Tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc được ông Trump đề cử là ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã thông báo sẽ đề cử cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Georgia David Perdue làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhiệm kỳ tới.

Ông Donald Trump và David Perdue. Ảnh: Guancha.
Ông Donald Trump và David Perdue. Ảnh: Guancha.

Do quan hệ Trung-Mỹ được xem là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay nên ứng viên mới cho chức Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc luôn là tâm điểm chú ý của thế giới bên ngoài. Đánh giá về ông, trang tin Guancha (Nhà quan sát) của Trung Quốc nói David Perdue giống như một "tổ hợp của những mâu thuẫn"...

Người có phong cách rất giống ông Trump

Từ góc độ của Trung Quốc, ông David Perdue khá giống ông Trump về trải nghiệm cá nhân, khuynh hướng chính trị và phong cách hành động. Sau khi tham gia chính trường, ông bị gán cho là "phá cách", "diều hâu"…Nhưng trong bối cảnh có sự phản đối và phân cực chính trị nghiêm trọng giữa hai đảng ở Mỹ, ông Perdue lại bị các đối thủ chính trị ở đảng Dân chủ gán cho mác "người thân Trung Quốc".

Giống như ông Trump, ông Perdue là một doanh nhân trước khi bước vào chính trường. Vào những năm 1970, ông làm cố vấn quản lý trong một công ty tư vấn rồi trở thành giám đốc điều hành công ty. Năm 1992, ông gia nhập Sara Lee Group, một công ty hàng tiêu dùng Mỹ có trụ sở tại Illinois, chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh tại Trung Quốc và Châu Á.

Năm 1998, ông gia nhập hãng đồ dùng thể thao nổi tiếng Reebok với tư cách là Phó tổng tài rồi được thăng chức Chủ tịch kiêm CEO của Reebok. Sau khi rời Reebok, ông giữ chức vụ cấp cao ở nhiều công ty.

David Perdue.jpg
Ông David Perdue, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhiệm kỳ tới. Ảnh: Guancha.

Sau đó, ông tham gia chính trường với tư cách là một đảng viên Cộng hòa, ông đã đánh bại đối thủ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2014 trở thành Thượng nghị sĩ đại diện bang Georgia. Năm 2020, ông tái tranh cử nhưng bị thua đối thủ Jon Ossoff của đảng Dân chủ. Năm 2022, ông ra tranh cử chức Thống đốc bang Georgia, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ ông Trump, nhưng lại thua trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Perdue là người ủng hộ mạnh mẽ ông Trump, tuyên bố có "gian lận bầu cử”. Một bồi thẩm đoàn được lập ra sau đó đã đề nghị truy tố ông Perdue do những lời cáo buộc này, nhưng công tố viên đã từ chối buộc tội ông trong vụ án, giúp ông tránh bị ra tòa.

Trong tuyên bố đề cử của ông Trump, ông mô tả Perdue là "người ủng hộ và người bạn trung thành", cũng mang ý nghĩa "ban thưởng theo công lao".

Giống như ông Trump, ông Perdue có phong cách khác với các chính trị gia truyền thống và cũng là người "phá cách". Tờ SCMP cho biết trong những năm gần đây, ông Perdue đã nhất quán với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump và ủng hộ cách tiếp cận tăng thuế đối với Trung Quốc.

Quan điểm "diều hâu" với Trung Quốc

Tranh cu TNS.jpg
Ông Perdue trong chiến dịch tranh cử Thượng nghị sỹ năm 2022. Ảnh:

Trang Guancha viết, nhìn vào lập trường của Perdue đối với Trung Quốc kể từ khi bước vào chính trường, ông chắc chắn là một “diều hâu” không hữu hảo. Năm 2018, ông đến thăm Trung Quốc với tư cách thành viên phái đoàn Quốc hội Mỹ, nhưng cùng năm đó, ông cũng đến thăm Đài Bắc với tư cách thượng nghị sĩ, đã gặp người lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) lúc bấy giờ là Thái Anh Văn và nhắc lại cam kết của Mỹ hỗ trợ hòn đảo này.

Sau khi thăm Trung Quốc, ông Perdue và các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác đã đăng bài trên cơ quan truyền thông cánh hữu bảo thủ Fox News, kêu gọi Mỹ “tỉnh dậy và cạnh tranh mạnh hơn với Trung Quốc”. Ông Perdue cho rằng quan điểm lỗi thời của Mỹ về Trung Quốc có thể dẫn đến việc bỏ lỡ những cơ hội và thậm chí những tính toán sai lầm nguy hiểm hoặc sự tự mãn.

