Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM

Tăng học phí lên đến 70 triệu đồng không phải là “đột biến” hay “bất thường”

VietTimes – Việc tăng học phí lên đến 70 triệu đồng/năm của ĐH Y Dược TP.HCM khiến dư luận thắc mắc, sinh viên lo lắng. Tuy nhiên, trao đổi với Viettimes, PGS.TS Trần Diệp Tuấn -  Hiệu trưởng của trường khẳng định việc tăng học phí không có gì là “đột biến” hay “bất thường”.
PGS.TS Trần Diệp Tuấn- Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình)
PGS.TS Trần Diệp Tuấn- Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình)

Tự thu tự chi từ năm 2020 là thách thức

PV: Xin ông cho biết cụ thể về mức tăng học phí lên đến tối đa là 70 triệu đồng cho một năm học đang khiến dư luận xôn xao? Vì sinh viên (SV) ngành y phải học tới 6 năm. Như vậy, sẽ mất tới 420 triệu đồng học phí và còn các chi phí khác khi đi thực tập?  

PGS.TS Trần Diệp Tuấn: Thứ nhất, phải làm rõ rằng mức thu mới dao động từ 30 đến 70 triệu đồng. Mức thu 70 triệu đồng/năm là mức tối đa, ở ngành đào tạo SV khoa Răng Hàm Mặt. Tùy theo từng chuyên ngành, SV sẽ đóng theo các mức khác nhau; Y khoa – 68 triệu đồng; Kỹ thuật phục hình răng – 55 triệu đồng; Dược học – 50 triệu đồng; Điều dưỡng – 40 triệu đồng; Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học – 40 triệu đồng; Y học dự phòng, Y học cổ truyền – 38 triệu đồng; thấp nhất là Y tế công cộng – học phí 30 triệu đồng/năm.

Bắt đầu từ năm học 2019-2020, chính xác hơn là từ ngày 1/1/2020, ĐH Y Dược TP.HCM không còn được nhận ngân sách nhà nước bù lỗ cho chi phí đào tạo, nên trường buộc phải thu mức học phí mới.

Học phí mới được thu căn cứ trên hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đào tạo, những thành phần nào cấu thành, hình thành nên chi phí đào tạo đều được tính toán rất kỹ. Học phí phải đảm bảo thu đủ bù chi.

Giảng viên và sinh viên Khoa Răng Hàm Mặt, khoa có mức thu học phí mới 70 triệu đồng/năm
Giảng viên và sinh viên Khoa Răng Hàm Mặt, khoa có mức thu học phí mới 70 triệu đồng/năm


PV: Thông tin từ phòng Đào tạo của nhà trường cho biết với mỗi năm tiếp theo, trường sẽ thu tăng thêm 10% học phí so với mức tính của năm 2020?

PGS.TS Trần Diệp Tuấn:  Đúng vậy. Nhà trường ý thức rõ ràng và đang rất cố gắng để hài hòa, làm tốt nhiệm vụ chính trị của một trường công, đồng thời cân bằng, giữ vững chất lượng giáo dục. Chắc chắn mọi thứ còn phải cải thiện hơn nữa để giữ vững vị trí dẫn đầu của Khu vực phía Nam, sánh ngang với các nước khác trong khu vực.

Vậy mà chỉ để đảm bảo chất lượng đào tạo SV ngành Y thôi, nếu không đủ chi phí thì không thể đào tạo được. Thử nghĩ xem nếu đặt mục tiêu như trên mà thu học phí hơn 1 triệu đồng/ tháng thì nhà trường có thể làm được điều đó hay không?

Chắc chắn không thể nào học phí mỗi tháng hơn 1 triệu đồng mà có thể học được ngành Y vì chi phí đầu tư cơ sở vật chất rất lớn. Ngoài ra, thử nghĩ xem, chúng ta đang trả lương cho giảng viên bao nhiêu? Nếu chi trả thấp quá, liệu có thể giữ được các giảng viên giỏi? Trong khi sự cạnh tranh giữa các trường công hiện nay rất lớn, chưa kể còn phải cạnh tranh với khối trường tư.

Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu vị trí số 1 tụt hạng?

PV: Có hay không sự chênh lệch giữa mức thu học phí giữa trường công và trường tư, thưa ông?

PGS-TS Trần Diệp Tuấn: Sự chênh lệch là rất xa. Khoa Răng Hàm Mặt của ĐH Hồng Bàng thu 170 triệu đồng/năm, ĐH Y Tân Tạo thu 130 triệu đồng/năm từ nhiều năm nay.

Trong khi, về đào tạo thì ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định là chất lượng của chúng tôi là hàng đầu của Khu vực phía Nam. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu vị trí số 1 của ĐH Y Dược TP.HCM bị tụt hạng chỉ vì không đủ tiền đầu tư, chi trả cho giảng viên tâm huyết, giỏi giang với mức quá thấp?

