LTS: Kể từ khi vào Trung tâm Báo chí nước ngoài (đầu năm 1993), rồi được cử sang làm ở báo Nikkei (Thời báo Kinh tế Nhật Bản), năm nào phóng viên Huỳnh Phan cũng có dịp đi công tác Sài Gòn. Ít thì vài ba lần, nhiều thì cả chục lần.
Nhiễm cái thói quen hít thở bầu không khí khoáng đạt của đất Sài Gòn, cảm giác nhớ hơi ấm của đất phương Nam mỗi khi Hà Nội đón đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên, khiến Huỳnh Phan vẫn tìm mọi cách để xin vào Sài Gòn công tác, khi đã chuyển về những tờ báo như Sài Gòn Tiếp Thị (trụ sở chính tại Sài Gòn), hay Vietnamnet (có văn phòng đại diện tại Sài Gòn).
Trong suốt gần 30 năm qua (trừ thời gian bị ốm), Huỳnh Phan đã gặp nhiều người thuộc các giai tầng khác nhau trong xã hội, đã chứng kiến không ít sự kiện, và đã nghe nhiều câu chuyện.
VietTimes xin được giới thiệu những ghi chép của phóng viên Huỳnh Phan trong một tiêu đề chung là "Tản mạn Sài Gòn", không nhất thiết phải liên tục, về những nhân vật, sự kiện, hay những câu chuyện 'hóng hớt" được trong những chuyến đi đó.
Những cuộc phỏng vấn hai chiều
Lần đầu tiên được đi Sài Gòn với tư cách báo chí, đối với tôi - Huỳnh Phan, lại không phải lúc miền Bắc đón đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên, mà khi Hà Nội mới bước vào hè. Đó là dịp 30/4/1995 – kỷ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước. Có hai cuộc gặp làm tôi nhớ nhất.
Cuộc gặp đầu tiên là với Hoa hậu Hà Kiều Anh. Cô sinh năm 1975, và là người mà Nikkei chọn phỏng vấn cho loạt bài kỷ niệm. Cô lại là cháu nội của Đại sứ Hà Văn Lâu, với những nét rất giống ông nội mà đẹp hơn. Nhưng cuộc phỏng vấn lại diễn ra ngoài Hà Nội, do lúc đó cô bận cho show diễn ngoài này.
Kiêu sa, quyến rũ, nhưng vẫn rất dễ thương khi trả lời phỏng vấn, cô để lại ấn tượng rất tốt trong tôi. Tôi còn nhớ cô say sưa kể về mong ước sẽ thành lập một trường quốc tế dạy song ngữ, để học sinh sau khi ra trường có thể hòa nhập nhanh hơn với thế giới. Tôi đã rất tin cô, nụ cười của cô, và tấm ảnh chụp cô mặc chiếc dress màu đen, tương phản với làn da trắng của cô.
Chỉ có điều sau này, tôi không nghe thấy báo chí nói gì về việc Hà Kiều Anh thành lập trường quốc tế. Có lẽ cuộc sống showbiz bận rộn và lắm thị phi, với những chuyến đi nước ngoài liên tục, đã tước mất của cô thời gian và sự kiên định thực hiện ước mơ của mình.
Người thứ hai tôi và sếp tôi gặp ở Sài Gòn là Tổng Biên tập tờ báo đang nổi nhất nước – anh Lê Văn Nuôi, theo lời giới thiệu của anh Trần Văn Thái, lúc ấy đang làm ở hãng Dow Jones. Anh Thái là học trò của ba tôi, và thường nói với tôi rằng cuộc đời anh có nhiều nét giống với ba tôi. Anh quý tôi chắc cũng vì lẽ đó.
Tác giả (bìa trái) và nhà báo Lê Văn Nuôi.
|
Anh Nuôi trả lời rất nhiệt tình về thời gian tham gia phong trào sinh viên, rồi những điểm sáng hiện tại của báo Tuổi Trẻ. Khi phóng viên Nhật tỏ vẻ hài lòng về bài phỏng vấn thì anh Nuôi lại bắt đầu hỏi về tại sao phóng viên lại quan tâm đến những điều như thế, rồi Nikkei làm gì ở Việt Nam...
