NASA đã trả cho SpaceX 2,6 tỷ USD và Boeing 4,2 tỷ USD chế tạo các tên lửa đẩy và hệ thống khoang chứa phi hành gia đưa các nhà du hành vũ trụ trở lại mặt đất từ Trạm Không gian Quốc tế ISS. Việc đưa người lên và về đã bị dừng lại quá lâu, kể từ năm 2011 khi chương trình tàu con thoi của Mỹ bị đóng cửa.
Thế nhưng ngay trước chuyến bay thử nghiệm không người lái, dự kiến diễn ra vào ngày 2/3 tới theo "Chương trình Phi hành đoàn Thương Mại’' (Commercial Crew Program) trị giá hàng tỷ USD của NASA, hội đồng tư vấn an toàn đã đưa ra bốn rủi ro quan trọng trong báo cáo thường niên vào đầu tháng này.
Đối với Boeing, những nguy hiểm tiềm tàng nằm ở cấu trúc tàu con thoi khi tấm chắn nhiệt được triển khai lúc bay vào bầu khí quyển. Với SpaceX, báo cáo đề cập đến việc thiết kế lại vỏ tên lửa SpaceX sau vụ nổ năm 2016, và quá trình tiếp nhiên liệu cho tên lửa trong khi phi hành đoàn đang ở trong khoang. Thậm chí dù an toàn của tàu cũng là vấn đề đối với cả hai công ty.
Cả SpaceX lẫn Boeing đều mắc phải lỗi về an toàn
Có những thách thức kỹ thuật thực sự đe dọa lịch ra mắt hiện tại của cả SpaceX và Boeing. Hai nhân sự trực tiếp của chương trình không gian nói với Reuters rằng mối quan tâm của NASA không chỉ gói gọn trong bốn mục được liệt kê.
Đầu tháng 2/2019, có từ 30-35 mối lo ngại về kỹ thuật đối với SpaceX và Boeing. Các nguồn thạo tin cho biết 2 công ty phải giải quyết những mối lo ngại đó trước khi đưa phi hành gia, xa hơn là khách du lịch lên vũ trụ.
Phát ngôn viên của NASA Joshua Finch không trả lời về các vấn đề kỹ thuật mà Boeing và SpaceX đang gặp phải, nhưng khẳng định an toàn bay quan trọng hơn lịch trình.
Người phát ngôn của Boeing Josh Barrett cho biết công ty không bàn luận gì thêm về rủi ro cho tới khi con tàu hoàn thành chương trình thử nghiệm cấu trúc. Boeing đang phải giải quyết một số vấn đề khác nhưng họ không thay đổi bất kỳ hệ thống kiến trúc lớn nào. “Các con số cho thấy chúng tôi làm còn tốt hơn tiêu chuẩn an toàn của NASA”, Barrett cho biết.
Người phát ngôn của SpaceX James Gleeson cho hay công ty đang hợp tác chặt chẽ với NASA để phát triển “một trong những hệ thống tàu vũ trụ an toàn nhất, tiên tiến nhất mà nhân loại từng chế tạo”.
“Đối với SpaceX, không gì ưu tiên hơn an toàn của phi hành đoàn”, Gleeson nói, “Cốt lõi mục tiêu phát triển dài hạn của công ty nhằm mãn nguyện những người có giấc mơ bay vào vũ trụ trên toàn cầu”.
Mỹ đã trả cho Nga khoảng 80 triệu USD mỗi vé cho một chuyến đi lên Trạm vũ trụ quốc tế, đến một phòng thí nghiệm nghiên cứu quỹ đạo trị giá 100 tỷ USD bay khoảng 402 km bên trên Trái đất. Thế nhưng cũng không có chỗ ngồi cho phi hành đoàn Mỹ trên tàu vũ trụ Nga sau năm 2019 do lịch trình sản xuất và các yếu tố khác.
NASA cho biết họ đang xem xét chi trả thêm hai ghế lên trạm vũ trụ trong mùa thu và xuân năm 2020 để đảm bảo sự có mặt của phi hành gia Mỹ trên trạm. Kế hoạch của NASA cho các ghế mua thêm trên tàu vũ trụ Nga được đưa ra một tuần, sau khi hội đồng an toàn của họ cho biết Quốc hội sẽ đưa ra kế hoạch dự phòng trong trường hợp trì hoãn phóng tàu nội địa.
Hệ thống dù gặp trục trặc
Ba nhân sự trong dự án cho biết Cơ quan vũ trụ Mỹ đã xác định một số khác biệt giữa các tàu không gian của SpaceX trước đó, vốn được thiết kế để chuyên chở hàng hóa lên Trạm vũ trụ quốc tế và một phiên bản mới hơn được dùng để chở người.
Chẳng hạn như trong thiết kế những chiếc dù khổng lồ được triển khai khi con tàu rơi trở lại Trái đất với tốc độ siêu thanh, điều không quá quan trọng khi SpaceX tiến hành thử nghiệm các chuyến bay không người lái.
Với chuyến bay có người thì khác. Thời gian triển khai các chiếc dù và thời gian bung dù đã làm dấy lên mối lo ngại về độ an toàn. Có khả năng chúng không thể làm chậm con tàu đủ để đảm bảo tính mạng cho phi hành đoàn.
Tính đến nay SpaceX đã hoàn thành 17 thử nghiệm bung dù khác nhau cho Chương trình Phi hành đoàn Thương mại, chưa kể thêm 10 thử nghiệm bổ sung được ưu tiên cho phi hành đoàn của tàu Crew Dragon.
Ngoài ra, SpaceX cũng cho biết hệ thống dù được thiết kế dư, nếu có 1 chiếc bị hỏng thì con tàu vẫn tiếp đất an toàn. Nhưng bộ phận an toàn của NASA báo cáo rằng SpaceX có thể sẽ bị yêu cầu tái thiết kế hệ thống dù. Việc này sẽ kéo theo một loạt các thử nghiệm an toàn khác và sẽ làm chương trình trễ vài tuần cho tới vài tháng.
NASA cũng tìm thấy vấn đề với hệ thống ổn định vị trí của tàu SpaceX. Hệ thống này giúp con tàu giữ đúng hướng lên khi đáp xuống nước. Nếu đáp sai, nước sẽ tràn vào tàu. Trong khi SpaceX cho biết vỏ ngoài tàu Crew Dragon hoàn toàn chống nước và tàu được thiết kế có thể nổi, nên phi hành đoàn sẽ không phải lo lắng.
Boeing cũng không khá hơn khi chuyến bay không người lái của họ trên tàu Starliner được tiến hành vào tháng 4 và chuyến bay thử có người lái vào tháng 8. Các mốc này đều quá trễ theo như lịch trình.