Tỉnh ủy Thái Nguyên thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số
Đây là những nội dung rất đáng chú ý trong báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, vừa được tổ chức mới đây.
Theo báo cáo, công tác CĐS của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; có bước đột phá. Việc triển khai, quán triệt Nghị quyết về CĐS được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về CĐS được tăng cường; bước đầu đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội.
Về tổng quan, toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trên cả 3 trục CĐS. Về phát triển chính quyền số, tỉnh đã đáp ứng 100% thủ tục hành chính mức độ 4, 100% hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác hiệu quả...
Toàn cảnh hội nghị. |
Trong lĩnh vực kinh tế số, Thái Nguyên đã đẩy mạnh thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số kết nối, quảng bá các sản phẩm chủ lực; đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, website Chè Thái Nguyên, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên; xúc tiến thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.
Về phát triển xã hội số, 100% cơ sở giáo dục ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường; 100% trạm y tế cấp xã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, các nền tảng công dân số, wifi công cộng miễn phí...
Thái Nguyên đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và đang từng bước hoàn thiện. Trên nền tảng IOC, tỉnh đã triển khai được nhiều ứng dụng có giá trị thiết thực, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19. Mới đây nhất, tỉnh đã triển khai nền tảng công dân số ThaiNguyenID, giúp định danh chính xác công dân trên không gian số.
Bên cạnh những kết quả, công tác CĐS trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao; việc triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, khai thác và chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của các cơ quan nhà nước còn hạn chế; giá trị một số chỉ số thành phần trong chỉ số xếp hạng xã hội số, kinh tế số của tỉnh còn thấp…
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên |
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Sau một năm thực hiện nghị quyết về chuyển đổi số với những nỗ lực Thái Nguyên bước đầu hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra. Chuyển đổi số là cơ hội để Thái Nguyên có thể bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển.
Đồng thời, người đứng đầu Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng cho rằng, chuyển đổi số thành công sẽ giúp Thái Nguyên phát huy hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh trên các lĩnh vực. Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nỗ lực, lấy giải pháp chuyển đổi số làm kim chỉ nam, chìa khóa, nền tảng và làm đòn bẩy để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những kết quả trong thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU và các kế hoạch CĐS của tỉnh Thái Nguyên. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới Thái Nguyên cần tiên phong lựa chọn sử dụng các nền tảng số, hướng tới phổ cập toàn tỉnh, từ đó tạo bứt phá, thay đổi thứ hạng CĐS để thực hiện khát vọng về một Thái Nguyên “bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. |
Bộ trưởng Hùng cam kết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như cộng đồng công nghệ trên toàn quốc cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên trên chặng đường chuyển đổi số tiếp theo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải trao thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Thái Nguyên |
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã giới thiệu ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử; khai trương và trải nghiệm mạng di động 5G do Tập đoàn Viettel cung cấp. Với việc chính thức phát sóng 5G, Thái Nguyên trở thành địa phương thứ 16 phủ sóng 5G.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông bấm nút khai trương mạng 5G. |
Cùng với đó, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới như: Tập trung nguồn lực triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án về CĐS; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; hoàn thiện IOC Thái Nguyên, nền tảng xã hội số; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng nhân lực thực hiện CĐS,...
Thái Nguyên ID là nền tảng công dân số đầu tiên dành riêng cho tỉnh Thái Nguyên, cũng chính là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột Xã hội số của tỉnh, với mục tiêu tạo ra không gian số an toàn, thuận tiện giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh.
Sự ra đời của Thái Nguyên ID với nền tảng công nghệ định danh điện tử eKYC chính là lời giải đáp cho bài toán Công dân số này. Thái Nguyên ID tích hợp nhiều chức năng như kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung, nhận diện người dùng bằng trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó, ứng dụng trực tiếp hỗ trợ người dân trong vấn đề tìm kiếm việc làm trực tuyến, đăng tin và tìm nhà cho thuê nhanh chóng, theo dõi việc thực hiện dịch vụ công online, cập nhật tin tức đời sống - xã hội, trong đó có cả các tin tức y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.