Sáng hôm sau, tôi mua tờ Tuổi Trẻ đọc, và thấy trên trang nhất có bài phỏng vấn phóng viên báo Nikkei của TBT Lê Văn Nuôi. Và cứ thế, tôi thấy trong đợt đó có tới 5-6 bài phỏng vấn như vậy, với các phóng viên nước ngoài tới gặp ông. Một phong cách làm báo mang tên Lê Văn Nuôi.
Thực ra, trước đó tôi cũng gặp cách phỏng vấn hai chiều như kiểu này. Hồi đầu năm 1993, vừa vào Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tôi được cử đi phụ hướng dẫn cho Vũ Bình. Người chúng tôi phải hướng dẫn là Henry Kamm, phóng viên kỳ cựu của New York Times, một cựu phóng viên chiến trường đã phanh phui tại hiện trường vụ thảm sát Mỹ Lai, sau khi vụ việc được Seymour Hersh điều tra tại Mỹ.
Hôm đó, Henry Kamm có kế hoạch gặp ông Nguyễn Ngọc Trường, Tổng Biên tập Tuần báo Quốc tế. Biết Henry Kamm vừa mới ghé qua Căm pu chia, nơi diễn ra vụ thảm sát Việt Kiều tại vùng Biển Hồ, ông Trường cứ xoay vào hỏi ông vụ đó. Bình tĩnh trả lời mọi câu hỏi, nhưng sau khoảng chừng 25-30 phút, thấy ông Trường vẫn say sưa tiếp tục, Henry Kamm chùng giọng xuống, và hỏi lại: “Trường, hôm nay tôi hẹn phỏng vấn anh, hay anh hẹn phỏng vấn tôi đó?”
Ông Trường vẫn cố gỡ gạc thêm một câu, trước khi trả lời các câu hỏi của Henry Kamm, về những thay đổi của báo chí Việt Nam trong giai đoạn sau đổi mới.
Lại nói về Tuổi Trẻ, thời đó, tờ báo này vẫn đình đám lắm. Tirage lớn lắm, chắc chỉ thua Công an Thành phố, vốn nặng về các vụ án, là thị hiếu của công chúng bình dân. Tuổi Trẻ được tất cả các văn phòng nước ngoài đặt, và tin của Tuổi Trẻ cũng được các hãng nước ngoài, sau khi tìm hiểu thêm, trích dẫn nhiều.
Hơn nữa, sau này tôi lại kể với anh Nuôi là tôi rất thân với Lê Thọ Bình, Trưởng Văn phòng Đại diện Tuổi trẻ tại Hà Nội, tôi với anh không còn giữ khoảng cách nữa. Tôi nói với anh rằng tôi quý tất cả những người làm ở văn phòng Hà Nội, như Thu Hà, quý cả những người ra Hà Nội công tác, như Huy Đức. Ngay cả những cộng tác viên của Tuổi Trẻ như Yên Ba (Báo Quân đội Nhân dân), hay Lưu Hương (Trung tâm Từ điển Quốc gia) tôi cũng quý.
Những lần vào Sài Gòn sau đó, sau khi phiên dịch cho buổi phỏng vấn hai chiều giữa anh và Sếp tôi, tối đến chúng tôi thường đi nhậu. Anh có thói quen mang đi hai chai rượu vang, mỗi người một chai, uống hết thì về.
Có một lần, tôi đang ngồi nhậu với anh, thì tự nhiên có một cậu bé tiến đến gần, chìa ra một bông hoa bọc giấy bóng kính ra tặng. Tôi nhìn về phía anh Nuôi, cỡ như anh mới có người tặng hoa. Nhưng cậu bé nói với tôi: “Cô ấy bảo tặng chú.”
