Sóng 5G có gây nguy hiểm đến sức khỏe con người?

VietTimes – Nhân loại sắp tiến vào kỷ nguyên 5G. Tốc độ truyền tín hiệu cực nhanh của 5G hứa hẹn sẽ biến đổi cách con người và các thiết bị liên lạc với nhau, giúp nhân loại tiến đến một giai đoạn mới văn minh hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang tự hỏi liệu sóng cao tần của 5G có gây nguy hại chút nào đến sức khỏe con người?
(ảnh minh họa: HowtoGeek)
(ảnh minh họa: HowtoGeek)

Hiện tại, hầu hết các nhà mạng lớn trên thế giới đang nỗ lực xây dựng mạng 5G của họ. Tại Mỹ, nhà mạng AT&T vừa ra mắt thiết bị 5G đầu tiên, đó là điểm truy cập di động Netgear Nighthawk 5G. Những mẫu smartphone hỗ trợ 5G sẽ ra mắt hàng loạt trong năm 2019. Có thể nói chúng ta đang đến rất gần với kỷ nguyên 5G.

Tuy nhiên, khi các trạm phát 5G đầu tiên đi vào hoạt động, sẽ có nhiều người thắc mắc về sự an toàn của sóng 5G. Thực tế là 5G sẽ hoạt động ở tần số cao hơn nhiều so với mạng 4G LTE hiện tại. Liệu sóng 5G có ảnh hưởng đến não?

Sóng 5G milimet là gì?

Từ trước đến nay, các nhà mạng đã sử dụng dải tần từ 600 MHz đến 2,6 GHz để chuyển tải tín hiệu. Đây là dải tần thấp. Với 5G, một dải tần cao hơn sẽ được mở cho dịch vụ này, trong đó bao gồm cả sóng milimet mà bạn có thể đã nghe ở đâu đó. Tất nhiên, một tần số thấp như 600 MHz của nhà mạng T-Mobile hoặc 2,5 GHz của Sprint cũng vẫn được sử dụng để truyền tải tín hiệu 5G, nhưng các nhà mạng sẽ ngày càng sử dụng băng tần cao hơn, như 3,5 GHz, 6 GHz và thậm chí 30 GHz và cao hơn nữa. 30 GHz liệu có quá cao? Đây chính là tần số của sóng milimet.

Thiết bị Netgear Nighthawk 5G (ảnh: Phone Arena)
 Thiết bị Netgear Nighthawk 5G (ảnh: Phone Arena)

Mặc dù chúng ta chưa biết chính xác điểm phát sóng Netgear Nighthawk 5G của AT&T hoạt động ở dải tần nào, nhưng AT&T cho biết thiết bị sẽ sử dụng sóng milimet. Vì vậy chúng ta có thể đoán được Nighthawk 5G sẽ hoạt động trong dải tần từ 30 GHz trở lên. Tại sao có thể đoán vậy? Đó là vì sóng milimet hoạt động trong phạm vi từ 30 GHz đến 300 GHz. Sóng có tần số 30 GHz có độ dài xấp xỉ 10 milimet và sóng 300 GHz có chiều dài 1milimet. Chính vì vậy mà ngay cả khi băng tần cao hơn 30 GHz được mở ra phục vụ cho việc truyền phát 5G, thì nó vẫn nằm trong phạm vi của sóng milimet.

Và bây giờ, một câu hỏi cần lời giải đáp là

Sóng milimet có an toàn không?

Bạn có thể nghe một số người nói rằng những sóng milimet này có tần số cao đến mức có thể ảnh hưởng đến não bộ. Rất may, đây chỉ là sự tưởng tượng. Cho dù 30 GHz là một tần số cao nhưng nó vẫn không đủ mạnh để gây hại cho sức khỏe của chúng ta.

Tất nhiên là có những sóng điện từ có tần số cao khi vượt qua một ngưỡng nhất định sẽ trở nên nguy hiểm đối với các sinh vật sống ở trên Trái đất. Tin tốt là ngưỡng nguy hiểm này cao hơn nhiều so với mức 30 GHz, thậm chí 300 GHz!

Sóng nào cao tần hơn sóng milimet?

(nguồn ảnh: Đại học Washington)
 (nguồn ảnh: Đại học Washington)

Chúng ta biết rằng các băng tần 5G (30 GHz) sẽ không đủ mạnh để gây hại cho sức khỏe. Vậy băng tần nào là nguy hiểm?

