Nước Mỹ có 4 nhà mạng nổi tiếng bậc nhất thế giới gồm Verizon, AT&T, T-Mobile và Sprint. Nhưng trong các câu chuyện thường ngày, người dân vẫn thường rỉ tai nhau lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ viễn thông. Ngay cả một đất nước phát triển như Hoa Kỳ còn gặp tình trạng “mạng rùa bò” thì không biết các khu vực khác sẽ như thế nào?
Trên thực tế, các nhà mạng Mỹ chưa bao giờ được xếp top trên bình diện thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của Aptelligent công bố hồi tháng 10 năm ngoái, xứ sở cờ hoa chỉ xếp vị trí thứ 10 trong tổng số 25 quốc gia có chất lượng dịch vụ viễn thông tốt nhất, bao gồm tiêu chí độ tin cậy và tốc độ. Những cái tên đầu bảng gồm Nhật bản, Pháp, Anh, Canada, Mexico, Italia, Đức và Australia.
Cây viết Antonio Villas-Boas của tờ Business Insider chia sẻ, bản thân là người thường xuyên di chuyển giữa trung tâm thành phố New York và vùng ngoại ô Connecticut, ông tỏ ra rất thất vọng với chất lượng mạng di động, đặc biệt trong thời gian cao điểm di chuyển. Dù sóng 4G LTE thường xuyên ở mức 3 đến 4 vạch nhưng nghe nhạc trực tuyến bị ngắt liên tục, lướt web chậm chứ đừng nghĩ tới việc xem video.
Tuyến đường Antonio thường xuyên đi lại thuộc vào một trong những khu vực nhộn nhịp bậc nhất cả nước. Ông cũng như người dân nơi đây hy vọng các nhà mạng sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ để họ có thể nhận được những gì xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.
Người dân tự hỏi vì sao tiền họ bỏ ra ngày càng nhiều nhưng tỉ lệ nghịch với chất lượng. |
Vì sao dịch vụ di động ngày càng dở tệ?
Joe Madden, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn di động Mobile Experts cho biết, các công ty viễn thông “không kịp xây dựng cơ sở hạ tầng bổ sung vào mạng lưới tổng để đáp ứng lượng người dùng ngày càng gia tăng cùng các tiện ích, dịch vụ mới đòi hỏi tốc độ băng thông cao”.
Nghĩa là, năng lực cung cấp của các công ty có hạn nên khi lượng khách hàng tăng nhanh và sử dụng nhiều ứng dụng ngốn dung lượng thì “miếng bánh” phải chia nhỏ cho tất cả. Điều đó lý giải vì sao tốc độ mạng chậm dần, thậm chí có thời điểm rớt mạng.
Nhiều tòa nhà chọc trời mọc lên tại các thành phố. |
Ngay như trạm phát sóng địa phương dọc cung đường từ Connecticut tới thành phố New York cũng chỉ đáp ứng tối đa 300.000 lượt truy cập trong cùng thời điểm, thường chỉ phục vụ dân vùng đó. Nhưng vào giờ cao điểm, lưu lượng người di chuyển qua khu vực tăng cao và cùng lúc họ đều dùng dịch vụ di động khiến hệ thống quá tải.
Tình trạng tắc nghẽn mạng không hề xảy ra thời điểm công nghệ LTE lần đầu được tung ra thị trường năm 2011, khi mà lượng người dùng còn ít. Vì thế, chuẩn mới trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc nghe nhạc, xem video, lướt web và mạng xã hội nhờ tính thuận tiện thay vì Wi-Fi.
Thời điểm đó, người dân Mỹ có thể tận hưởng tốc độ hơn 20Mbps LTE. Nhưng bây giờ, may mắn lắm người ta mới thấy con số 4 Mbps. Tốc độ không thay đổi, trong khi số điện thoại tích hợp công nghệ LTE tăng nhanh khiến hệ thống phải căng mình ra phục vụ.
Nhu cầu tăng sao không xây thêm tháp viễn thông?
Các nhà mạng đơn giản là không đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư xây thêm tháp di động khắc phục cho những khu vực tín hiệu yếu, đặc biệt ở các vùng mật độ dân cư thấp.
Ngoài ra, nhiều tòa nhà cao tầng tại thành phố mọc lên như nấm sau mưa trở thành vật cản sóng di động. Công nghệ vô tuyến và cơ sở hạ tầng hiện nay làm cho quá trình cung cấp dịch vụ viễn thông kém hiệu quả hơn trước. Ví dụ, sóng vô tuyến điện sẽ gặp vấn đề nếu đi qua tường bê tông và kim loại. Chưa kể, nhiều loại vật liệu mới có xu hướng được thiết kế phản chiếu ánh sáng mặt trời, đồng nghĩa với việc có thể phản xạ sóng vô tuyến từ tháp di động.
Thủ tục xây thêm trạm di động phức tạp hơn người ta tưởng. |
Khách hàng luôn tự đặt câu hỏi, tại sao nhà mạng chây lười không chịu xây thêm trạm thu phát sóng? Câu trả lời nằm ở việc, thủ tục hành chính và quá trình lắp đặt lâu hơn mọi người tưởng tượng.
Muốn chọn địa điểm đặt trạm phải mất hàng năm trời chờ phê duyệt, cùng mức đầu tư tốn kém. Trong khi điện thoại thông minh phát triển từng ngày với nhiều tính năng mới. Thậm chí, xuất hiện ý kiến phản đối việc lắp các tháp di động vì sợ ảnh hưởng của bức xạ điện từ. Dù rằng, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ - FCC đã trấn an dư luận về vấn đề này nhưng không ngăn được dòng người biểu tình ở một số nơi.
Với những gì truyền thông nói về 5G, mọi thứ có thể tươi sáng hơn cho dịch vụ di động. Ở điều kiện lý thuyết, mạng 4G LTE đạt tốc độ 1 GBps, trong khi 5G là hàng Gbps.
5G được hứa hẹn sẽ không bị nghẽn mạng nhờ sử dụng băng tần có bước sóng cỡ mm, phục vụ tốt nhu cầu mới như thiết bị tăng cường thực tế ảo, kết nối xe không người lái, nhà thông minh và các tiện ích trên đường phố. Tuy nhiên vẫn phải chờ một thời gian nữa công nghệ tiên tiến này mới đến được tay người dân.
*Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của cây bút Antonio Villas-Boas (Business Insider) dựa trên những trải nghiệm của ông cùng nhiều người dùng di động khác tại Mỹ.
Theo zing.vn (nguồn Business Insider)