Tôi sững sờ, xưa nay tôi thi thoảng có tặng hoa nữ giới, chứ có bao giờ được tặng hoa. Lúc ra về, tự nhiên có cô phục vụ quán, trẻ trung, xinh xắn, đi lướt qua chỗ tôi, và nói nhỏ: “Anh trông ngầu quá!” Rồi đi thẳng, để lại tôi đứng ngẩn ngơ…
Từ đó, tôi rất thích được mọi người khen “ngầu”. Vẫn có những người nói vậy, nhưng chẳng có ai tặng hoa cả!
Năm nay, tôi vào Sài Gòn cũng vào đầu hè, đầu tháng 5. Vì đang là mùa dịch, Sài Gòn đã không tổ chức đình đám lễ kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất. Tôi lại hẹn gặp với anh Nuôi.
Anh Nuôi kể rằng anh làm TBT Tuổi Trẻ đến năm 2003 thì chuyển sang công tác khác, nhường chỗ cho Lê Hoàng. Anh tuy không nói, nhưng tôi biết rằng chắc anh lại bị dính tới sự vụ nào đó. Từ sau thời ông Võ Như Lanh, các tổng biên tập của Tuổi trẻ đều bị chuyện này chuyện kia. Một tờ báo có tính chiến đấu hàng đầu Việt Nam, tính cả quá trình dài, chắc chắn không tránh khỏi khiếm khuyết.
Anh Nuôi lại được giao phụ trách công việc xây dựng cơ sở vật chất cho công ty có liên quan đến Báo Tuổi Trẻ. Lại phải đi học cách kiểm tra, giám sát công trình, để đi giám sát thi công. Anh tham gia làm nhiều công trình, trong đó có tòa nhà văn phòng ngoài Hà Nội, đến khi về hưu.
Ở Việt Nam, nhất là tại TP HCM, có hai tờ báo lớn cạnh tranh nhau, đó là Thanh Niên và Tuổi Trẻ, cạnh tranh từng bài quan trọng, từng sự kiện. Tôi cũng từng gặp cả nguyên TBT Thanh Niên là Nguyễn Công Khế, hay Tổng Thư ký Tòa soạn Hoàng Hải Vân. Nhưng tôi vẫn thích cách hành xử, cũng như tính chuyên nghiệp của lãnh đạo Tuổi Trẻ. Sài Gòn Tiếp Thị, Lao Động, Pháp luật TP, hay Vietnamnet có những lúc nổi như cồn, nhưng chỉ duy trì được một giai đoạn. Đối với Tuổi Trẻ họ duy trì được cả quá trình, họ ở một đẳng cấp khác.
Chia tay anh Nuôi, trong lúc chờ xe Go-Viet, tôi chợt ngước lên nhìn biển chúng tôi vừa mới ngồi RuNam Bistro, đường Mạc Thị Bưởi. “Thôi chết rồi, ngày mai mình có cuộc hẹn cũng ở quán RuNam, nhưng thuộc Landmark 81, khu chung cư có tòa nhà cao nhất thành phố”, tôi chợt nhớ ra.
Tôi đã có hẹn xem phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”, được dựng lên nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố nhà văn quân đội Xuân Thiều, bố của Phó Chủ tịch Techcombank Nguyễn Thiều Quang – bạn tôi, và cũng là bác ruột của một cô học trò cũ thời Xuân Hòa của tôi. Cô Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Phó Tổng Biên tạp tờ Thể thao, chị của một người bạn dạy cùng khóa với tôi ở Trường Đại học Sư phạm 2 (Xuân Hòa), qua FB cứ đòi tôi phải mua cho cô bịch bắp rang bơ ở chỗ chiếu phim. Nhưng cô lại cho tôi “leo cây”, khi không xuất hiện tại chỗ chiếu phim…
Trần Ngọc Châu và...
Nhưng thôi, trưa mai cứ đến gặp anh Trần Ngọc Châu, nguyên Phó tổng Biên tập Saigon Times. Anh Trần Ngọc Châu hẹn tôi ăn trưa với hai người khách nữa. Tôi có chút việc bận nên gửi tin nhắn đến sau.
