Trịnh Xuân Thuỷ - người khát khao làm bộ sách “Bản đồ cây thuốc Việt Nam”

E-magazine Trịnh Xuân Thuỷ - người khát khao làm bộ sách “Bản đồ cây thuốc Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần 10 năm qua, doanh nhân, thầy thuốc Trịnh Xuân Thủy đã đi khắp các hang cùng, ngõ hẻm của núi rừng Việt Nam để đi tìm các giống cây thuốc quý với tham vọng làm bộ sách “Bản đồ cây thuốc Việt Nam”.

Gần 10 năm ghi chép, phân tích, đánh dấu, doanh nhân, thầy thuốc Trịnh Xuân Thuỷ hy vọng xây dựng một bộ sách đồ sộ mang tên “Bản đồ cây thuốc Việt Nam” - công trình lao động phi thường của một nông dân sinh ra và lớn lên ở Thanh Hoá, lập nghiệp tại TP.HCM và thành danh trên đất Lào Cai.

“Mong muốn lớn nhất của đời tôi là để lại cho đời một bộ sách “Bản đồ cây thuốc Việt Nam”. Tôi đã dành ra gần 10 năm qua để đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, từ Bắc vào Nam, nơi ít thì vài tuần, nơi nhiều vài tháng, có nơi đi lại cả chục lần, lặn lội trong rừng sâu, xem từng gốc cây, ngọn cỏ. Rồi đánh dấu, ghi chép, xem xét, phân tích, chụp hình để gom góp tư liệu cho bộ sách” - mở đầu câu chuyện về khao khát của đời mình, doanh nhân Trịnh Xuân Thuỷ, Giám đốc Công cổ phần Đầu tư và Phát triển Tài nguyên Xanh (Lào Cai), bắt đầu như thế.

cây thuốc 2.png

Trời Hà Nội sau một đợt nắng nóng, bỗng giở chứng mưa. Nâng ly cà phê nhâm nhi, anh Thủy nhìn ra ngoài trời, như đang nghĩ điều gì đó rồi bất chợt anh nói nhỏ: “Tôi nhớ rừng. Chỉ có ở trong rừng sâu, vuốt từng cây thuốc quý tôi mới thấy tự do và thật thanh thản”.

Rít một hơi thuốc, anh lơ đãng, như không để ý đến có tôi ngồi đối diện: “Rừng Việt Nam rất nhiều cây thuốc quý. Có những loại cây mà thế giới không đâu có. Nói chính xác hơn là chưa tìm đâu ra. Vấn đề là làm sao khai thác nó hiệu quả và có một chiến lược phát triển và bảo vệ lâu dài”.

Hôm ấy, Trịnh Xuân Thuỷ đã kể cho tôi nghe từ ý tưởng, kế hoạch, rồi tham vọng xây dựng bộ bản đồ cây thuốc Việt Nam ra sao. Gần 10 năm qua, anh đã hoàn thành chừng 50-60% khối lượng công việc đồ sộ đó. Và, còn cần khoảng chừng ấy thời gian nữa để hoàn thành nó.

001.jpg
Trịnh Xuân Thủy trong một chuyến đi tìm cây dược liệu

"Bộ sách mà tôi đang xây dựng gồm 3 bộ đi cùng nhau. Một bộ là Bản đồ cây thuốc, chủ yếu là thông tin về sự phân bố các loại dược liệu, chất lượng dược liệu mỗi vùng trên cả nước. Bộ thứ hai là mô tả các loại cây thuốc ở rừng Việt Nam (tương tự như cấu trúc cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi), được chú giải kỹ lưỡng hơn, kèm theo một số cách sử dụng các bài thuốc thông thường mà ai cũng có thể tự chế biến và chữa bệnh được. Bộ thứ ba là các bài thuốc, phân tích cấu trúc từng bài, nguyên tắc gia giảm và cách phối theo y học cổ truyền. Trong bộ này có một phụ bản chú giải các tên thuốc, bài thuốc, vị thuốc mà các tài liệu hoặc dân gian đang có sự nhầm lẫn”, anh Thuỷ kể.

“Khối lượng thông tin khá lớn nên còn khá mệt mà mất nhiều thời gian để cập nhật, hiệu chỉnh anh ạ”, anh nói rồi cho tôi xem mấy trang trong bộ sách.

Cách bố cục cuốn sách là khá khoa học; phân chia chương hồi khá rõ. Tách bạch từng khu vực: tỉnh, huyện, xã, địa phương để người nghiên cứu, tìm kiếm, bảo vệ và chăm sóc, khai thác khá dễ dàng. Bộ sách có bản đồ định vị, bản đồ đường giao thông đi lại; tên cây thuốc, mô tả rất tỷ mỉ; công dụng của cây thuốc, các bài thuốc có thể chế biến từ cây này; các bài thuốc công dụng chữa các bệnh thông thường. Đặc biệt cuốn sách còn mô tả thổ nhưỡng ở khu vực này đã bị biến đổi (do khai thác quặng, làm thuỷ điện, các khu công nghiệp, điện mặt trời…) ra sao, ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng các cây thuốc và phải kiểm nghiệm chặt chẽ trước khi dùng.

Nhìn người đàn ông đã ở cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” (biết phán đoán mọi sự) dáng mảnh mai, khổ hạnh, nhưng rắn chắc, mắt sâu sáng, không hiểu sao bất chợt tôi hình dung ra anh đang lủi thủi lần mò từng gốc cây, bụi lá, soi rọi chiếc đèn pin đeo trước trán, bứt từng cây lá, vò nát và đưa lên mũi ngửi.

Biết bao nhiêu lần trong gần 10 năm qua, anh reo lên: “A, đây rồi!” như thế!

cây thuốc 2.png

Không hiểu sao, sau khi gặp người đàn ông khổ hạnh, nhưng đầy đam mê cây thuốc ấy, tôi cứ nghĩ vẩn vơ: tại sao lại có người bỏ tiền bạc, công sức, thời gian để đi tìm tòi, rồi lao tâm khổ tứ làm ra một thứ để lại cho đời mà chả tính đến lợi lộc gì cho mình một cách “điên khùng” như vậy nhỉ?

Nhưng rồi lại nghĩ nếu cuộc đời này không có những kẻ “điên khùng” như thế thì lấy ai “cứu nhân độ thế”! “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai” (Trần Long Ẩn).

002.jpg
Luồn rừng, lội suối tìm giống thuốc quý

Được hỏi về cơ duyên đến với cây thuốc, anh trầm ngâm một lúc, rồi cười mỉm: “Có lẽ là số phận”.

Năm 12 tuổi, một “sự cố” đã làm thay đổi cuộc đời Trịnh Xuân Thuỷ. Hôm ấy, sau khi tan học, trên đường về nhà, Thuỷ ghé chợ Kim Tân định mua một chiếc bánh đa ăn cho đỡ đói. Vào đến đầu chợ thì thấy mấy tay trung niên chửi bới một cụ già rất tục tĩu. Một gã còn thô bạo đá tung cái mẹt thuốc nam của cụ. Cụ già đã ngoài 80 râu tóc bạc phơ ngồi thản nhiên không tỏ ra tức giận, cũng không đôi co một lời nào. Đám đông tụm năm tụm ba đứng xung quanh nhìn, không ai dám can ngăn.

Thấy mấy tay đàn ông lực lưỡng hành hung một cụ già, Thủy quát lớn, rồi rút chiếc đòn gánh đập mấy gã côn đồ. Tiếng hô hoán om sòm cả góc chợ nên bảo vệ chợ, công an huyện ở gần đó ào ra.

Ba tay côn đồ, ông cụ và đương nhiên cả Thủy, mấy bà hàng xén (với vai trò nhân chứng) được đưa về đồn công an. Sau gần 2 tiếng đồng hồ làm việc, lấy lời khai, lập biên bản, Thủy là trẻ con nên “được tha”. Cụ già là người bị hại được xin lỗi. Ba tay du côn bị tạm giữ để tiếp tục làm việc.

Sau khi hỏi lý do dám xông vào giải vây, ông cụ rút trong gánh hàng, đưa cho Thủy 2 tấm mía: “Một tấm cho con, tấm kia về biếu mẹ con nhé”.

Bẵng đi mấy tháng sau, một buổi chiều Thuỷ đem lọ thuốc ký ninh lên bệnh viện huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) cho một bác sĩ quen. Ký ninh dạo ấy hiếm lắm. Lọ đó do người bà con đi nước ngoài về biếu mẹ Thuỷ.

“Xong việc, tôi chợt nhớ tới lời mời của ông cụ dạo trước. Theo chỉ dẫn thì nhà cụ ở mạn này. Tôi lần theo chỉ dẫn trước đây của ông cụ, vượt qua 2-3 cánh đồng, trèo đồi, lội suối. Đến lưng chừng đồi, toát hết cả mồ hôi, mệt bở hơi tai. Nhìn lại thì trời đã nhá nhem tối. Tôi hoảng sợ. Định bụng sẽ hạ sơn, quay về, bỗng vang lên một giọng nói như đâu đó trên trời cao: Định quay về à?”.

Thần hồn nát thần tính, Thủy ngước lên thì thấy ông cụ chống gậy, đứng trên mỏm đá cao. Ông dựng một ngôi nhà gỗ nhỏ trong một hẻm núi đá. Căn nhà khá gọn gàng, tươm tất. Có bàn ghế đá, bộ ấm trà màu nâu đất, có bàn thờ Phật, có bếp nấu ăn.

02.jpg
Vườn ươm cây thuốc

Tối hôm ấy ông cụ đã kể cho Thủy nghe rất nhiều về cuộc đời. Thì ra cụ là một Phật tử tu hành từ nhỏ. Vì quê Thủy khi ấy có phong trào chống mê tín dị đoan nên ông cụ lên núi tu hành. Ông học võ nhưng không đánh lại đám du côn vì học võ là để rèn luyện sức khoẻ, tu thân, rèn đức, không phải đem ra thì thố, đánh người.

"Đó là bài học đầu tiên cụ dạy cho Thủy cách làm người. Sáng hôm sau, tôi quay về nhà đi học. Cũng kể từ đó, cứ chiều lại, học xong, tôi xin phép mẹ lên núi học võ. Sau 5-6 năm rèn luyện, tôi cũng là “võ sĩ có hạng” đấy nhé” - Trịnh Xuân Thuỷ cười.

Sau một thời gian dài vừa luyện võ, cụ vừa dạy Thủy cách đối nhân xử thế, vừa cho theo vào rừng tìm hái cây thuốc. Cụ dạy Thủy cách chặt cây, cắt lá đem phơi. Có lần cụ quan sát tôi Thủy chặt cây, cụ tỏ ra không hài lòng, chỉ vào mấy nhát chặt nham nhở, vỏ cây còn dính thân và bảo: “cái cây cũng như một sinh mệnh, đã lấy nó đem về, đành rằng là để cứu người, nhưng phải chặt cho lẹm, đừng hành hạ nó bằng cách chặt đi chặt lại”.

Giờ lớn lên, nhiều năm theo nghề thuốc anh Thủy mới thấm thía lời ông cụ dạy. “Muốn làm “ông nọ, bà kia”, kể cả làm thầy thuốc, thì trước hết phải học làm người theo đúng nghĩa của từ này cái đã.

“Tôi coi ông như sư phụ của mình. Mãi sau này mới biết pháp danh của Thầy là Tuệ Sĩ (Thích Tuệ Sĩ). Chính Thầy là người truyền cho tôi cái nghề thuốc nam và tình yêu đối với cây thuốc Việt Nam. Để trả ơn Thầy tôi, tôi đã hứa với vong linh Thầy là bằng mọi giá hoàn thành một cách tốt nhất bộ sách Bản đồ cây thuốc Việt Nam", doanh nhân Trịnh Xuân Thủy chia sẻ.

04.jpg
Bên cây tùng sao trăm tuổi
cây thuốc 2.png

Học xong cấp 3 (hệ 10 năm) Trịnh Xuân Thủy chuẩn bị thi đại học. Khi Học viện Kỹ thuật Quân sự cử cán bộ về trường tuyển chọn những học sinh giỏi, có lý lịch tốt để dự thi, Thủy được chọn. Nhưng rồi một biến cố đã xảy ra. Trong lúc đập lúa giúp mẹ, một hạt lúa đã làm mắt anh phải bị tổn thương rất nặng và kéo cả sang mắt trái. Gần như bị mù, gia đình phải chạy chữa khắp nơi.

Thương em, các anh chị đã đưa Thủy vào TP.HCM chữa bệnh. Vết thương tuy lành, nhưng Thủy vẫn không nhìn thấy rõ mặt người.

“Trong lúc tuyệt vọng nhất thì ân nhân của tôi xuất hiện. Số là Thầy thuốc Lại Xuân Inh lúc bấy giờ làm ở Hội đông y Hà Nam, cùng lứa với GS Nguyễn Tài Thu. Thầy người cùng làng tôi. Nghe mẹ tôi than thở, thầy bảo: “Gọi nó ra ngay tôi chữa cho”. Sau một thời gian đắp thuốc, nhỏ thuốc, uống thuốc của Thầy, mắt tôi dần bình phục và sáng trở lại” - anh Thủy kể.

