Súng in 3D nguy hiểm như thế nào?

VietTimes -- Nước Mỹ đang sôi sục vì xuất hiện loại súng làm từ công nghệ in 3D. Loại súng này hoạt động như thế nào và mức độ sát thương đến đâu?
Một khẩu súng in 3D trên màn hình năm 2013 (Ảnh Getty Images)
Một khẩu súng in 3D trên màn hình năm 2013 (Ảnh Getty Images)

Mối lo ngại về sự gia tăng các khẩu súng được tạo ra bằng công nghệ in 3D (gọi là súng in 3D) đã lên đến đỉnh điểm khi 8 bang của Mỹ hôm 30/7 thông báo rằng họ đã chính thức kiện chính phủ của tổng thống Donald Trump vì cho phép người dân được tải các bản thiết kế mô hình để tạo ra các khẩu súng in 3D.

Súng in 3D sẽ cho phép người dân Mỹ được tiếp cận với các loại súng được tạo ra bằng cách in 3D nhưng lại có thể bắn được đạn thật, trong đó có cả loại súng trường bán tự động AR-15.

Do được in 3D tại nhà nên những khẩu súng này hoàn toàn không có số đăng ký, những người in ra các khẩu súng cũng không phải chịu bất cứ hình thức kiểm tra nào, và các loại súng này thực tế là không thể theo dõi được.

Hôm 31/7, công ty Defense Distributed có trụ sở tại Texas, Mỹ đã được phép đăng tải bản thiết kế chi tiết nhiều loại súng khác nhau, trong đó có những loại rất phổ biến như súng “The Liberator”, súng trường bán tự động AR-15, súng Beretta M9 và nhiều loại súng khác.

Các loại súng này được in thành từng bộ phận thông qua một máy in 3D, và người dùng sau đó có thể tự mình lắp ráp tại nhà.

Bộ phận duy nhất bằng kim loại trên súng là kim hỏa và đạn. Một số khẩu súng bằng nhựa có thể tránh được mọi loại máy dò kim loại, với chỉ có một chiếc kim hỏa và một miếng thép rất nhỏ trong các loại súng in 3D này thì nó không vi phạm Đạo Luật Vũ khí Không thể bị phát hiện (Undetectable Firearms Act), CBC News cho biết.

Mỗi khẩu súng đều có thể sử dụng bắn nhiều lần và bắn số lượng đạn khác nhau, tùy thuộc vào loại vũ khí được tạo ra từ chiếc máy in 3D.

Những khẩu súng được tạo ra từ máy in 3D có thể giết người và bắn hàng trăm phát đạn, nhưng không bền bằng súng kim loại

Các loại súng in 3D không bền như những khẩu súng truyền thống, và tầm bắn cũng không xa bằng.

Khẩu súng in 3D “The Liberator” của công ty Defense Distributed được cho là bị vỡ nòng chỉ sau một lần bắn, nhưng ông Cody Wilson, nhà sáng lập công ty, đang nghiên cứu để cải tiến thiết kế khẩu súng.

Ông Cody Wilson, người sáng lập công ty Defense Distributed, nói về việc in 3D một khẩu súng trường năm 2013. Công ty của ông đang là đối tượng của một vụ kiện hôm 30/7 (Ảnh cắt từ YouTube)
 Ông Cody Wilson, người sáng lập công ty Defense Distributed, nói về việc in 3D một khẩu súng trường năm 2013. Công ty của ông đang là đối tượng của một vụ kiện hôm 30/7 (Ảnh cắt từ YouTube)

“Hiện nay đã có một vài mẫu súng có thể được tạo ra từ các máy in 3D, tuy không mẫu nào bền chắc hoặc đủ chất lượng thương mại như các loại súng thật”, ông Wilson cho tờ Newsy biết.

Ông nói thêm: “Dùng các loại súng này không đòi hỏi nhiều hiểu biết và chuyên môn. Mà nó đòi hỏi nhiều kiên nhẫn”.

Cục Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo về loại súng The Liberator và các loại súng được in 3D khác năm 2013, CNN cho hay. Tại thời điểm đó, ông Earl Friffith, người phụ trách Công nghệ vũ khí thuộc Cục Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ Hoa Kỳ đã gọi khẩu The Liberator được in 3D là “vũ khí giết người”.

Các quan chức cho biết The Liberator là khẩu súng được sản xuất bằng nhựa ABS-M30, đây là loại nhựa được sử dụng phổ biến để làm đồ chơi trẻ em, có thể bắn 8 phát đạn cỡ nòng a.380 liên tục trước khi bị vỡ nòng.