Khi còn là chủ tịch Ủy ban Quyền lợi Biển của Thượng viện, ông Perdue chủ trương Hải quân Mỹ cần mở rộng quy mô hạm đội và yêu cầu chính quyền Trump tăng cường hơn nữa việc ngăn chặn Trung Quốc trên biển.

Về vấn đề quốc phòng, ông Perdue cũng chỉ trích chính quyền đảng Dân chủ trước đây, cho rằng đầu tư quốc phòng là không đủ và chủ trương tăng ngân sách quân sự. Về mặt địa chính trị, Perdue đã tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiều lần trong năm 2018, ủng hộ quan điểm "tự do thương mại" và "tự do hàng hải" của Mỹ và phương Tây.

Ngoài ra, về các vấn đề như thương mại, quân sự, không gian, nợ nội địa của Mỹ và “Sáng kiến ​​Vành đai, Con đường”, Perdue cũng nhiều lần chỉ trích, hoặc đổ lỗi cho Trung Quốc; trong hầu hết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc ông đều có lập trường “diều hâu”.

Vào thời điểm quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ căng thẳng, ông Perdue đã hạ thấp mối quan hệ cá nhân của ông với Trung Quốc. Các đối thủ chính trị của ông chỉ ra rằng video chiến dịch tranh cử năm 2020 đã xóa bức ảnh chụp ông Perdue tại Vạn Lý Trường Thành và bỏ đi trải nghiệm của ông ở Hong Kong, cả hai từng xuất hiện khi tranh cử năm 2014.

Ho tro Trump tranh cu.jpg
Ông Perdue hỗ trợ ông Trump trong chiến dịch tranh cử tại bang Georgia.
Ảnh: Singtao.

Có "quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc"?

Điều trớ trêu là ông Perdue, một người kiên quyết theo đuổi "thuyết mối đe dọa Trung Quốc", lại nhận được "sự tấn công không thương tiếc" từ các đối thủ chính trị ở trong nước.

Năm 2014, khi ông Perdue mới bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông đã bị chỉ trích vì thuê nhân công nước ngoài, nhưng ông bảo vệ cách làm này và nói rằng ông "tự hào" khi tìm được lao động giá rẻ. Cuối năm 2020, các cơ quan truyền thông Mỹ như New York TimesWashington Post lần lượt đăng tải các bài, đề cập lại vấn đề này.

Đảng Dân chủ ngay lập tức phát hiện ra và lợi dụng các bài báo này để tấn công ông Perdue. Các nhóm Dân chủ chỉ trích ông đã “hợp tác sâu rộng” với Trung Quốc khi làm kinh doanh, là “nhân vật rất chủ chốt trong việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc”, trong khi nhiều công ty của Perdue làm giàu bằng việc gia công ở nước ngoài thì nước Mỹ lại mất hàng nghìn việc làm.

Quan hệ Trung-Mỹ nên phát triển như thế nào?

Trong tuyên bố thông báo đề cử, ông Trump cho biết ông Perdue sẽ thực hiện chiến lược của ông nhằm duy trì hòa bình khu vực và đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả với Trung Quốc.

Ông Trump cũng cho biết, với tư cách là người điều hành một công ty thuộc nhóm Fortune 500, ông Perdue có 40 năm kinh nghiệm kinh doanh quốc tế và từng phục vụ tại Thượng viện. Ông từng sống ở Singapore, Hong Kong và dành phần lớn sự nghiệp của mình làm việc ở châu Á và Trung Quốc. “David là người ủng hộ và là bạn trung thành của tôi, tôi mong được làm việc với ông ấy ở vị trí mới!”, ông Trump viết trên mạng xã hội.

Sau khi ông Trump đề cử ông Perdue, Reuters chỉ ra rằng động thái này đánh dấu việc Mỹ quay trở lại thói quen thường xuyên bổ nhiệm các chính trị gia làm đại sứ tại Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã chọn cựu Thống đốc Iowa Terry Branstad làm đại sứ tại Trung Quốc, với hy vọng tận dụng mối quan hệ với các quan chức Trung Quốc để giúp giải quyết căng thẳng thương mại, nhưng cuối cùng đã thất bại. Giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra tranh chấp thương mại chưa từng có. Giờ đây, vẫn còn phải chờ xem David Perdue sẽ sắm vai trò gì trong mối quan hệ song phương căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tờ SCMP chỉ ra rằng việc đề cử ông Perdue làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vẫn cần được Thượng viện Mỹ xác nhận và thông qua, nhưng điều này dường như không phải là vấn đề vì đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát cơ quan này.

Theo Guancha, Oror