Cuộc tấn công quy mô lớn lần thứ ba
Ngày 2/12, Reuters dẫn lời hai người thông thạo vấn đề này cho biết rằng Mỹ đã tiến hành cuộc tấn công thứ ba vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong ba năm qua, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 140 công ty Trung Quốc trong đó có NAURA Technology Group.
Đây là một trong những hành động quy mô lớn cuối cùng được chính quyền Tổng thống Joe Biden thực hiện nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip của Trung Quốc.
Trong số các công ty Trung Quốc bị thêm vào vòng danh sách này, có gần 20 công ty bán dẫn, 2 công ty đầu tư và hơn 100 công ty sản xuất thiết bị bán dẫn, điều đó có nghĩa là các nhà cung cấp của Mỹ bị cấm bán hàng cho họ nếu không có sự cho phép đặc biệt.
Là một phần của gói kế hoạch này, các hạn chế xuất khẩu mới cũng bao gồm hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các chip bộ nhớ băng thông cao tiên tiến (HBM), hạn chế xuất khẩu 24 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn khác, 3 công cụ phần mềm; đồng thời áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ các nước Singapore và Malaysia.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới này có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ như Lam Research, KLA và Applied Materials (AMAT), cũng như các công ty không phải của Mỹ như nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASMI.
Điều đáng chú ý là kế hoạch hạn chế mới nhất này liên quan đến "Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài" (FDPR), có nghĩa là bất kỳ sản phẩm nào sử dụng công nghệ của Mỹ cũng sẽ chịu sự kiểm soát của Mỹ.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Mỹ có kế hoạch miễn trừ các khu vực đã áp đặt các biện pháp kiểm soát tương tự đối với Trung Quốc. Ví dụ, Nhật Bản và Hà Lan đã theo chân Mỹ trong việc đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc nên hai nước này sẽ được miễn trừ.
Trung Quốc phản ứng quyết liệt
Chiều ngày 2/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ.
Một phóng viên nêu câu hỏi về thông tin Mỹ đang chuẩn bị hạn chế hơn nữa xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc. Ông Lâm Kiến trả lời: “Chúng tôi đã nhiều lần nêu quan điểm của mình về vấn đề này. Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối việc Mỹ mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lợi dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để phong tỏa và đàn áp Trung Quốc một cách ác ý”.
Ông cho rằng, loại hành vi này vi phạm nghiêm trọng quy luật kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh công bằng, phá hoại trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, phá vỡ sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cuối cùng gây tổn hại đến lợi ích của tất cả các quốc gia. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Vài năm gần đây, chính phủ Mỹ liên tục tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Từ 9/8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Biden đã ký lệnh hành pháp hạn chế các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm như chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo; đồng thời yêu cầu các công ty Mỹ báo cáo với chính phủ Mỹ về các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ khác.
Ngày 28/10 năm nay, chính phủ Mỹ đã công bố quy định mới cấm đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng các biện pháp liên quan nhằm ngăn chặn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc “đe dọa an ninh quốc gia”. Được biết, các quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 2/1/2025 và sẽ được Văn phòng Giao dịch Toàn cầu (Office of Global Transactions) mới thành lập của Bộ Tài chính Mỹ giám sát.
Tờ South China Morning Post chỉ ra rằng khi cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, chính phủ Joe Biden đã tăng trợ cấp cho ngành bán dẫn của họ, đồng thời liên tục tăng cường các hạn chế công nghệ đối với Trung Quốc dưới chiêu bài an ninh quốc gia.
Chính quyền Biden không chỉ đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và cấm đầu tư liên quan đến trí tuệ nhân tạo mà còn đang xem xét các hành động tiếp theo nhằm hạn chế sự phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn của Trung Quốc, vì lo ngại điều này có thể giúp Trung Quốc phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo giống như ChatGPT.
Mỹ cũng gây áp lực cho các đồng minh thực hiện kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn nhằm cắt đứt sự kết nối của Trung Quốc với chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Theo Guancha, Ifeng