Trần Ngọc Châu (hàng đầu, bìa trái) và những người bạn
|
Khi vừa mở cửa phòng, tôi chợt sững người: Ngoài anh Châu, và hai người khách, tôi thấy Nguyễn Ngọc Anh, cô bạn mà tôi phải hẹn cà phê chiều nay.
Hóa ra, theo Ngọc Anh giải thích sau đó, anh Trần Ngọc Châu đi đâu cũng muốn rủ Ngọc Anh đi theo. Ngồi nghe câu chuyện của anh, tôi hiểu lý do vì sao như vậy.
Anh Châu đang say sưa kể về thời kỳ anh làm Tổng Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, trước khi chuyển sang báo Saigon Times. Theo lời anh, thời đó, báo Tuổi Trẻ hưởng ứng rất mạnh mẽ ngọn gió đối mới trong văn nghệ, được khơi mào bởi báo Văn Nghệ thời nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng Biên tập.
Thời kỳ đó, với Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng biên tập báo Văn Nghệ, ông đã có những đổi mới quan trọng về nội dung tư tưởng của tờ báo, và được coi là người có công phát hiện, nâng đỡ nhiều nhà văn tên tuổi sau này như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, hay Dương Thu Hương...
Ông quay sang Ngọc Anh, và nói: “Thời đó, văn phòng Hà Nội đã giúp đỡ rất nhiều tòa soạn trong này. Có gì cần phỏng vấn các nhà văn, hay những chuyện khác, cứ gọi cho Ngọc Anh là xong.”
Tôi thực sự choáng váng, vì lúc đó Ngọc Anh mới 25-26 tuổi, mới chuyển sang báo Tuổi Trẻ, sau một năm công tác tại Trung tâm Từ điển Bách khoa Quốc gia. Trẻ mà dữ vậy sao?
Sau đó ít ngày, chat với cô bạn mới quen Phan Huyền Thư mà tôi đã đề cập trong vụ tranh chấp giải thưởng ở Mục Phát ngôn & Hành động năm 2011, tôi mới biết tại sao Ngọc Anh lại giỏi như thế. Hóa ra cô Phan Huyền Thư là con của cặp nghệ sĩ tài danh Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và Nghệ sĩ Thanh Hoa. Ngoài khả năng biên kịch và dựng phim, cô còn học nhạc viện từ năm 7 tuổi, và chơi tốt bốn loại đàn: piano, violin, guitar và đàn tranh.
Cái thời đổi mới về văn nghệ đó, Nghệ sĩ Thanh Hoa có mở một quán nhỏ trong khuôn viên của trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Hàng ngày, các nhà văn, nghệ sĩ và nhà báo đều có mặt ở đó, bàn đủ thứ chuyện trên đời. Hai nhà báo trẻ tuổi Ngọc Anh (Tuổi Trẻ) và Vũ Mạnh Cường (Lao Động) rất hay có mặt ở đó, làm quen với các nhà văn, nghệ sĩ, và lượm lặt những thông tin bổ ích, theo lời Phan Huyền Thư, thường giúp mẹ trông quán, và chơi thân với chị Ngọc Anh và anh Vũ Mạnh Cường.
Vai trò của Ngọc Anh với báo Tuổi Trẻ thì anh Châu đã nói rõ, và Phan Huyền Thư đã chỉ ra nguyên nhân. Nhưng Vũ Mạnh Cường thì hình như không thấy phát huy điểm mạnh này với báo Lao Động. Chắc anh còn mải mê sự nghiệp làm báo đối ngoại với chị Thanh Bình, bút danh Bình – Cường đã trở nên khá nối tiếng trên báo Lao Động, và chăm chú theo dõi vụ bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Chỉ đến bây giờ, khi thôi không là báo mà chuyển sang hệ quan chức, Vũ Mạnh Cường mới phát huy vốn liếng trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật trong vai trò Trưởng thôn trong FBKN (Khoa Nga Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội), và mới nhất là tổ chức sáng tác câu chuyện tình dài tập khi toàn xã hội bị cách ly “Chuyện tình thời Covi”.