Một viên đạn được bắn ra từ súng in 3D có thể xuyên qua một miếng giê-la-tin dày 8 đến 11 inch, tương đương các mô mềm trên cơ thể người. Một khẩu súng ngắn bắn đạn cỡ nòng .380 được bán hiện nay có thể bắn một viên đạn tương tự xuyên qua 18 inch vào miếng giê-la-tin.

Tuy nhiên, theo một bài viết được CNN phân tích, thì một loại súng làm từ nhựa (in 3D) khác có tên là VisiJet, có thể bắn đạn xuyên qua được cả các vật thể cứng.

Và các thí nghiệm được người Đức thực hiện trên các khẩu súng in 3D cho thấy loại súng được sản xuất từ vật liệu nhựa PLA có thể méo mó hoặc biến dạng sau khi bắn.

Khi một khẩu súng bán tự động in 3D được tạo ra năm 2016, người tạo ra nó là một người đàn ông ở độ tuổi trung niên ở Tây Virginia, Mỹ cho biết ông ông phải sử dụng một số kim loại để hoàn thiện khẩu súng này.

Nòng súng bắt đầu tan chảy sau khoảng 18 phát bắn nếu không được làm mát kịp thời sau khi bắn, theo trang Wired cho biết. Ông cho hay, tổng cộng ông đã bắn hơn 800 viên đạn bằng khẩu súng đó.

Các mô hình súng in 3D sẽ sớm xuất hiện – nếu không được kiểm tra xác minh về điều kiện cá nhân, chứng minh độ tuổi, hay giấy phép.

Thỏa thuận của chính phủ Mỹ với công ty Defense Distributed tháng trước cho phép công ty này đưa các mô hình súng in 3D lên mạng, vài năm sau, họ bắt buộc phải gỡ bỏ các mô hình đó xuống.

Ông Wilson, người sáng lập ra công ty Defense Distributed đã phát hành các mô hình thiết kế súng in 3D lên mạng vào năm 2013, và hiện nay đã có khoảng 100.000 lượt tải về các mô hình này trước khi bị gỡ xuống, theo Associated Press cho biết.

Năm 2015, ông đã bị bắt phải đóng cửa trang web này, và Bộ Ngoại giao Mỹ đã giải quyết vào hồi tháng 6.

Hôm 31/7, công ty Defense Distributed đã được cho phép đưa lại các mô hình thiết kế này lên mạng, từ đó cho phép người dân Mỹ có thể tải về các thiết kế súng in 3D một cách tràn lan.

Hồ sơ yêu cầu của nhiều bang trên nước Mỹ đòi hỏi chính phủ của tổng thống Trump phải cấm cho phép đưa các mô hình thiết kế này lên mạng, các bang này cho biết bất cứ ai cũng có thể sở hữu sản phẩm của công ty Defense Distributed mà không chịu một sự kiểm tra xác nhận thông tin cơ bản nào, trang News and Report của Mỹ cho biết.

Công ty Defense Distributed không yêu cầu chứng minh độ tuổi hay giấy phép sử dụng súng, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với việc một người dân Mỹ phải đi xin giấy phép để mua một khẩu súng tại cửa hàng.

Tiếp cận với các máy in 3D vẫn là một trở ngại

Những khẩu súng in 3D được in thành nhiều bộ phận khác nhau và từ đó người dùng có thể tự mình lắp ráp lại. Ông Wilson nói chỉ mất khoảng 24 giờ để tạo ra một khẩu súng ngắn.

Tuy các dụng cụ DIY (tự mình làm lấy) để tạo ra các khẩu súng tại gia từ lâu đã được bán đầy rẫy trên mạng, nhưng các thiết kế mô hình súng này cho phép người dùng dễ dàng tiếp cận với một máy in 3D hơn nhiều.

Tuy nhiên, các chuyên gia về súng đạn cho biết những tên tội phạm vẫn khó có thể sử dụng các thiết kế mô hình này bởi các máy in 3D vẫn khá đắt đỏ và những khẩu súng loại này hỏng nhanh hơn nhiều so với những khẩu súng truyền thống, tờ Time cho biết.

Những máy in 3D có thể tạo ra những khẩu súng loại này có giá từ 5.000 đến 600.000 USD

Tuy in 3D hiện nay đều có ở hầu hết các thư viện công của Mỹ, nhưng các thư viện này đều cấm sử dụng máy vì các lý do không an toàn hoặc gây nguy hiểm, WJHG cho biết.

Để sử dụng sản phẩm của công ty Defense Distributed, người dùng chỉ cần phải trả một khoản phí và đăng ký email, gửi tên người dùng và mật khẩu để đăng ký, và họ cũng có thể chia sẻ các thiết kế súng, đạn và các phụ kiện riêng của mình cho những người khác, CNN cho biết.