Bản sắc của công nghệ thông tin Việt Nam
Ngay khi máy vi tính xuất hiện ở Việt Nam vào thập niên 1980, thì vấn đề làm sao xử lý được tiếng Việt đã là một trong những công việc đầu tiên. Cũng vì thế, nhiều tác giả các hệ soạn thảo khi đó đã phải chủ động gặp gỡ, học hỏi các chuyên gia ngôn ngữ học (NNH) để hoàn thiện sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, việc ra đời các hệ soạn thảo cho tiếng Việt mới chỉ là khởi đầu và tiếp sau đó còn rất nhiều việc phải làm như soát lỗi chính tả, xây dựng giao diện Việt hoá, nhận dạng chữ in, nhận dạng tiếng nói, chuyển văn bản thành lời nói, công nghệ dịch thuật, hỏi đáp thông minh…
Nói một cách hình tượng, TS. Nguyễn Chí Công – nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Tin học Việt Nam - cho rằng, định hướng này chính là bản sắc của công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam. Còn theo cố giáo sư Hoàng Phê thì trong quá trình này, bước đầu các chuyên gia CNTT phải học hỏi các nhà NHH để hoàn thiện sản phẩm của mình. Tiếp sau đó thì đến lượt các chuyên gia NNH phải được đào tạo về CNTT để đi đến các sản phẩm hợp tác giữa hai bên.
Tuy nhiên, theo cố giáo sư Hoàng Phê, trong nhiều năm qua, ở Việt Nam dường như thiếu một chủ trương, chính sách của Nhà nước cho sự kết hợp giữa CNTT và NNH. Vì thế, các chuyên gia CNTT đã phải tự mò mẫm, còn các chuyên gia NNH thì rất ít người chủ động đến với định hướng này.
Thậm chí GS. TS. Trần Trí Dõi – nguyên Trưởng khoa NNH, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG Hà Nội - còn cho rằng, với định hướng này qua các đề tài Nhà nước, cũng ít nhất phải có lời mời của chủ dự án.
Tuy nhiên, TS. Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng việc nên làm với các chuyên gia NNH là chủ động “gõ cửa” các bộ, ban ngành để đấu tranh cho vị thế của mình. Còn nếu với thái độ thụ động thì khả năng tiếp cận với CNTT của họ càng sẽ là vấn đề hơn.
Đáng mừng là trong Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2010 cũng đã có 4 chữ “xử lý tiếng Việt” trong nhiệm vụ thứ 6 về chế tạo sản phẩm, công nghệ mới. Được biết là để có 4 chữ đắt giá này trong Đề án cũng có "công" của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, khi đã cùng với Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam kiến nghị với cơ quan soạn thảo Đề án.
Ngành Ngôn ngữ học đã làm gì?
Theo TS. Tạ Quang Nghĩa – nguyên Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông), lịch sử ngành NNH Việt Nam tất yếu phải ghi công các chuyên gia CNTT. Chính nhờ có họ, lịch sử ngành NNH đã bước sang trang mới với sự hiện diện trên môi trường số đang ngày càng thông dụng.
Song theo TS. Nguyễn Thị Minh Huyền – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý Ngôn ngữ và Tiếng nói Việt (VLSP) - vấn đề này còn phụ thuộc vào động lực của chính các chuyên gia NNH. Về cơ bản, muốn có sự hợp tác chặt chẽ thì trước hết phải đào tạo được con người. Tuy nhiên, việc đào tạo bài bản cần gắn với việc xây dựng một chương trình đào tạo liên lĩnh vực, mà điều này thì không dễ thực hiện khi số lượng chuyên gia NNH sẵn sàng tham gia công việc này còn ít ỏi.
Công nghệ dịch thuật hiện rất phổ biến với nhiều ngôn ngữ |
Trong ngành NNH cũng có nhiều người nhận thức nghiêm túc về việc phải có sự kết nối giữa hai cộng đồng. Nhưng trong thực tế của đào tạo và nghiên cứu, sự kết nối này không hề dễ. Nếu như những đề tài của các nhà NNH không gắn với CNTT thì cũng rất khó hợp tác. Ngược lại, các đề tài của ngành CNTT cũng có mời một số nhà NNH cùng tham gia. Tuy vậy, việc tham gia cũng tương đối hạn chế khi họ chưa dễ có chung tiếng nói.
Phải khẳng định rằng có những chuyên gia NNH rất tha thiết với CNTT, và sẽ vẫn kiên trì thúc đẩy sự hợp tác hai bên cũng như việc xây dựng và phát triển một chương trình đào tạo liên ngành, song điều này mới chỉ dừng lại ở một số cá nhân.
Đại diện cho cơ quan nghiên cứu đầu ngành, GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - cho biết, vai trò của Nhà nước ở đây rất quan trọng. Vì để xây dựng và ban hành chính sách thì là việc của Nhà nước. Tiêu chuẩn cũng phải do Nhà nước ban hành và sản phẩm mẫu muốn có thì cũng phải được Nhà nước đặt hàng.
Ông Hiệp cũng cho biết là theo một chuyên gia đầu ngành NNH, không thể có 4.0 ở Việt Nam nếu không có vai trò của NNH. Vì thế, sự hợp tác giữa CNTT và NNH là vì tương lai đất nước trong thời đại 4.0.
Vị thế của CNTT với nội bộ ngành Ngôn ngữ học
Như đã nói ở trên, bên cạnh sự chủ động của ngành CNTT ở Việt Nam thì ngành NNH cũng phải có một sự chủ động nào đó với CNTT. Tuy nhiên, theo GS .TS. Nguyễn Văn Hiệp, ngay Viện Ngôn ngữ học, do nhiều cơ chế ràng buộc nên dù rất muốn cũng chưa thể thành lập riêng một bộ phận chuyên trách về CNTT.
Còn với việc đào tạo đại học của ngành NNH, môn Ngôn ngữ học Máy tính đã được đưa vào chương trình chính thức từ năm 2008. Song với chỉ 2 đơn vị học trình thì về cơ bản cũng mới chỉ đủ để sinh viên “cưỡi ngựa xem hoa”. TS. Phạm Hiển – người trực tiếp giảng dạy bộ môn này ở Khoa NNH, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội cho biết, với thời lượng như vậy thì chưa đủ “thắp lửa” để sinh viên ngành NNH có thể “đào sâu” kiến thức với lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này.