Người “giải cứu” những đôi mắt đục thủy tinh thể

E-magazine Người “giải cứu” những đôi mắt đục thủy tinh thể

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Nếu sản xuất các thiết bị y tế khác thì quá bình thường. Phải là công nghệ cao thì mới khác biệt", bà Cao Thị Vân Điểm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học (MEDEP), nói.

Là một trong những người trình bày cuối cùng tại hội thảo khoa học về công nghệ ngành y tế nhưng báo cáo của bà Cao Thị Vân Điểm, nguyên Phó viện trưởng, phụ trách Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế); Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học (MEDEP), vẫn thu hút đông đảo người nghe bởi những vấn đề đặt ra của nghiên cứu cũng như danh tiếng của báo cáo viên.

Chững chạc, quyết đoán, đầy bản lĩnh, bà Điểm không những thực hiện thành công đề tài về sản xuất thủy tinh thể nhân tạo thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC.10 (giai đoạn 2016-2020), mà còn xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất thủy tinh thể đầu tiên của Việt Nam, với công suất 250.000 sản phẩm/năm, góp phần thực hiện mục tiêu xóa mù do đục thủy tinh thể năm 2020 của Chương trình phòng, chống mù lòa quốc gia.

Tại cuộc trò chuyện sau hội thảo hôm ấy, bà đã kể về những “lao tâm, khổ tứ” và tâm huyết đúc kết qua nhiều năm để làm ra những sản phẩm thủy tinh thể của người Việt, mang lại ánh sáng cho bệnh nhân.

tit bai 2 sua.jpg

- Ý tưởng xây dựng Công ty Cổ phần Nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học được bắt đầu như thế nào, thưa bà?

Bà Cao Thị Vân Điểm: Ngay từ ngày còn làm ở Viện Trang thiết bị và công trình y tế (TTB-CTYT) tôi và các đồng nghiệp đã có một dự án cấp nhà nước về chỉ khâu phẫu thuật và đã sản xuất được chỉ phẫu thuật từ ruột động vật (dê, lợn, bò) cung cấp cho nhiều bệnh viện phía Bắc. Đó là thời kỳ Việt Nam mới bị cắt viện trợ của nước ngoài, nhưng sau đó viện trợ được cấp trở lại, chỉ ngoại được nhập khẩu vào nhiều và cơ sở sản xuất của Viện TTB-CTYT không đáp ứng điều kiện nên đã dừng sản xuất từ năm 2007.

Vào những năm 1994-1995, phía Úc (Tổ chức Fred Hollows) đã dự kiến viện trợ cho Việt Nam một nhà máy sản xuất thủy tinh thể cứng. Viện TTB-CTYT của chúng tôi cũng là đơn vị tiếp nhận viện trợ và chuyển giao công nghệ này. Rất tiếc là vì nhiều lý do khác nhau nhà máy đã không thể triển khai và dừng vào năm 1997, mặc dù đã được cấp đất để xây dựng nhà máy.

Trước khi tôi nghỉ hưu, chị Nguyễn Thị Kim Tiến còn đang là Thứ trưởng Bộ Y tế gọi tôi lên và đề nghị nghiên cứu, tìm ra một sản phẩm nào đó mà trong nước có thể sản xuất được để tìm nguồn chuyển giao công nghệ. Tôi vẫn không từ bỏ giấc mơ nghiên cứu, sản xuất thủy tinh thể trong nước nên đã đề xuất ý tưởng này.

Picture3.jpg
Sản phẩm thủy tinh thể của MEDEP.

Năm 2010, tôi về hưu. Đến năm 2013-2014 Nhà nước có chính sách ưu đãi phát triển, sản xuất thiết bị y tế, với đam mê nghiên cứu và đồng thời được nhiều người ủng hộ, tôi đứng ra thành lập nhà máy với sự hỗ trợ của Nhà nước. Lúc ấy Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài, chúng tôi được cấp kinh phí nghiên cứu, được tài trợ đi nước ngoài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. TP.HCM cho thuê đất trong khu Công nghệ cao và phê duyệt chương trình kích cầu, vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay để xây dựng và mua sắm thiết bị cho nhà máy.

Tuy nhiên sau khi xây dựng xong nhà máy, hoàn thành việc thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế cho phép lưu hành sản phẩm thủy tinh thể tại Việt Nam, chúng tôi bắt đầu sản xuất những lô hàng đầu tiên thì đúng vào lúc dịch COVID-19 xảy ra. Lúc này TP.HCM bị phong toả, nhà máy dừng sản xuất, hàng hóa không thể tiêu thụ được do y tế tập trung vào việc chống dịch, những bệnh không mang tính cấp bách đều ngưng lại. Đồng thời, việc đưa sản phẩm mới ra thị trường cũng không phải là vấn đề đơn giản, phải tham gia đấu thầu cạnh tranh với hàng ngoại nhập (trước khi có hàng Việt nam sản xuất thì thủy tinh thể nhập khẩu 100%). Thật là khó khăn chồng khó khăn.

- Nhiều người sẽ muốn biết bên trong nhà máy sản xuất thủy tinh thể Made in Viet Nam có gì đặc biệt?