Như đã nói ở trên, sóng 5G có thể nằm trong dải tần từ 30 GHz đến 300 GHz, đây không phải là dải tần nguy hiểm. Trên 300 GHz chúng ta sẽ có sóng hồng ngoại. Đây là loại sóng gần như vô hình với mắt người, trải từ 300 GHz đến 385 THz. Do đó, sóng hồng ngoại có chiều dài thay đổi từ 1 milimet (chiều dài vi sóng ngắn nhất) đến 780 nanomet (1000 nanomet bằng 0,001 milimet).

Sóng hồng ngoại được sử dụng khá nhiều, nhất là trong các thiết bị y tế, và nó cũng không thuộc loại nguy hiểm. Trên thực tế, hơn một nửa năng lượng từ Mặt trời (nhiệt) được cho là đến Trái đất dưới dạng bức xạ hồng ngoại.

Các loại sóng, bước sóng và dải tần (ảnh: Phone Arena)
Các loại sóng, bước sóng và dải tần (ảnh: Phone Arena)

Các sóng thuộc dải tần cao hơn nữa, từ 430 THz đến 790 THz, với bước sóng từ 700 nanomet đến 400 nanomet được gọi là “ánh sáng khả kiến” hay ánh sáng nhìn thấy được. Loại ánh sáng này cũng không gây hại đến sinh vật trên Trái đất.

Vậy sóng nào là nguy hiểm?

Dài tần vượt qua “ánh sáng khả kiến” chính là những thứ gây nguy hiểm cho sức khỏe

Đầu tiên phải kể đến tia cực tím, hay còn gọi là tia tử ngoại - bước sóng từ 400nm đến 10 nanomet và tần số từ 790 THz đến 30 Petaherz! (1 PHz = 1.000.000 GHz). Ở dài tần thấp của tia cực tím, nó cũng không có hại, nhưng ở đâu đó trong phạm vi dải tần của nó có chỗ chuyển đổi từ bức xạ không ion hóa sang bức xạ ion hóa. Đây chính là thứ nguy hại.

Bức xạ ion hóa có nghĩa là các hạt bức xạ có rất nhiều năng lượng, chúng thực sự có thể phá vỡ các electron khỏi các phân tử hoặc nguyên tử, khiến chúng thu được điện tích dương hoặc âm. Rõ ràng, chúng ta không hề muốn cơ thể bị ion hóa. Vì vậy, ở một điểm nào đó trong quang phổ tia cực tím là nơi cực kỳ nguy hại.

Dải tần cao hơn tia cực tím chúng ta sẽ có tia X (10 nanomet đến 0,1 nanomet/ 30 Petaherz đến 30 Exaherz). Mọi tần số lớn hơn dải tần của tia cực tím đều bị ion hóa, và do đó, điều này cũng áp dụng cho tia X. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, nếu chiếu một lượng nhỏ với thời gian ngắn thì cũng không gây ảnh hưởng đến cơ thể. Chúng ta thấy tia X được ứng dụng trong lĩnh vực y tế khi chụp X-quang.

Cuối cùng, chúng ta có các tia gamma (bước sóng nhỏ hơn 0,1 nanomet và tần số hơn 30 EHz). Tia này có tác hại lớn lớn nếu tiếp xúc trực tiếp với con người.

Tổng kết

Lợi ích của 5G (ảnh: Phone Arena)
 Lợi ích của 5G (ảnh: Phone Arena)

Tóm lại, các loại sóng được phân loại thành “không ion hóa” và “ion hóa”. Các loại sóng không ion hóa như radio, vi sóng, hồng ngoại và ánh sáng khả kiến được coi là an toàn, trong khi các loại song ion hóa như tia cực tím, tia X và tia gamma có khả năng gây nguy hiểm.

Mặc dù 5G dự kiến sẽ sử dụng dải tần số cao hơn so với các công nghệ di động từ trước đến nay, nhưng nó vẫn nằm trong phạm vi an toàn của dải tần sóng milimet. Sóng milimet nghe có vẻ đáng sợ đối với một số người, nhưng hiện tại không có lý do gì để tin rằng bản thân mạng 5G sẽ nguy hiểm.

Chúng ta hãy yên tâm tận hưởng đầy đủ cuộc sống kết nối hiện đại mà 5G sẽ mang lại.

Theo Phone Arena