Thất thế trước YouTube và Netflix, truyền hình truyền thống đang có những giải pháp gì?

VietTimes -- Do sự phát triển chóng mặt của smartphone, các nội dung video phong phú vui nhộn và ít quảng cáo, có thể chiếu liên tục và có tính tương tác cao với người xem trên YouTube và Netflix đang ngày càng thu hút được một số lượng khổng lồ người xem, đặc biệt là những người trẻ. Đứng trước thách thức bị mất thị phần này, truyền hình truyền thống đã có những giải pháp gì?
Hiện nay hầu như không mấy đứa trẻ thuộc thế hệ Z xem ti vi truyền thống (Ảnh YouTube)
Hiện nay hầu như không mấy đứa trẻ thuộc thế hệ Z xem ti vi truyền thống (Ảnh YouTube)

Grace Clark, 17 tuổi, không thích xem ti vi. Cô bé cho biết lý do là các tình tiết và nội dung chương trình trên tivi quá dài.

“Em thích xem YouTube, bởi nội dung ngắn hơn và do đó em có thể tập trung chú ý theo dõi suốt cả đoạn video”, Clark cho tờ Business Insider biết.

Nội dung yêu thích của em là Vlog Squad, một nhóm khoảng 20 người nổi tiếng trên YouTube. Cứ vài lần mỗi tuần, nhóm này thường đăng các đoạn video về hoạt động hàng ngày của họ như là đi bộ đường dài hoặc trượt ván. “Nội dung các video này rất vui nhộn, nhưng hiếm khi dài quá 20 phút”, Clark nói.

Sự yêu thích các nội dung video ngắn nhưng thường xuyên đang làm điểm chung của những đứa trẻ. Clark được xem là một người thuộc thế hệ Z, thế hệ những người sinh sau năm 1997. Hầu như không có đứa trẻ nào trong thế hệ này biết đến cuộc sống trước khi có mạng xã hội, internet và martphone.

Trong một cuộc điều tra gần đây của tờ Business Insider đối với 104 đứa trẻ ở Mỹ, thì chỉ có 2% trong số những đứa trẻ sinh ở thế hệ Z cho biết truyền hình truyền thống là lựa chọn yêu thích nhất của chúng để xem video. Gần 1/3 cho biết YouTube là kênh chúng thường xuyên vào nhất, và 62% nói ngoài YouTube, thì Netflix hoặc Hulu là những kênh chúng thường vào nhất.

Những người hay xem ti vi truyền thống cho biết họ xem vì đó là một cách để tạo mối quan hệ gắn kết với gia đình, xem tin tức, hoặc cho dễ ngủ.

Tỷ lệ những nền tảng truyền hình được thế hệ Z thường xuyên xem nhất (Ảnh Business Insider)
 Tỷ lệ những nền tảng truyền hình được thế hệ Z thường xuyên xem nhất (Ảnh Business Insider)

Theo bà MaryLeigh Bliss, Giám đốc phụ trách nội dung của YPulse, một công ty nghiên cứu và quảng bá tập trung vào những người thế hệ Y và thế hệ Z, cho biết đây là một sự đối lập với các thế hệ trước.

“Đây là một sự thay đổi rất rất lớn mà chúng tôi thấy ở những người thuộc thế hệ trẻ”, bà Bliss cho biết.

Trong số những người Mỹ trưởng thành, có 59% số người cho biết truyền hình cáp hoặc truyền hình vệ tinh là lựa chọn chủ yếu của họ khi xem truyền hình, theo một nghiên cứu năm 2017 của viện nghiên cứu Pew Research. Chưa đến 1/3 số người được hỏi cho biết truyền hình trực tuyến là lựa chọn chủ yếu của họ.

Tỷ lệ những người già yêu thích truyền hình truyền thống còn cao hơn, có đến 84% số người trên 65 tuổi cho biết họ chủ yếu xem truyền hình cáp.

“Thành thật mà nói thì em không xem nhiều chương trình truyền hình truyền thống. Em xem bất cứ thứ gì chiếu trên đó, nhưng em chẳng chú ý gì cả. Em thích xem YouTube hơn vì em có thể xem bất cứ thứ gì mình muốn”, Grace Serdula, 16 tuổi cho biết.

Một lý do cơ bản nhất dẫn đến sự thay đổi về cách xem truyền hình này đó là sự gia tăng nhanh chóng của các loại điện thoại di động. Phần lớn những đứa trẻ thuộc thế hệ Z đều sử dụng smartphone như là một phương tiện chủ yếu để xem video, trong khi những người thuộc thế hệ Y chủ yếu xem tivi, YPulse cho biết.

Đó không phải bởi vì giới trẻ không tiếp cận với tivi. Với những đứa trẻ dưới 18 tuổi thì chúng vẫn sống với bố mẹ, những người chắc chắn đều có tivi.

Do ít xem ti vi nên thế hệ trẻ cũng khó chấp nhận các quảng cáo truyền thống. Nhiều bài viết vừa qua cho thấy kênh Fox đang muốn chèn vào các quảng cáo trên truyền hình bằng các video vui nhộn được một công ty dược phẩm hoặc các công ty khác tài trợ. “Mục đích của điều này là nhằm tích cực đưa những người trẻ tiếp cận với tivi truyền thống”, bà Bliss nói về động thái của Fox.