Trở lại câu chuyện của anh Trần Ngọc Châu, anh kể rằng anh chia cuộc đời anh làm hai giai đoạn: dạy học và làm báo. Giai đoạn dạy học kết thúc vào 30/4/1975, và sau đó là giai đoạn làm báo. Giai đoạn nào cũng thành công rực rỡ.
Khi anh phải về trước, vì có một cuộc hẹn khác, tôi nói với Ngọc Anh và hai người do anh Châu mời đến, rằng tôi cũng giống với anh Châu là cũng làm chỉ hai việc trong cuộc đời: đi dạy và đi viết. Chỉ có thời gian đi dạy chỉ kéo dài 3-4 năm, không đủ làm nên một giai đoạn, mà tạo ra một kỷ niệm đáng nhớ trong đời.
“Cảm ơn thầy vì bỗng dưng lại nhớ đến lũ học trò sau mấy chục năm quên lãng…”, một cô học trò đã viết vậy trên FB, khi tôi kết thúc chuyến đi. Đúng là “bỗng dung” thật, nhưng tôi biết vì sao tôi nhớ đến những học trò cũ – sau chuyến đi này tôi sẽ nhận sổ hưu.
Những câu chuyện về thời Xuân Hòa, về lớp học thêm tiếng Anh, những bài hát ngày xưa các em hay hát…, và quan trọng nhất là khả năng chọc cười của các em đã làm tôi cười suốt buổi, và tôi đã lấy lại được nụ cười sẻ chia (với người ngồi đối diện) – một trong hai vũ khí của tôi khi đi phỏng vấn. Từ sau buổi gặp đó, tôi tự tin nghĩ rằng mình sẽ thành công trong các bài phỏng vấn của mình, điều tôi nghĩ rằng tôi đã mất, khi bị tai biến.
Nhìn đám học trò cũ ngày nay rất thành đạt trong cuộc đời, người làm doanh nghiệp, người làm ngân hàng, người đi dạy toàn những quan chức có hạng…, tôi chợt nghĩ tại sao mình lại có thể dạy những học trò như vậy, khi bây giờ mình vẫn là anh phóng viên quèn, lang thang đi kiếm từng cuộc phỏng vấn, và duy trì nghề của mình…
Tự nhiên lại liên tưởng tới “Người thầy đầu tiên” của Tchingiz Aimatov. Liên tưởng mình với ông lão đưa thư tự nhiên lại thấy buồn. Nhưng thôi, có liên quan gì đâu?
Cô Ngọc Anh còn nói, anh Châu cũng rất biết về Trung tâm Hướng dẫn Báo chí Nước ngoài, nơi tôi làm việc trước khi chuyển sang báo Nikkei. Và người anh biết rõ nhất là Hoàng Thị Mai Hương. “Anh Châu cũng là nhà báo đối ngoại nên quen Mai Hương là hoàn toàn có lý. Lúc đó, Mai Hương mới đi học thạc sĩ bên Mỹ mới về, anh Châu chắc có nhiều điều cần tìm hiển về xã hội Mỹ, vì lúc đó ít người được sang Mỹ học lắm”, tôi thầm nghĩ.
Tôi còn nhớ Mai Hương, hình như năm 1993, trở về từ Mỹ, đang làm cho công ty nước ngoài, và thuê một căn phòng ở Trung tâm Báo chí ở Phố Tông Đản (nay là nhà riêng đại sứ Mỹ) là nơi làm việc. Buổi trưa, anh em ở Trung tâm đánh tá lả thư giãn, cô kéo cả điện thoại bàn ra ngoài hành lang nơi chúng tôi đang chơi, để tiện liên lạc với đối tác, vừa theo dõi chúng tôi sát phạt nhau.
