Thách thức TP.HCM: Biện pháp nào để chấm dứt đợt lây nhiễm cộng đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn thành phố để chống dịch.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 sáng 14/6 - Ảnh: TTBC
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 sáng 14/6 - Ảnh: TTBC

Gần 1 tháng phát hiện 821 ca bệnh

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng 14/6, chủ trì tại điểm cầu UBND TP.HCM có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cùng lãnh đạo các Ban đảng của Thành ủy, Sở - ngành, đơn vị, các quận - huyện, TP Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM.

Thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: “Tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng từ 18/5 đến 13/6 là 821 ca tại 22 quận - huyện, TP Thủ Đức”.

Trong đó, các quận - huyện có số ca bệnh nhiều nhất gồm: Gò Vấp (115 ca chiếm tỷ lệ 16% số ca bệnh toàn thành phố, 14/15 phường có ca bệnh), quận 12 (72 ca chiếm tỷ lệ 10% số ca mắc bệnh toàn thành phố, 7/11 phường có ca bệnh), Bình Thạnh (66 ca chiếm tỷ lệ 9% số ca mắc bệnh toàn thành phố, 9/20 phường có ca bệnh), Tân Bình (63 ca chiếm tỷ lệ 8,8% số ca mắc bệnh toàn thành phố, 10/15 phường có ca bệnh), Bình Tân (61 ca chiếm tỷ lệ 8,5% số ca mắc bệnh toàn thành phố, 7/11 phường có ca bệnh), Tân Phú (51 ca chiếm tỷ lệ 7% số ca mắc bệnh toàn thành phố, 11/11 phường có ca bệnh).

Tính riêng từ ngày 18/5 đến 23/5, TP.HCM phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm gồm chuỗi “Công ty Grove ở quận 3” và chuỗi “Bánh canh O Thanh quận 3”; từ ngày 26/5 phát hiện chuỗi “Nhóm truyền giáo Phục Hưng”; và từ 02/6 đến nay phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm khác chưa rõ nguồn gốc.

Theo Giám đốc Sở Y tế, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta (virus Ấn Độ) gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đăc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng.

Các ổ dịch cộng đồng lớn tại TP.HCM ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận - huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Lấy mẫu xét nghiệm trong vùng phong toả vì BN COVID-19 - Ảnh: HCDC
Lấy mẫu xét nghiệm trong vùng phong toả vì BN COVID-19 - Ảnh: HCDC

Chuỗi nhóm truyền giáo Phục Hưng 470 ca bệnh

Về các chuỗi lây nhiễm lớn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho hay: “Chuỗi Nhóm truyền giáo Phục Hưng từ ngày 26/5 đến nay ghi nhận 470 trường hợp dương tính đã được công bố liên quan đến ổ dịch này, được phát hiện tại 21/22 quận - huyện, TP Thủ Đức”.

Trong chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục hưng phát hiện 4 ca bệnh là người làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt, tuy nhiên nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Như vậy đến nay chuỗi “Nhóm truyền giáo Phục Hưng” cơ bản đã được kiểm soát.

Bên cạnh đó, từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết TP đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng, gồm chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư E Home3, giáp ranh Bình Tân và quận 8 đã ghi nhận 48 ca.

Cũng thuộc khu dân cư E Home 3, ngày 30/5 phát hiện 02 bệnh nhân trong 1 gia đình tại block A6, có liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng; ngày 12/6 phát hiện 04 bệnh nhân trong 1 gia đình ở block A1 liên quan đến chuỗi lây nhiễm bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới; ngày 13/6 đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm cư ngụ ở block A9. Với đặc điểm khu dân cư sử dụng chung các cơ sở hạ tầng có thể nhận định khu dân cư E Home 3 là 1 ổ dịch. Hiện đã phong tỏa toàn bộ 24 lock thuộc khu dân cư này.

Chuỗi lây nhiễm BV Bệnh Nhiệt Đới được phát hiện từ ngày 11/6 đến 13/6 BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm toàn bộ 924 nhân viên và phát hiện 55 trường hợp dương tính là nhân viên bệnh viện thuộc 13 khoa phòng, bộ phận. Nhận định ban đầu đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh viện, chủ yếu thuộc phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và các phòng chức năng khác như kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược, trong đó có 1 nhân viên sống trong ổ dịch khu dân cư Ehome 3.

BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM báo cáo với đoàn công tác Bộ Y tế

BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM báo cáo với đoàn công tác Bộ Y tế

Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh Khôi Nguyễn

Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh Khôi Nguyễn

Liên quan đến ổ dịch này đã phát hiện thêm 1 nhân viên khoa Vi sinh bệnh viện Nhân dân Gia Định (vợ của nhân viên BV Bệnh nhiệt đới), từ đó lây thêm cho 01 đồng nghiệp cùng khoa. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã xét nghiệm tầm soát toàn bộ 1.500 nhân viên y tế, kết quả đều âm tính.

Chuỗi lây nhiễm Xưởng Cơ khí Hóc Môn được phát hiện tối 8/6, ghi nhận 6 bệnh nhân đồng thời đến khám sàng lọc tại 3 bệnh viện: Thống Nhất, Trưng Vương và Bình Chánh (2 bệnh nhân/bệnh viện); Qua truy vết phát hiện các bệnh nhân này đều liên quan đến Xưởng Cơ khí ở Hóc Môn. Tiếp đó, đã phát hiện thêm 43 ca nữa, trong đó có 3 bệnh nhân làm việc tại Công ty SAMHO, đến nay không phát hiện thêm ca bệnh mới. Chuỗi lây nhiễm này ảnh hưởng đến các quận huyện Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình.

Chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức: từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại bệnh viện Đức Khang ngày 02/6 đã phát hiện thêm 5 bệnh nhân F1 là người sống cùng nhà và 1 trường hợp là F2 cùng làm việc với F1. Từ ngày 09/6 chưa phát hiện thêm ca nhiễm.

Chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn: từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại bệnh viện Hóc Môn ngày 05/6 đã phát hiện thêm 9 bệnh nhân khác cùng nhà và các nhà xung quanh. Từ ngày 09/6 chưa phát hiện thêm ca nhiễm.

Chuỗi lây nhiễm ấp Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn: phát hiện ngày 11/6 qua 1 nhân viên khoa Sơ sinh, bệnh viện Nhi đồng 1 được khám sàng lọc tại Bệnh viện Xuyên Á. Qua truy vết đã phát hiện thêm 21 bệnh nhân nữa cùng cư ngụ tại ấp Tân Thới 3. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tổ chức xét nghiệm toàn bộ nhân viên, không phát hiện thêm người bệnh.

Sở Y tế nhận định chủng virus gây bệnh là chủng Delta có đặc tính phát tán, lây lan nhanh và mạnh trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân; dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ và lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao.

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mở rộng giám sát tại công ty nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận (Ảnh: TTYT quận 7)
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mở rộng giám sát tại công ty nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận (Ảnh: TTYT quận 7)

Tiếp tục giãn cách xã hội để chống dịch

Trước tình hình dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng, TP.HCM đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15, kể từ 0 giờ ngày 31/5, đặc biệt tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12 áp dụng theo Chỉ thị 16 và phong tỏa những khu vực có “ổ dịch”.

Đánh giá về hiệu quả kiểm soát dịch sau phong toả quận Gò Vấp, và giãn cách xã hội toàn thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Đối với quận Gò Vấp, trong những ngày đầu giãn cách xã hội, số ca phát hiện trong cộng đồng hàng ngày còn cao, có lúc lên đến 08 ca/ngày, tuy nhiên trong 05 ngày gần đây đã giảm mạnh, chỉ còn 2-3 ca ngày, thậm chí có ngày không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng. Mặc dù còn ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng nhưng đều nằm trong khu vực đã được khoanh vùng, phong tỏa nên không có khả năng lây lan rộng. Điều này cho thấy các ổ dịch lớn trên địa bàn quận Gò Vấp đã được kiểm soát, khống chế sự lây nhiễm”.

Đối với toàn thành phố, trong 1 tuần đầu thực hiện giãn cách, số ca phát hiện có xu hướng giảm, chủ yếu là các bệnh từ chuỗi Nhóm truyền giáo Phục Hưng. Tuy nhiên vào tuần thứ hai giãn cách từ ngày 03/6 đến 12/6, phát hiện thêm 310 ca thuộc các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng, phát hiện từ việc khám sàng lọc các bệnh nhân có triệu chứng đến khám tại bệnh viện và khi điều tra truy vết đã phát hiện những chùm ca bệnh với số ca mắc bệnh lớn đã lây lan trong cộng đồng.

Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định: “Chỉ 1 nhân viên hành chính có thể gây nguy hiểm đến cho cả một thành trì chống dịch, một bữa nhậu cũng gây ảnh hưởng đến nhiều gia đình. Từ thực tế đó, đã đặt ra thách thức mới cho TP.HCM: Biện pháp nào để có thể khắc phục dịch bệnh? Vừa đảm bảo an toàn sản xuất, phục hồi dần nền kinh tế, vừa an toàn cho người dân. Cá nhân tôi thấy nên tiếp tục giãn cách xã hội, do dịch bệnh vẫn lây lan mạnh và biện pháp cách ly có hiệu quả để giảm bớt lây nhiễm”.

Bí thư Nên đề nghị phối hợp giữa Viện Pasteur và BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, xét nghiệm lại sớm cho toàn bộ nhân viên công tác tại đây để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, bảo vệ tuyến đầu chống dịch.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp sáng 14/6 - Ảnh: Huyền Mai

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp sáng 14/6 - Ảnh: Huyền Mai

Bí thư Nên đề nghị TP.HCM chuẩn bị nhanh các áp dụng CNTT trong phòng, chống dịch, chẳng hạn như sử dụng biện pháp vòng đeo tay mà nhiều nước châu Âu đã áp dụng; tăng cường lực lượng điều tra, truy vết, xử lý nghiêm những cá nhân khai báo không trung thực, dẫn tới hậu quả, làm mất thêm thời gian, công sức, chi phí của lực lượng chống dịch; áp dụng biện pháp mạnh, kể cả khởi tố hình sự, nếu phát hiện các cá nhân cố tình gây lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình dự cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM có ý kiến: “TP.HCM đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, huy động sức mạnh tổng lực trong phòng, chống dịch, sát với tình hình, có hiệu quả thực tế, tuy nhiên, vẫn chưa được như mong muốn. Lúc bắt đầu giãn cách, chúng ta hy vọng 15 ngày có thể dập dịch. Cho đến giờ, nếu chỉ tính riêng chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng thì đúng là đã cơ bản khắc phục được. Nhưng giờ TP.HCM lại xuất hiện nhiều chuỗi ca bệnh mới trong cộng đồng, rất bất ngờ. Như nhận định của lực lượng chức năng thì sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều nguồn lây đã mang chủng Delta về thành phố, dẫn tới lây nhiễm cực nhanh, làm phát sinh các chuỗi lây nhiễm rất lớn như đã thấy. Virus chủng Delta không chỉ lây cực nhanh mà còn khó kiểm soát, dễ dẫn đến tử vong”.

Phó Thủ tướng nói: “Nếu không tiếp tục áp dụng biện pháp mạnh thì không biết dịch sẽ còn lây đến đâu nữa. Sự thực là chúng ta chưa kiềm chế được, mọi sự kiểm soát đều rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt”.

Phó Thủ tướng cho hay, theo đánh giá của Bộ Y tế, phải đến khoảng 10 ngày nữa TP.HCM mới đạt đỉnh chu kỳ lây nhiễm rồi bắt đầu giảm xuống.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định: “Tính từ ngày 18/5 đến ngày 14/6, TP.HCM đã ghi nhận 821 ca bệnh đã được phát hiện trong cộng đồng trên 22 quận huyện toàn TP.HCM, cao nhất là quận Gò Vấp trên 114 trường hợp, quận 12 có 72 trường hợp, quận Bình Thạnh 66 ca, quận Tân Bình 63 ca, Tân Phú 54 ca… Các chuỗi ca bệnh lớn như liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng, khách sạn Sheraton, quán cà phê Trung Nguyên, Công ty IDS, Công ty Thiên Tú FN… cho đến hiện tại đều đã được kiểm soát”.

“Vấn đề là từ các ca chỉ điểm qua khám sàng lọc, đã phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm lớn như Chung cư Ehome 3, BV Bệnh Nhiệt đới, xưởng cơ khí Hóc Môn, … chúng ta còn chưa xác định được nguồn lây” – Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Căn cứ trên tình hình thực tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn thành phố, kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12. “Tuỳ từng khu vực, trong thời gian tới có thể thay đổi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 hay không. Các khu vực còn xảy ra hiện tượng tụ tập, ăn nhậu như quận 12 đã báo cáo, gây hậu quả phát sinh dịch bệnh, không thực hiện giãn cách xã hội sẽ bị xử lý nghiêm, có thể Chủ tịch UBND quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: “Toàn bộ các toà nhà, công sở, đều phải triển khai thật nghiêm các biện pháp chống dịch. Bếp ăn tại nơi làm việc chỉ cho mang đi, không ngồi ăn chung. Cán bộ tuân thủ sau giờ làm chỉ ở nhà, không đi lại gặp gỡ”.