Với mức thu của năm 2020, thu nhập của giảng viên vẫn đang phải giữ nguyên, chưa được tăng. Và trong 3 năm tiếp theo, trường vẫn đang trong lộ trình bù lỗ. Bởi hiện nay, các SV từ năm thứ 2 đến năm thứ 6 thì nhà trường không thể thu theo mức mới mà vẫn thu theo mức cũ, nhưng không còn tiền từ ngân sách nhà nước bù lỗ cho khoản thiếu hụt này.

Nhà trường mới chỉ tiến hành thu mức học phí mới của các em SV năm thứ nhất. Mà cũng không thể nào lấy tiền thu của các SV năm nhất để bù qua cho các năm sau. Trường vẫn đang cố gắng công minh, thắt lưng buộc bụng, đầu tư cho SV từ năm thứ 2 đến năm thứ 6.

ĐH Y Dược TP.HCM có nhiều chế độ học bổng cho SV
ĐH Y Dược TP.HCM có nhiều chế độ học bổng cho SV


Ngoài ra, nhà trường còn phải giành một khoản kinh phí lớn để hỗ trợ các SV nghèo học giỏi, có ước mơ trở thành thầy thuốc, thành y bác sĩ, nhân viên y tế phải được theo học.

Nhà trường có chế độ học bổng. Trong tổng số sinh viên khối ngành Y của trường nhập học vào năm tới, chỉ tiêu là 400 SV thì sẽ có 150 suất học bổng chia thành nhiều mức khác nhau, từ 25% cho tới 100%.

Cụ thể, có 10 suất học bổng 100%, 15 suất học bổng 75%, 25 suất học bổng 50%, 100 suất học bổng 25%. Tôi khẳng định không có bất cứ SV nào nghèo học giỏi mà không được theo học.

Con số tổng chỉ tiêu SV cho toàn bộ các ngành của ĐH Y Dược TP.HCM năm tới 2021 sẽ là 2.100 SV, thì Nhà trường đã có kế hoạch giành tặng 800 suất học bổng.

Nhà trường đã làm hết sức. Đó là trách nhiệm và ý thức là một trường công, cũng như cố gắng thể hiện hết vai trò của mình trong chừng mực có thể làm được. Nhưng thực sự để làm được điều này lẽ ra rất cần Nhà nước đứng ra làm.

Tự chủ là đúng, nhưng không có nghĩa Nhà nước không chi đồng nào

PV: Thưa ông, như vậy chính sách tự chủ hoàn toàn, tự thu tự chi 100% đối với khối trường Y là đúng hay sai?

PGS. TS Trần Diệp Tuấn: Về chính sách, tôi khẳng định tự chủ là đúng. Tự chủ khiến các trường năng động hơn, nhanh nhạy hơn, bắt buộc phải có chiến lược phát triển. Hiện nay chậm là chết, là tụt hậu, bị bỏ lại phía sau, thậm chí không “theo đuôi” được các trường khác trong khu vực chứ đừng nói đến sánh ngang.

Hơn nữa, như trước đây thì SV cũng không thấy được ý nghĩa của việc được Nhà nước bao cấp một phần khá lớn của tiền học phí.

PGS_TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định tự chủ không có nghĩa Nhà nước không chi đồng nào
PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định tự chủ không có nghĩa Nhà nước không chi đồng nào (Ảnh: Hòa Bình) 


Nhưng hiện nay, cần hiểu đúng chính sách tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không chi một đồng nào. Nếu như vậy thì Nhà trường chỉ lo cơm áo gạo tiền. Vậy ai sẽ lo chính sách đào tạo cho SV nghèo học giỏi, đào tạo đội ngũ y bác sĩ cho vùng sâu vùng xa?

Muốn thực hiện đúng chính sách tự chủ phải là Nhà trường tự thu tự chi kết hợp với Nhà nước đặt hàng đào tạo SV nghèo học giỏi, với hình thức rót vốn đào tạo cho số lượng SV nghèo học giỏi theo đặt hàng tới các trường trọng điểm. Cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này.

ĐH Y Dược TP.HCM đầu tư về cơ sở vật chất tốt, chương trình đào tạo tiên tiến nhất của Khu vực phía Nam và sánh ngang với các nước khác trong khu vực.

Chúng tôi đã đổi mới chương trình học tập từ năm 2016 với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thầy cô tại ĐH Y Harvard. Nhưng tại sao ĐH Y Dược TP.HCM không nghĩ tới khía cạnh dùng chương trình này là chương trình đào tạo chất lượng cao để thu phí cao lên? Chúng tôi không thể làm thế được. Trong cùng một trường mà duy trì hai chương trình thì không còn ra thể thống gì nữa.

Toàn bộ SV đậu vào ĐH Y Dược TP.HCM phải được học cùng một chương trình tốt nhất. Vậy thì kế hoạch chiến lược cho sự phát triển của nhà trường là chúng tôi buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, giữ được đội ngũ giảng viên, duy trì chất lượng của chương trình, cả ba yếu tố này đều rất quan trọng.