Tỉnh ủy Thái Nguyên thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là một hành động nhằm hướng tới mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Tổ chức và điều hành trực tuyến là giải pháp được nhiều doanh nghiệp Thái Nguyên lựa chọn, áp dụng.
Tổ chức và điều hành trực tuyến là giải pháp được nhiều doanh nghiệp Thái Nguyên lựa chọn, áp dụng.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên vừa ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2021, định hướng đến năm 2030.

Theo Quyết định này, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 01 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Ban chỉ đạo) có 1 Trưởng ban, 1 Phó Trưởng ban thường trực, 2 Phó Trưởng ban và 47 Ủy viên.

Người đảm nhận vị trí Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên là ông Trịnh Việt Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Phó Trưởng ban thường trực là ông Lê Quang Tiến - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Giám đốc Sở TT&TT Đỗ Xuân Hòa và Phó Giám đốc Sở TT&TT Phạm Quang Hiếu - người vừa được Bộ TT&TT biệt phái về Thái Nguyên làm Phó Trưởng ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và UBND tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 01. Cùng với đó, Ban chỉ đạo sẽ theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra và sơ kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 01.

Đồng thời, cơ quan này cũng có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu chuyển đổi số được cấp có thẩm quyền phân công.

Được biết, theo tinh thần Nghị quyết 01 về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên đặt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Trao đổi riêng với VietTimes, bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên - cho biết tỉnh đã có kế hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp số.

Trong cơ cấu phát triển kinh tế, tỉnh sẽ chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nói về những hạn chế của địa phương trong quá trình chuyển đổi số, Bí thư Thái Nguyên cho rằng điều đáng lưu ý nhất hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều doanh nghiệp của tỉnh còn chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại.