Trao đổi tại Hội nghị tổng kết Giai đoạn 1 Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình IPv6 For Gov), triển khai nhiệm vụ năm 2023 và Giai đoạn 2 Chương trình IPv6 For Gov (2023 – 2025) - vừa diễn ra hôm nay (28/3), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh việc nhận thức lại, nâng cao quyết tâm, quyết liệt trong việc triển khai mục tiêu chuyển đổi về IPv6.
Việc cấp bách để chuyển đổi số hiệu quả
Nhắc đến hiệu quả triển khai IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 52-53%. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 10 toàn cầu. Dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng truy cập Internet với IPv6 qua FTTH, Mobile …, Thứ trưởng Long thông tin rằng “quốc tế đánh giá cao Việt Nam trong việc chuyển đổi sang IPv6. Và đây là một trong số không nhiều lĩnh vực Việt Nam có thứ hạng cao như vậy”. Tuy nhiên, nếu không nhận thức lại, không nâng cao quyết tâm, không quyết liệt trong việc triển khai mục tiêu này thì nguy cơ tụt hạng, chậm trễ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
"Muốn chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì việc cấp bách là chuyển đổi sang IPv6, không có IPv6 thì không chuyển đổi số được khi tài nguyên có giới hạn" - ông Long nói.
Trên cơ sở các nhận thức đó, Thứ trưởng Long yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, các cơ quan nhà nước cần tập trung chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6. Các địa phương, bộ ngành, đơn vị chưa có kế hoạch thì khẩn trương tìm phương án giải quyết.
Hội nghị được tổ chức tại Bộ Thông tin và Truyền thông, kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành. |
Cùng với đó, ông yêu cầu VNNIC đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ và giám sát quá trình chuyển đổi sang IPv6. Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho VNNIC nghiên cứu chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi, hoàn thành mục tiêu chương trình IPv6 For Gov quốc gia cũng như duy trì và tăng thứ hạng chuyển đổi IPv6 của Việt Nam.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cần làm tốt hơn nữa và có phương án hỗ trợ thay thế thiết bị đầu cuối cho khách hàng. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ TT&TT nghiêm cấm việc doanh nghiệp viễn thông bật - tắt để chuyển từ IPv6 xuống IPv4, làm chậm tiến trình chuyển đổi IPv6 Quốc gia.
78% bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công
Trao đổi tại Hội nghị, bà Trần Thu Hiền - Phó giám đốc phụ trách VNNIC khẳng định, toàn cầu đang chuyển sang thế hệ mới IPv6 thay thế địa chỉ IPv4; đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, Smart City, Cloud, 4G, 5G, 6G,....
Bà Trần Thu Hiền khẳng định cần xác định tinh thần triển khai quyết liệt, kiên trì, liên tục chương trình IPv6 Quốc gia. |
Việc chuyển đổi IPv6 không dừng lại ở vấn đề tài nguyên, mà là vấn đề công nghệ. Thế giới đang chuyển đổi từ công nghệ dual-stack IPv4/IPv6 sang công nghệ IPv6-only, hướng tới IPv6+. Gắn IPv6 với công nghệ AI; giúp kết nối Internet với băng thông cao, độ trễ thấp, tự động hóa cũng như chất lượng cao và bảo mật tốt hơn.
Theo bà Hiền, sau 2 năm triển khai Chương trình IPv6 For Gov, cùng các mục tiêu về chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ 53% sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam; Top 10 quốc gia tiêu biểu trên toàn cầu.
Đối với khối cơ quan nhà nước, 80 trong số 85 bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 - đạt 94%; 66 trong số 85 bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, dịch vụ công - đạt 78%.
"Mặc dù có các kết quả bước đầu, công tác chuyển đổi IPv6 vẫn cần xác định tinh thần triển khai quyết liệt, kiên trì, liên tục" - Phó giám đốc phụ trách VNNIC nói.
Lãnh đạo VNNIC cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, chương trình IPv6 For Gov sẽ tập trung và hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho trung tâm dữ liệu, mạng WAN, các phần mềm, ứng dụng; triển khai thí điểm hoạt động thuần IPv6 (IPv6 only) cho một số khu vực, dịch vụ. Mục tiêu hướng tới 100% bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT và sẵn sàng triển khai IPv6 only./.
Kết quả IPv6 Việt Nam:
Tính đến tháng 12/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 53%, thứ 10 toàn cầu với hơn 65 triệu thuê bao IPv6 (FTTH, Mobile).
Chương trình IPv6 For Gov
Chương trình IPv6 For Gov định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ cơ quan nhà nước chuyển đổi IPv6 thành công trên mạng lưới, dịch vụ, song song với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước một cách thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước qua IPv6. Tăng cường tỷ lệ sử dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước tương đương với tỷ lệ sử dụng IPv6 chung trên mạng Internet Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu