Thầy giáo TikTok và thông điệp 5K giúp trẻ em phòng, tránh virus độc hại trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Nếu coi những yếu tố nguy hại trên không gian mạng là một đại dịch thì thầy cô sẽ là những y bác sĩ sẽ tiêm cho các em những ‘liều vaccine’, giúp các em ‘miễn dịch’ với những virus độc hại này..."
Một trong những cách làm giảm tác động tâm lý của công nghệ và Internet đến trẻ chính là thầy cô phải trở thành người bạn lớn của trẻ trong môi trường số.
Một trong những cách làm giảm tác động tâm lý của công nghệ và Internet đến trẻ chính là thầy cô phải trở thành người bạn lớn của trẻ trong môi trường số.

Nhà sáng tạo nội dung TikTok sở hữu tài khoản mang tên "Thầy Kiên" chia sẻ về thông điệp 5K để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại buổi phát trực tiếp tập số 3 trong khuôn khổ chiến dịch vaccine Số - “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ” được phát trên kênh TikTok LIVE Việt Nam, Fanpage TikTok, Fanpage MSD Việt Nam và Fanpage Lan tỏa yêu thương mới đây.

Các khách mời đã cùng thảo luận về những ảnh hưởng của công nghệ và Internet đối với học sinh và khó khăn của thầy cô trong trong việc đồng hành, bảo vệ sức khoẻ tinh thần của học sinh. Từ đây, nhiều cách giải quyết đã được khách mời gợi ý, với mong muốn giúp các thầy cô thực sự trở thành người bạn lớn của trẻ trong cuộc sống số.

Chia sẻ về những thay đổi của người lớn để bắt nhịp “sống số” cùng các em, thầy giáo Kiên - vốn là một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm dạy Toán cho biết tình hình dịch bệnh căng thẳng, công nghệ trở thành công cụ chính giúp ông tiếp tục công việc truyền tải kiến thức trực tuyến đến các em học sinh.

"Thú thực ban đầu cũng có những bỡ ngỡ, cảm thấy bị 'ép buộc' phải thích ứng nhưng dần dà bắt nhịp, tôi thấy được lợi thế của công nghệ trong việc giảng dạy trực tuyến.

Thầy Kiên - vốn là một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm dạy Toán, cũng là một TikToker.

Thầy Kiên - vốn là một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm dạy Toán, cũng là một TikToker.

Bên cạnh đó không gian số cũng đã mở ra nhiều cơ hội, giúp tôi tương tác với các em hơn, một trong số đó chính là tham gia TikTok. Kéo gần khoảng cách với học sinh, khiến các em thấy mình cũng ‘sống số’ và từ đó, các em dễ dàng tương tác và mở lòng với mình hơn chính là mục đích của tôi”.

Thầy Kiên tâm sự: “Thầy cô luôn sẵn sàng tham gia vào bất cứ ‘mặt trận’ nào để bảo vệ trẻ em, bao gồm cả cuộc chiến trước những nguy hại trên không gian mạng. Thậm chí nếu coi đây là một đại dịch thì thầy cô sẽ là những y bác sĩ sẽ tiêm cho các em những ‘liều vaccine’, giúp các em ‘miễn dịch’ với những virus độc hại này".

Cũng chính từ đây, theo góc nhìn của thầy Kiên, thông điệp 5K mang thêm một ý nghĩa khác:

- Khẩu trang: Thầy cô là lá chắn cứng bảo vệ các em.

- Khử khuẩn: Thầy cô giữ vai trò sàng lọc thông tin độc hại trước khi đến tới các em.

- Khoảng cách: Thầy cô tạo hành lang an toàn cho các em khỏi những thử thách nguy hiểm.

- Không tụ tập nơi đông người: Thầy cô giáo dục các em không bắt chước đám đông tham gia thử thách nguy hiểm hay bắt nạt bạn bè trên không gian mạng.

- Khai báo y tế: Thầy cô khuyến khích các em minh bạch và cởi mở những câu chuyện sống số để phát hiện nguy hiểm kịp thời.

Các khách mời tham dự buổi trao đổi “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ”, trong khuôn khổ chương trình "Vaccine số".

Các khách mời tham dự buổi trao đổi “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ”, trong khuôn khổ chương trình "Vaccine số".

Song song với việc tìm cách để học sinh mở lòng tâm sự với mình, các thầy cô cũng cần để ý đến những dấu hiệu về ảnh hưởng của công nghệ và internet với học sinh. Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) giải thích rõ hơn về vấn đề này như sau: “Sử dụng công nghệ quá đà, mất kiểm soát sẽ gây nên hệ quả phụ thuộc, hay còn gọi là "nghiện". Một khi đã ‘nghiện’ (nghiện game, nghiện mạng xã hội,...), các em dành hết sự tập trung vào đó, dẫn đến lơ là các việc xung quanh như học tập, rèn luyện sức khoẻ hay tương tác trực tiếp với mọi người xung quanh... Điều này ảnh hưởng không hề tốt đến sức khỏe tinh thần cũng như sự phát triển lành mạnh của các em.

Một số biểu hiện dễ thấy khi các em ‘nghiện’ điện thoại hay Internet có thể kể đến bỏ ăn, thiếu ngủ, mệt mỏi trong giờ học… (về thể chất); hay mất tập trung, sa sút học tập, bứt bối căng thẳng khi không được dùng điện thoại… (về tinh thần)”.

Ngoài ra bà Linh cũng cảnh báo một số rủi ro trên không gian mạng như bắt nạt mạng, thông tin độc hại, thử thách nguy hiểm, trò chơi khăm và lừa bịp, tin giả và tin sai lệch... Theo bà Linh, trong những trường hợp này, nếu không được định hướng tốt, trẻ sẽ dễ dàng bị tác động tiêu cực và tổn thương bản thân, thậm chí có những trường hợp đáng tiếc đã dẫn đến tự tử khi không có sự can thiệp kịp thời của người lớn.

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD).

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD).

Viện trưởng MSD rút ra phương pháp giúp thầy cô kết nối với học sinh và bảo vệ các em trước những tác động tiêu cực của công nghệ/Internet: “Là giáo viên, các thầy cô cần chủ động chỉ cho học sinh phân biệt thông tin tốt và thông tin độc hại, dặn các em không được cung cấp các thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, ngoài đời lẫn trên mạng. Đặc biệt nhà trường và giáo viên nên tổ chức những buổi giao lưu, hướng dẫn phụ huynh Quản lý thời gian truy cập và Kiểm soát nội dung truy cập của trẻ…”.

Các khách mời thống nhất rằng không thể phủ nhận những tác động tích của công nghệ/Internet nhưng bên cạnh đó, đây cũng là môi trường có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý của thanh thiếu niên. Vì vậy ngoài sự quản lý và theo dõi của bố mẹ và gia đình, các thầy cô - những người tiếp xúc hàng ngày với các em cũng cần góp sức bảo vệ học sinh của mình. Và một trong những cách ngắn nhất, thực tế nhất chính là trở thành “người bạn lớn của các em”, hỗ trợ các em bằng cách nhẹ nhàng, gần gũi chứ không phải cưỡng ép, cấm đoán.

Tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam nêu quan điểm, nếu muốn giúp đỡ trẻ trên môi trường số, các giáo viên cũng cần được trang bị kiến thức sớm và đầy đủ như từ bộ cẩm nang Teacher Safety Toolkit - Bộ công cụ An toàn cho Giáo viên. Đây chính là một trong những nỗ lực của TikTok trong việc xây dựng môi trường số an toàn cho thanh thiếu niên.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam (bìa phải).

Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam (bìa phải).

“Ngoài ra, TikTok luôn có những công cụ, tính năng mà các thầy cô có thể hướng dẫn các bậc phụ huynh hay các em sử dụng để tạo một thói quen và trải nghiệm sống số lành mạnh, bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân. Giáo viên, phụ huynh và các em có thể truy cập vào Trung tâm An toàn của TikTok để tìm hiểu thêm về các tính năng, công cụ và nguồn lực này” - ông Thanh cho biết thêm.