50 năm Viện Ngôn ngữ học: Phải có bước chuyển mới trong thời đại 4.0
Tân Khoa
VietTimes -- Sáng 14/5/2018, Viện Ngôn ngữ học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập (14/5/1968 - 14/5/2018). Khác với các viện khác trong lĩnh vực khoa học xã hội, Viện Ngôn ngữ học là viện có nhiều sự hợp tác nhất với các đối tác công nghệ thông tin.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, GS TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, 50 năm qua là một chặng đường phát triển đầy tự hào của Viện. Để đáp ứng những nhiệm vụ nghiên cứu cũng như cố gắng theo kịp với sự phát triển với sự phát triển của ngôn ngữ học hiện đại, Viện đã xây dựng các phòng/trung tâm nghiên cứu chuyên sâu.
Nhắc đến công tác nghiên cứu khoa học của Viện Ngôn ngữ học, những mảng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, nghiên cứu ngữ âm thực nghiệm, nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, nghiên cứu biên soạn các loại từ điển... Tuy nhiên, trên thực tế, công tác nghiên cứu khoa học của Viện rất đa dạng và ở lĩnh vực nào cũng có những tác giả và những công trình nghiên cứu có giá trị.
Ở Viện Ngôn ngữ học, chuyên ngành ngữ âm học thực nghiệm đã sử dụng các phương tiện kỹ thuật để nghiên cứu mặt âm thanh của ngôn ngữ. Phòng Ngữ âm học Thực nghiệm của Viện là nơi duy nhất trong cả nước có các thiết bị hiện đại để nghiên cứu ngữ âm. Những thiết bị kỹ thuật này không chỉ là công cụ quan trọng để nghiên cứu những vấn đề lý thuyết ngữ âm - âm vị tiếng Việt, mà còn phục vụ việc nghiên cứu âm học ứng dụng như ngữ âm bệnh học, phân tích, tổng hợp, nhận dạng tiếng nói, nhận dạng người nói trong công nghệ thông tin. Để phát triển ngành ngữ âm học thực nghiệm, một số cán bộ của Viện đã được đào tạo ở nước ngoài và trong nước theo chuyên ngành này. Tiếp thu những lý thuyết ngôn ngữ học xã hội cùng với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, chuyên ngành Ngôn ngữ học Xã hội của Viện đã có những đóng góp đáng kể cho tiếng Việt như: Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vào các vấn đề nghiên cứu nói chung và mở rộng phạm vi nghiên cứu chức năng của tiếng Việt ở cả tầm vĩ mô và vi mô.
Đặc biệt, Viện cũng đã tiến hành điều tra, thu thập tư liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong công việc này, kết hợp sự kết hợp quan sát trực tiếp với sự trợ giúp của các thiết bị kỹ thuật, các phương tiện công nghệ thông tin, phần mềm chuyên dụng là hết sức quan trọng.
Chúc mừng Viện Ngôn ngữ học nhân dịp này, GS TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, Viện Ngôn ngữ học phải tiên phong trong hội nhập quốc tế. Đặc biệt, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Viện càng phải tích cực hợp tác với ngành công nghệ thông tin để có được những kết quả nghiên cứu thiết thực và phù hợp với thời đại.