Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - cho biết: “Kho kết quả TTHC số kết nối với hệ thống giải quyết TTHC (hệ thống 1 cửa điện tử, Cổng dịch vụ công) với kho dữ liệu số người dân (nền tảng công dân số) Đà Nẵng đã bắt đầu cung cấp TTHC và dịch vụ công “nâng cao”, góp phần gia tăng chất lượng dịch vụ công của địa phương".
Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, đây là một trong những bước đi mới trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương, nhất là trong nỗ lực cung cấp TTHC và dịch vụ công số.
Việc sử dụng kho kết quả TTHC số cũng là giải pháp để các địa phương, đơn vị triển khai Nghị quyết của Chính phủ và lãnh đạo của Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng về nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đảm bảo thuận lợi cho người dân, theo hướng giảm thông tin phải khai báo/xuất trình, giấy tờ cho người dân.
Vì thế, Sở TT&TT TP Đà Nẵng đề nghị các cơ quan, tổ chức sử dụng kho kết quả TTHC số để thay thế một số giấy tờ mà người dân, doanh nghiệp, tổ chức phải nộp khi giao dịch hành chính. Các địa phương, đơn vị cử cán bộ chuyên trách về Sở TT&TT để được hướng dẫn sử dụng chức năng số hoá kết quả TTHC lên kho và phân quyền để thống kê, giám sát tình hình, kết quả thực hiện, dữ liệu phát sinh ...
Sở TT&TT cũng đề nghị các cơ quan chức năng triển khai sử dụng kết quả TTHC số để thay thế một số giấy tờ phải nộp và cung cấp dịch vụ công “nâng cao” cho tổ chức, công dân; rà soát, cắt giảm các TTHC rườm rà, không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện; huỷ, bỏ các TTHC cấp lại do hư hỏng, mất, vì kết quả TTHC số có giá trị pháp lý đã được lưu trữ trong kho kết quả TTHC; sử dụng lại kết quả TTHC số đã có trong kho kết quả TTHC để thực hiện cấp đổi ngay trong ngày đối với TTHC đã cấp trước do thay đổi địa điểm…
Sơ đồ vận hành kho kết quả TTHC số kết nối với hệ thống giải quyết TTHC và Kho dữ liệu số người dân (Nền tảng công dân số) Đà Nẵng |
Đặc biệt, Sở TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị không yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải nộp bản giấy/thành phần hồ sơ giấy (đầu vào là kết quả TTHC số đã có trong kho kết quả TTHC) khi thực hiện các TTHC khác; cung cấp DVCTT toàn trình (mức độ 4 trước đây) đối với các DVCTT cần người dân, doanh nghiệp phải đến bộ phận một cửa để xác minh mà dữ liệu đối chiếu đã có sẵn trong kho kết quả TTHC; triển khai cấp, gắn mã QR cho kết quả TTHC số để thuận lợi trong sử dụng, kiểm tra; ưu tiên đối với các TTHC liên quan đến thi công, giao thông cần kiểm tra, giám sát.
“Khi triển khai DVCTT “nâng cao” người dân sẽ lưu giữ trong tài khoản số, điện thoại và xuất trình kết quả gắn QR Code khi cơ quan nhà nước kiểm tra trên App Mobile (như xuất trình Giấy đi đường QR Code trước đây), không cần qua công chứng lưu giữ bản giấy. Cán bộ kiểm tra, thanh tra thực tế sử dụng điện thoại/App Mobile quét QR để xác minh giấy phép. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát, thống kê được việc đi kiểm tra, thanh tra thực tế của cán bộ được giao nhiệm vụ” - ông Trần Ngọc Thạch cho hay.
Cũng theo ông Thạch, hiện nay, chức năng phần mềm gắn mã QR trên kết quả TTHC đã sẵn sàng, Ban ATTP TP Đà Nẵng đã triển khai cho 9 TTHC, Sở GTVT đã triển khai cho 4 TTHC (trong đó TTHC cấp giấy phép thi công cấp nước, đang phân cấp cho UBND quận, huyện thực hiện).