Ông Phạm Văn Tình chính thức làm Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam từ tháng 4/2015 để thay cho TS. Dương Kỳ Đức xin thôi nhiệm khi đó. Tại Đại hội VI của Hội đầu năm 2016, ông chính thức được bầu vào chức danh này và đã làm được rất nhiều công việc có ý nghĩa.
Được biết, ngày 2/3/2022, GS.TS. Lê Quang Thiêm - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, vì lý do sức khỏe, đã gửi đơn tới Ban Thường vụ Hội Ngôn ngữ học Việt Nam xin từ nhiệm và đề nghị PGS.TS. Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch Hội - thay ông đảm nhận chức vụ này.
Sau đó, ngày 6/4/2022, với tư cách là Phó Chủ tịch Phụ trách Hội, ông Nguyễn Lân Trung đã triệu tập họp Ban Thường vụ, thông báo đơn từ nhiệm của GS.TS. Lê Quang Thiêm và bàn công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VII Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (dự kiến tháng 7/2022).
Theo ông Phạm Văn Tình, đó là công việc bình thường phải làm. Nhưng ông Phạm Văn Tình đề nghị Ban Thường vụ phải thực hiện trình tự Đại hội đúng theo nguyên tắc, điều lệ Hội Ngôn ngữ học và Điều lệ, quy chế của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đó là những vấn đề liên quan tới các văn kiện Đại hội (Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ, Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành khóa VI, Báo cáo của Ban Kiểm tra khóa VI, Báo cáo sửa đổi Điều lệ, Báo cáo Tài chính, Báo cáo dự kiến nhân sự…), đến việc quyết định Đại hội toàn thể hay Đại hội đại biểu (để có danh sách đại biểu chính thức).
Mọi vấn đề sau khi Ban Thường vụ họp thống nhất đều phải được thông qua cuộc họp Ban chấp hành (trong điều kiện không họp tập trung được thì tổ chức họp online hoặc gửi qua email).
Liên quan đến quyết định và ý kiến của PGS.TS. Phạm Văn Tình, PV VietTimes đã liên lạc với ông Nguyễn Lân Trung để tìm hiểu rõ hơn, tuy nhiên, ông Trung từ chối bình luận.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn – nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG Hà Nội - đã đánh giá cao chuyên môn và năng lực xã hội của ông Phạm Văn Tình và cho rằng, nếu ông Tình không tiếp tục làm Tổng Thư ký thì đó sẽ là điều rất đáng tiếc cho ngành ngôn ngữ học đang có rất nhiều việc cần phải làm.
Đáng kể nhất vẫn là ngành ngôn ngữ học phải ứng xử như thế nào trước sự vận động mạnh mẽ của xu thế công nghệ thông tin đang tác động toàn diện đến ngôn ngữ học ở Việt Nam./.