Hồi đó đang nổi lên bộ phim “Lời đề nghị khiếm nhã” do Woody Harrelson và Demi More vào vai đối vợ chồng trẻ, và đặc biệt là tài tử nổi tiếng Robert Redford đóng vai tỷ phú, người đưa ra lời đề nghị khiếm nhã là trả 1 triệu đô la cho một đêm ngủ với Diana (Demi More đóng).
Lúc đó, bên Mỹ có cuộc trưng cầu dân ý trong giới sinh viên về “lời đề nghị đó”. “If it is Redford, I can do it for free (nếu là Redford, em sẵn sàng làm điều đó mà chẳng cần xu nào)”, Mai Hương vừa nói, vừa cười khanh khách. Tôi không thể nào quên tiếng cười đó.
Lần đi Sài Gòn vừa rồi tôi không kịp liên hệ với Mai Hương Satchi-Satchi. Có lẽ, lần tới, phải đề nghị phỏng vấn cô thôi, Mai Hương có lắm chuyện hay lắm, người làm báo đối ngoại như anh Châu mà không quý cô mới lạ chứ.
Vậy là cái gì mình biết, anh Châu đều biết hơn rất nhiều. Đến cả báo Nikkei chắc anh cũng biết hơn tôi, bởi vì anh rất thân với Sếp đầu tiên của tôi – Makoto Suzuki – người trong bài diễn văn khai trương văn phòng Nikkei tại Hà Nội đã nói bằng tiếng Việt (tôi nghe kể lại): “Tôi là Suzuki, nhưng không phải Suzuki vừa đi vừa đẩy.”
Chắc lại do Nguyễn Thiên Hương, người trợ lý đầu tiên, xúi dại đây. Nguyễn Thiên Hương bây giờ là Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Đức.
Chỉ có một cái, tôi biết chắc tôi có ưu thế hơn anh Châu. Đó là tôi đã viết bài “Quán cà phê và tờ tuần báo kinh tế”, mà anh Châu thường đem làm ví dụ khi giảng bài về báo chí. Tôi được anh mời mấy bữa nhậu ở Hà Nội mỗi khi anh ra giảng về báo chí, coi như trả nhuận bút cho tôi.
Có khi lần tới vào Sài Gòn phải đề nghị anh cho viết bài về quán cà phê, hay quán ăn, có gắn với lịch sử, mà anh từng đề nghị tôi viết.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh.
|
Phải có bài dự phòng chứ, học sinh, thậm chí cả anh Châu, sẽ chán không muốn nghe muốn nói về “Quán cà phê và tờ tuần báo kinh tế”. Sớm hay muộn thôi.
Nghe anh Châu và Ngọc Anh nói rất nhiều về Tổng Biên tập thời đó, chị Vũ Kim Hạnh. Tôi rất tiếc là hôm trước đã gặp chị Hạnh, hỏi đủ thứ chuyện, mà lại không hỏi về thời làm Tuổi Trẻ của chị. Cũng như lý do chị rời Tuổi Trẻ sang Thời báo Kinh tế Sài gòn, phụ trách tờ Sài Gòn Tiếp thị (sau này mới tách ra ở riêng).
Nhưng nói gì thì riêng 2 chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và “Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp” đã đủ làm nên thương hiệu của chị. Đó là chưa nói tới việc phát hiện ra đề tài và tự viết trên FB của chị. Đặng Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên tập của tờ Sài Gòn Tiếp thị cũ, đã nói rằng ở SGTT chỉ có hai thương hiệu là Vũ Kim Hạnh và Huy Đức.
Tôi lại nghĩ Vũ Kim Hạnh là một thương hiệu tự thân. Tức là không hề có sự trợ giúp vào để duy trì thương hiệu đó.
À, quên, sau khi SGTT bản cũ giải tán, có một nhóm người của SGTT đã theo chị về làm Thế giới Tiếp thị, rồi sau đó là Thế giới Hội nhập. Trong đó có Tổng Thư ký SGTT cũ là Trần Công Khanh. Trong kỳ tới, tôi sẽ kể về điều mà Tâm Chánh khích Công Khanh làm đối với chị Vũ Kim Hạnh…
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu