Thời gian tới, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể việc tổ chức các cuộc thi để địa phương căn cứ vào đó thực hiện cho đúng, tránh chồng chéo, quá tải, gây bức xúc cho xã hội. Trong đó, Bộ chỉ đưa ra khung quy định về tổ chức chứ không "điểm mặt, chỉ tên" những cuộc thi nào sẽ được tiếp tục, để tạo cơ chế tự chủ cho địa phương.
Báo cáo của Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tỷ lệ cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống chiếm hơn 90%. Chỉ một số ít cuộc thi về kiến thức như giải toán, tiếng Anh qua mạng.
Một số cuộc thi chủ yếu tập trung vào kiểm tra kiến thức lý thuyết mà học sinh đã học trong trường, hạn chế việc tạo cơ hội để các em được rèn luyện, trải nghiệm, qua đó phát triển kỹ năng và hình thành năng lực.
Trong khi đó, một số trường đã sử dụng kết quả cuộc thi để cộng điểm ưu tiên, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp khiến nhiều em tham gia cùng lúc nhiều cuộc thi với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên. Hậu quả là gây quá tải, tốn thời gian và ảnh hưởng không tốt tới kết quả giáo dục.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT chủ trương tinh giảm các cuộc thi để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Trước đó, tháng 5/2017, Bộ GD-ĐT từng có công văn gửi các Sở GD-ĐT chỉ đạo giảm các cuộc thi cấp quốc gia cũng như các cuộc thi tại địa phương dành cho giáo viên và học sinh phổ thông đồng thời điều chỉnh chính sách với người dự thi, không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua với các địa phương, đơn vị.