Netflix là một nền tảng xem video được giới trẻ yêu thích nhất (Ảnh Netflix)
Netflix là một nền tảng xem video được giới trẻ yêu thích nhất (Ảnh Netflix) 

Netflix, một trong những dịch vụ xem video rất được yêu thích của thế hệ Z, hiện rất ít quảng cáo. Netflix cũng chỉ tập trung vào việc cung cấp các nội dung phục vụ người xem, đây là cách mà những đứa trẻ ngày nay xem ti vi.

Không giống như những thế hệ trước đây sẵn sàng chờ đợi để xem được phần mới nhất của một chương trình truyền hình, những người thuộc thế hệ Z tích xem những chương trình cũ hơn. Nhiều đứa trẻ tuổi teen đang say sưa xem “Friends”, một bộ phim sitcom mà phần cuối của nó được chiếu khi nhiều đứa trẻ này còn còn phải mặc tã.

“So với truyền hình truyền thống, thì chúng em có nhiều lựa chọn hơn khi xem trên Netflix bởi khi xem ở đây, chúng em có thể tua đi tua lại và xem những chương trình cũ dễ dàng hơn”, Sadie Madden, 15 tuổi, nói.

Còn em Clark cho biết em thích xem trên Netflix bởi khi xem không bị gián đoạn bởi các đoạn quảng cáo.

Vlog Squad là một chương trình rất được yêu thích của giới trẻ (Ảnh YouTube)
Vlog Squad là một chương trình rất được yêu thích của giới trẻ (Ảnh YouTube) 

YouTube mang lại nhiều trải nghiệm khác biệt hơn so với truyền hình truyền thống

Khi xem YouTube, những đứa trẻ không phải đang tìm kiếm những nhân vật hư cấu do các ngôi sao Hollywood nhập vai. Giới trẻ xem YouTube bởi có các chương trình nội dung chuyên biệt phục vụ cho sở thích của người xem. Em Isabel Lagando, 14 tuổi, thích xem các chương trình làm đẹp và nấu ăn. Còn em Kay Parker, 15 tuổi, thích xem các video về game trên YouTube.

“Trước khi chơi, bạn có thể biết được một game hấp dẫn hay không khi xem bình luận của người khác. Thay vì phải chờ đợi chương trình nào đó được chiếu, thì bạn luôn thấy nó trên YouTube 24/7 mà không phải chờ đợi gì cả, điều này làm cho chúng ta cảm thấy mình có thể xem bất cứ chương trình hay các video yêu thích một cách liên tục mà không thấy chán”, Parker cho biết.

Vlog cũng rất phổ biến với giới trẻ. Lý do những đứa trẻ tuổi teen yêu thích Vlog và những nhân vật nổi tiếng trên Vlog là bởi những người này thường xuyên cập nhật các hoạt động thường ngày của họ khá trung thực nên làm cho người xem cảm thấy họ gần gũi như một người bạn.

Bộ phim Riverdale của đài CW thu hút được một lượng lớn người xem thuộc thế hệ Z nhờ hợp tác phát hành với Netflix (Ảnh CW)
Bộ phim Riverdale của đài CW thu hút được một lượng lớn người xem thuộc thế hệ Z nhờ hợp tác phát hành với Netflix (Ảnh CW) 

Giải pháp của truyền hình truyền thống là gì?

Theo thống kê của Nielsen năm 2017, số lượng các gia đình lắp truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh hay viễn thông đang giảm rất nhanh.

Bà Bliss cho biết triển vọng cho các công ty truyền hình cáp và các công ty mạng đang rất “ảm đạm”.

Xét về lượng người xem video, thì truyền hình cáp đang xếp thứ 5, theo số liệu thống kê của YPulse về những người ở tuổi teen. Thế hệ Z thích xem video trên YouTube, Netflix, Instagram hay Snapchat hơn.

Để đối phó với vấn đề này, các nhà cung cấp dịch vụ trên truyền hình cab đã đưa nội dung video của mình vào các nền tảng truyền hình phổ biến hơn. CNN đã có một chương trình trên Snapchat, nhưng tiếc là thất bại sau 4 tháng hoạt động. Khả quan hơn, chương trình tin tức “Stay Tuned” chiếu trên Snapchat của kênh NBC đã thu hút được 4 triệu tài khoản đăng ký trong 5 tháng đầu tiên – phần lớn những người đăng ký đều xem 3 đến 4 lần/tuần.

Một điển hình thành công nữa đó là bộ phim Riverdale của kênh CW. CW đã ký một thỏa thuận độc quyền với Netflix cho phép chiếu phần một của bộ phim này trên Netflix vào tháng 5/2017, một tuần sau khi phần này kết thúc. Bước đi này giúp rất nhiều người biết đến bộ phim Riverdale bởi họ không xem được ở những kênh khác.

Kể từ bộ phim The Vampire Diaries năm 2012, phần hai của bộ phim Riverdale đã đạt kỷ lục về số người xem vào mùa thu vừa qua. Và nó được chiếu trên mạng của họ - chứ không phải trên Netflix.

Bộ phim Riverdale có thể thu hút được những người trẻ vào xem truyền hình đúng nghĩa với các giá trị thương mại thực sự là minh chứng cho một điểm rất quan trọng: bản thân giá trị giải trí quan trọng hơn là nền tảng phát hành.

“Đó vẫn phải là nội dung. Bạn phải làm cho nội dung video đúng với nhu cầu người xem. Bạn phải tạo ra giá trị giải trí mà người xem thực sự nghĩ là họ xứng đáng bỏ thời gian ra để xem”, bà Bliss cho biết.