Cục Quản lý Dược cho biết: Cục đã nhận được công văn của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và một số công ty cung cấp thông tin về thuốc điều trị COVID-19.
Theo Cục Quản lý Dược: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, cả nước xuất hiện nhiều ổ dịch với số lượng ca bệnh lớn. Trên cơ sở thông tin từ các công ty, Cục Quản lý Dược đã cập nhật thông tin về 7 loại thuốc điều trị COVID-19.
7 loại thuốc điều trị COVID-19 gồm các thuốc sau:
1) Thuốc Remdesivir do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cung cấp, đã được cấp phép và sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ. Thuốc Remdesivir được dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng.
Trao đổi với PV VietTimes về việc cấp phép thuốc Remdesivir ,Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, xem xét cấp phép thuốc remdesivir để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước ta. Thuốc remdesivir đã được thế giới công nhận và sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 từ lâu”.
Thuốc remdesivir đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép, phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ ngày 22/10/2020.
Thuốc Remdesivir (Ảnh - Felipe Caparros Cruz) |
Thuốc remdesivir là thuốc kháng virus có khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng. Đến nay, thuốc remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ,… đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu trên thế giới.
Ngay trong tối qua, ngày 5/8, 50.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đã về đến Việt Nam. Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng Hội đồng chuyên môn sẽ tiến hành họp để đưa bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19.
2) Thuốc Favipiravir do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cung cấp. Thuốc đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Malaysia dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ.
Thuốc Favipiravir (Ảnh: Europeanpharmal) |
Được biết, thuốc Favipiravir là một loại thuốc chống virus thử nghiệm đang được phát triển bởi Toyama Chemical của Nhật Bản với hoạt động chống lại nhiều loại virus RNA.
Mới đây, Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.
3) Thuốc 2DG do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cung cấp. Thuốc đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ. Thuốc được sử dụng để hỗ trợ trị liệu cho các bệnh nhân mắc COVID-19 thể vừa và thể nặng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan công bố loại thuốc điều trị COVID-19 có tên 2-DG sáng 17/5. (Ảnh: ANI) |
4) Thuốc Molnupiravir do Merk Sharp & Dohme (MSD) Hetero Labs Limited cung cấp. Thuốc đã thử nghiệm lâm sàng (Pha 1 và 2 tại Mỹ; Pha 3 tại Ấn Độ). Dự kiến tháng 9, thuốc sẽ được cấp phép lưu hành tại Ấn Độ.
Thuốc molnupiravir dùng trong điều trị Covid-19 mà Hãng dược Merck của Đức và đối tác Mỹ Ridgeback Biotherapeutics đang nghiên cứu (Ảnh: REUTERS) |
Hetero Labs Limited đã ký kết thoả thuận với MSD (Công ty về dược phẩm và sinh học) để sản xuất và phân phối thuốc Molnupiravir ở Ấn Độ và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
5) Thuốc Ronapreve (Casirivimab và Imdevimab) do F.Hoffmann-La Roche AG cung cấp, được cấp phép lưu hành tại Mỹ vào tháng 11/2020.
Trụ sở Công ty Roche tại Thụy Sĩ (Ảnh: MaLay Mail) |
6) Thuốc Peginterferon-Lambda do Eiger Biopharmaceuticals (Palo Alto, California, Hoa Kỳ) cung cấp. Giai đoạn 2 thuốc được thử nghiệm tại Toronto, Canada.Hiện, thuốc đang trong thử nghiệm giai đoạn 3 tại Brazil và dự kiến sẽ được FDA Mỹ thông qua vào cuối năm nay.
7) Thuốc Actemra (Tocilizumab) do F.Hoffmann-La Roche AG cung cấp. Thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2011 với chỉ định trong điều trị viêm thấp tiến triển.
Ngày 24/6, FDA đã phê duyệt khẩn cấp thuốc Actemra (Tocilizumab) trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nằm viện
Nhằm tăng cường việc tiếp cận của bệnh nhân với thuốc điều trị COVID-19, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải thông tin đến các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn để tham khảo, nghiên cứu.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở nhập khẩu trong trường hợp xác định được nhu cầu về thuốc điều trị COVID-19 phải chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở cung cấp thuốc để có kế hoạch tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 phù hợp.
Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Bệnh viện báo cáo về Cục Quản lý Dược theo địa chỉ: 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội hoặc hòm thư qlkinhdoanh.qld@moh.gov.vn để được giải quyết.