Tại sao robot phải học cách lãng quên?

Dạy cho AI biết cách lãng quên giống như con người là một trong những bước quan trọng để tạo ra một AI tốt hơn.
Hình minh họa
Hình minh họa

Chúng ta đều biết việc quên một điều gì đó là như thế nào. Ngày sinh của một người thân yêu. Một kỉ niệm thời thơ ấu. Ngay cả những người có khả năng kì diệu trong việc ghi nhớ sự vật sự việc – ví dụ như thứ tự của bộ bài 52 lá trong chưa đầy 20 giây – vẫn sẽ quên nơi họ để chìa khóa. Con người dường như không bao giờ có thể kiểm soát một cách hoàn toàn những kỉ niệm của mình.

Theo trang tin Thenextweb, lãng quên là một điều phức tạp, đối với cả con người và trí tuệ nhân tạo, và các nhà nghiên cứu đang khám phá ý tưởng về bộ nhớ của robot theo nhiều cách khác nhau. Điều này không chỉ gây ra những rắc rối về kỹ thuật, mà còn các mối lo ngại về quyền riêng tư, luật pháp hay đạo đức. Sẽ ra sao nếu robot giúp việc của bạn nhìn thấy bạn trót hút thuốc trong khi đã hứa với vợ/chồng mình rằng bạn đã cai thuốc rồi? Hay nó thấy bạn vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng?

Đây là một câu hỏi quan trọng: ai sẽ có quyền để cho phép một robot được phép quên đi những gì nó đã chứng kiến? Nhưng trước tiên, các nhà nghiên cứu cần phải tìm ra cách tốt nhất để khiến AI có thể biết cách lãng quên.

Tại sao con người lại quên?

Có một phép ẩn dụ phổ biến để giải thích tại sao con người lại quên là bộ não của chúng ta trở nên đầy lên mỗi khi thu thập thông tin, và quên là cách để bộ não "giải phóng bộ nhớ". Nhưng có một số người mắc chứng bệnh hiếm có tên là "hyperthymesia", cho phép họ nhớ gần như mọi chi tiết có trong cuộc sống của họ. Điều này cũng cho thấy ý tưởng "đầy bộ nhớ" là không hoàn toàn đúng.

Vậy, nếu chúng ta không quên để tạo chỗ trống cho những kỉ niệm mới, thì tại sao chúng ta lại quên? Có một lời giải thích là những kí ức giúp chúng ta hiểu thế giới, hơn là chỉ đơn thuần ghi nhớ nó. Bằng cách này, chúng ta sẽ chỉ ghi nhớ những kí ức có ích, có giá trị, đồng thời quên đi những thông tin có giá trị thấp hơn.

Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy mọi người có thể nhớ những thông tin mang tính mâu thuẫn hơn là những thông tin lặp đi lặp lại. Các yếu tố khác bao gồm tầm quan trọng và tính mới lạ của sự kiện, cũng như cảm xúc và tâm trạng của chúng ta trong thời điểm trải nghiệm. Ví dụ, ngày 11/9/2001 sẽ là sự kiện mà những người Mỹ không thể nào quên.

Làm thế nào để robot có thể quên?

Bộ nhớ trong máy tính thường được sử dụng để mô tả khả năng lưu trữ thông tin có thể thu hồi, cũng như các thành phần vật lý của máy tính mà các thông tin đó được lưu trữ. Ví dụ, bộ nhớ làm việc của máy tính sẽ "quên" đi dữ liệu khi nó không còn cần thiết cho tác vụ nào cả, giải phóng các tài nguyên và chuyển sang cho các tác vụ khác.

Điều này cũng áp dụng lên AI, nhưng trong khi việc quên một thứ gì đó có thể khiến chúng ta thất vọng, đó là cách để con người vẫn đứng trên máy móc. Các thuật toán học máy (machine learning) rất kém trong việc nhận biết khi nào phải giữ những thông tin cũ và khi nào phải loại bỏ các thông tin đã lỗi thời.

Ví dụ, các AI kết nối (những AI thường sử dụng các mạng thần kinh mô phỏng cấu trúc của bộ não) cũng phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến việc "quên". Chúng bao gồm over-fitting, là khi một cỗ máy lưu trữ thông tin quá chi tiết từ những kinh nghiệm trong quá khứ, cản trở khả năng nhìn bao quát và dự đoán các sự kiện trong tương lai.

Một vấn đề khác nữa là "lãng quên nghiêm trọng" (catastrophic forgetting). Các nhà nghiên cứu đang cố gắng xây dựng các mạng thần kinh nhân tạo có thể điều chỉnh một cách phù hợp trước thông tin mới mà không đột ngột quên đi những gì nó đã được học trước đó.

Cuối cùng, đôi khi các nơ-ron của mạng thần kinh nhân tạo sẽ tiếp nhận những mô hình kích hoạt không mong muốn trong quá trình học hỏi, làm hỏng khả năng học tập trong tương lai của AI.

Một cách tiếp cận khác để lưu trữ ký ức trong robot là miêu tả trí nhớ tượng trưng, khi kiến thức sẽ được miêu tả dưới dạng sự kiện logic ("Chim biết bay", "Tweety là một con chim", do đó, "Tweety có thể bay"). Những sự mô tả có cấu trúc cao do con người tạo ra này có thể bị xóa một cách dễ dàng, giống như xóa một tập tin trên máy tính vậy.

Những sự kiện này có thể trải dài từ dữ liệu cảm giác động học thô đến các thông tin có thật đã được lưu trong cơ sở trí thức ("Giáng sinh là ngày 25/12").

Robot nên quên điều gì?

Hiểu được cách não bộ của chúng ta quyết định thứ gì đáng ghi nhớ và thứ gì đáng quên là rất quan trọng để tạo ra một AI tốt hơn. Giống như con người, AI nên nhớ những thông tin hữu ích, đồng thời quên đi những dữ liệu ít có giá trị hay không liên quan. Tuy nhiên, việc xác định những gì là "liên quan" và "có giá trị" có thể bao gồm các yếu tố khác, như đạo đức, pháp luật và quyền riêng tư.

Các chatbot thực hiện việc chẩn đoán y tế, các thiết bị gia đình thông minh giám sát chuyển động của chúng ta và các robot an ninh đi tuần tra với máy quay video và cảm biến nhiệt. Lượng thông tin được lưu trữ sẽ là rất lớn.

Ví dụ, Echo, trợ lý gia đình của Amazon là loa điều khiển bằng giọng nói luôn luôn trong trạng thái nghe lệnh. Cảnh sát Arkansas, Mỹ gần đây đã yêu cầu Amazon đưa ra những thông tin thu thập được từ Echo của một nghi can giết người.

Ngoài ra, hãy thử nhìn vào AI trong robot tình dục. Liệu chúng có được phép ghi nhớ hay quên khách hàng của mình, và những gì khách hàng đã làm với chúng? Ai sở hữu những dữ liệu đó, và ai có thể xem hay xóa chúng?

Nói chung, khi nói đến vấn đề ký ức, việc quyết định khi nào robot nên quên là một thách thức rất lớn của con người.

Theo VnReview
http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2254662/tai-sao-robot-phai-hoc-cach-lang-quen