Thái Nguyên trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có Ngày chuyển đổi số. Lý do chọn ngày 31/12 là để kỷ niệm ngày Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc công bố Ngày chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế của tỉnh.
Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho hay, việc lựa chọn và công bố Ngày chuyển đổi số không chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương mà còn là sự kiện quan trọng để ghi dấu ấn, nhằm đánh giá, nhìn nhận kết quả chuyển đổi số của tỉnh qua từng năm.
Tỉnh Thái Nguyên quyết định lấy ngày 31/12 hàng năm là Ngày chuyển đổi số. |
Mới đây, chia sẻ với phóng viên VietTimes trong cuộc phỏng vấn về chiến lược chuyển đổi số của Thái Nguyên, bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy – khẳng định: “Chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, các địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội”.
Bà Hải nhận định rằng, hiện nay quy mô kinh tế số tại Thái Nguyên còn nhỏ. Việc chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp, số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều.
Từ thực tiễn địa phương, Thái Nguyên xác định cần chủ động trong chuyển đổi số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết đầu tiên trong chương trình công tác của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới chính là Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, Nghị quyết được Ban chấp hành Đảng bộ Thái Nguyên thông qua vào ngày 31/12/2020 vừa qua, với mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố và năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Chia sẻ về những giải pháp cụ thể, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
“Thái Nguyên sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp số. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin; xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh” – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên.
Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên; triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 trên thiết bị di động thông minh. Đồng thời, tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.
Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành ngày 31/12/2020. Nghị quyết hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.