“Trong đời tôi có hai người thầy, hai ân nhân. Một người dạy tôi làm người, cho tôi lòng yêu cây thuốc, người kia cho tôi lại đôi mắt” - anh Thủy nói, giọng nghèn nghẹn.

Thầy Inh không chỉ chữa lành đôi mắt cho Thủy mà còn truyền nghề châm cứu cho anh. “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn rất hối hận là, tuy đã học được của thầy môn cứu (xoa bóp, bấm huyệt, di huyệt) chứ chưa học thành thạo môn châm”- Trịnh Xuân Thủy nói.

05.jpg
Đi tìm cây thuốc
White and Orange Bold Geometric Career Expo Banner.png

Vì sao Trịnh Xuân Thủy rất giỏi về cây thuốc, bài thuốc để cứu người, hoặc châm cứu cũng không tồi nhưng không trở thành thầy thuốc? Nghe câu hỏi này, anh cười: “Thầy tôi từng dạy hai điều. Một là, học võ là để rèn luyện sức khỏe và rèn đức cho mình. Hai là, nghề thuốc là để cứu người chứ không phải để làm giàu”.

Rồi anh bảo, tuy tôi không tham gia hay không thành lập nhà thuốc để hành nghề, nhưng vẫn tham gia khám chữa bệnh. Dịch sởi năm 1994 bùng phát nặng nhất ở Hà Nội. Bệnh viện nhi và khoa nhi ở các bệnh viện không còn có chỗ cho các cháu nhỏ. Anh Thủy đã cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu, bào chế thuốc nam đưa đến Hà Nội. Họ tụ tập các tình nguyện viên, khám, chữa bệnh miễn phí cho 500 trẻ em trong vòng cả tháng trời.

“Trong thời gian và hành trình đi tìm cây thuốc để làm Bản đồ cây thuốc Việt Nam, gặp ai bị bệnh, nếu có điều kiện tôi đều cứu chữa. Tuy nhiên cái quan trọng nhất là đi đến đâu tôi cũng cố gắng hướng dẫn cho người dân tìm, trồng các loại cây thuốc và dùng các loại cây này để bồi bổ sức khỏe, phòng các bệnh quan trọng ví dụ như về tim, mạch, tụy, thận, gan, phổi…” - Thủy kể.

03.jpg
Doanh nhân Trịnh Xuân Thủy ở vườm ươm cây thuốc

“Thế anh lấy cái gì để ăn, để có tiền cho các chuyến đi cả chục năm trời tìm kiếm cây thuốc?” - có lần tôi hỏi anh. Thủy cười, hỏi ngược lại tôi: “Chắc anh sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng tôi là Giám đốc một Công ty cổ phần về tư vấn đầu tư nhỉ?”. Rồi anh kể cho tôi nghe về nghề tư vấn đầu tư của anh cũng hết sức ly kỳ chả khác gì nghề thuốc cả. Thì ra, ngoài việc tốt nghiệp khoa y học cổ truyền Trường Đại học y dược ra anh còn tốt nghiệp Trường Đại học quản trị kinh doanh, chuyên ngành tư vấn đầu tư. Ai đó muốn đầu tư xây dựng một hệ thống làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ bằng dược liệu (cây thuốc Việt Nam) thì Thủy cam kết sẽ tư vấn cặn kẽ.

Hôm ấy anh Thuỷ đã kể cho tôi nghe vì sao anh là người Thanh Hoá, lập nghiệp tại TP.HCM, nhưng lại thành lập, làm giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tài nguyên xanh tại Lào Cai. Đồng thời, anh đang là chủ nhiệm 2 đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn một số loại dược liệu quý hiếm Ba kích, Thông đất và chế biến một số sản phẩm từ Ba kích tại Lào Cai” và “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển một số cây dược liệu quý Thạch độc hiếm- Dendrobium officinale Kimura et Migo và Lan Kim tuyến - Anoectochilus roxburghii (Wall. Lindl) tại Lào Cai”.

Trong khi đề tài liên quan đến cây ba kích, thông đất đã được tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận thì đề tài thứ 2 nằm trong khuôn khổ Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2015-2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Rồi Trịnh Xuân Thuỷ bảo "phía trước còn rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng anh cứ tin đi. Tôi sẽ thành công."