề nghị các địa phương đã chuẩn bị phải chuẩn bị cao hơn, mong dịch không xảy ra, nhưng khi dịch xảy ra thì không lúng túng, bị động”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về công tác thiết lập các bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức tích cực, Bộ trưởng lưu ý các địa phương nên chọn mặt bằng sẵn, cũng như có sẵn các trang thiết bị để trong trường hợp cần thiết triển khai ngay. UBND tỉnh, thành phố, Sở Y tế có quyền thành lập các trung tâm này ngay để phục vụ cho việc chăm sóc bệnh nhân, đồng thời, sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận rộng rãi với tất cả các loại thuốc
Tại TP. HCM, Bộ Y tế đã thành lập 1 bệnh viện và 4 trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân nặng và nguy kịch tại thành phố, trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy điều hành Bệnh viện hồi sức tích cực COVID-19 TP. HCM với quy mô 1.000 giường; Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM đều đã nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã hình thành nên các trung tâm điều trị hồi sức tích cực tại Bình Dương (đã khành thành đi vào hoạt động ngày 12/8), tại Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.,…
Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc phải dành ít nhất 40% nhân lực để sẵn sàng cho tình huống có diễn biến phức tạp mà khả năng các địa phương không đáp ứng được thì phải điều động lượng nhân lực lớn hỗ trợ, giống như hiện nay chúng ta đang tiếp tục điều động lượng nhân lực lớn cho TP. HCM, hỗ trợ cho các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng như một số các tỉnh có dịch nặng nề.