Bà Cao Thị Vân Điểm: Trước nhu cầu về thủy tinh thể ngày càng cao, MEDEP đã mạnh dạn đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất thủy tinh thể nhân tạo phục vụ điều trị bệnh đục thủy tinh thể”. Mục tiêu của đề tài là làm chủ được quy trình công nghệ và chế tạo được các chủng loại thủy tinh thể nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Từ đó giảm bớt phần nào việc nhập khẩu thủy tinh thể nhân tạo từ nước ngoài và tạo thế chủ động trong công tác cung ứng vật tư y tế.

Để đạt được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát các công nghệ sản xuất thủy tinh thể nhân tạo trên thế giới nhằm lựa chọn thiết bị, nguyên liệu, công nghệ phù hợp với việc thiết kế, tạo ra sản phẩm có chất lượng tương đương quốc tế, có giá thành phù hợp, phục vụ tốt cho nhu cầu trong nước. Qua 2 năm nghiên cứu, đề tài đã hoàn thành các nội dung đặt ra và đạt được các kết quả rất đáng ghi nhận.

Đó là thiết lập được dây chuyền sản xuất thủy tinh thể với công nghệ hiện đại, tiên tiến; quản lý chất lượng toàn diện theo hệ thống ISO EN 13485:2016. Cùng với đó, đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn cơ sở cho quá trình sản xuất thủy tinh thể nhân tạo tương đương Tiêu chuẩn quốc tế ISO 11979.

Tài tợ TTT cho QY viện 175.jpg
MEDEP tài trợ thủy tinh thể cho Quân y viện 175

Từ những thành công của đề tài, tự tin với khả năng về công nghệ và làm chủ dây chuyền sản xuất thủy tinh thể đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngày 8/12/2018, MEDEP đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thủy tinh thể nhân tạo đầu tiên của Việt Nam, đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Khi đó chúng tôi đặt ra kế hoạch, năm 2025, nhà máy sẽ đạt 100% công suất thiết kế (250.000 sản phẩm/năm).

Nhà máy có các dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động và bán tự động, bao gồm các thiết bị như: máy gia công phay, tiện, thiết bị đo, thiết bị kiểm tra kỹ thuật tự động có độ chính xác cao của Mỹ, Thụy Sỹ, CHLB Đức, Italia; hệ thống vận hành tự động đảm bảo an toàn tuyệt đối và tuân thủ các điều kiện môi trường khắt khe.

- Nhưng tôi được biết nhà máy không chỉ sản xuất thủy tinh thể.

Bà Cao Thị Vân Điểm: Đúng vậy, MEDEP không chỉ làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất thủy tinh thể nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế mà còn làm chủ được đồng bộ các qui trình công nghệ sản xuất chỉ khâu phẫu thuật kháng khuẩn Nano bạc từ khâu chế tạo chất kháng khuẩn nano đến các khâu phủ chất kháng khuẩn nano lên sợi chỉ khâu, dập kim vào chỉ đóng gói và tiệt trùng sản phẩm (dự án được Quỹ FIRST tài trợ).

Việc tự nghiên cứu và sản xuất chất kháng khuẩn Nano bạc với chi phí chưa bằng 1/10 so với nhập khẩu giúp làm giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

- Với bà, đâu là những khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng nhà máy và sản xuất thủy tinh thể?

Bà Cao Thị Vân Điểm: Khó khăn thì vô cùng nhiều. Khó khăn nhất là đầu ra, sản phẩm của nhà máy chúng tôi sản xuất ra là chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chạy đua để đấu thầu với hàng nhập ngoại là một cuộc đua hầu như không cân sức bởi nhiều lý do khác nhau. Từ năm 2019, khi sản phẩm của chúng tôi được lưu hành cho đến cuối năm 2023, đầu năm 2024, chúng tôi mới đưa được vào các bệnh viện (trong đó có Viện Mắt Trung ương).

ba diem 12.jpg

Công nghệ của mình thì hiện đại, nhà máy được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là thuộc TOP 10 của thế giới, nhưng nếu hàng sản xuất ra mà không tiêu thụ được thì hết sức gay go. Cũng nói thêm là giai đoạn đầu mới sản xuất ra thì chủ yếu là mang cho, tặng từ thiện để các bệnh viện dùng, thấy chất lượng đáp ứng yêu cầu mới đồng ý để tham gia đấu thầu.

Bây giờ thì khác rồi, nhất là sau đại dịch COVID-19, rồi sau đại án Việt Á, các bệnh viện có xu hướng ủng hộ dùng hàng Việt Nam. Trước đây chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các bệnh viện, cơ sở y tế để chào hàng nhưng nay các bệnh viện cũng đã yêu cầu báo giá và mở rộng cửa đón hàng trong nước nếu đáp ứng tiêu chí kỹ thuật.

Cái chúng tôi cần nhất hiện nay là nguồn vốn để mở rộng sản xuất và đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm thủy tinh thể. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi chuyên môn cao cũng là một vấn đề cấp bách cần giải quyết.

- Làm trong lĩnh vực vực thiết bị y tế lâu năm, bà có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hẳn những người ngoại đạo tham gia vào lĩnh vực này chứ?

Bà Cao Thị Vân Điểm: Chắc chắn rồi. Tôi nhiều năm làm trong ngành này, có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao, cũng tham gia các hội đồng khoa học, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn của chuyên ngành TBYT. Nhiều người ở các cơ sở, các đơn vị của Bộ Y tế biết về trình độ chuyên môn của tôi, biết tôi là người cẩn trọng, nghiêm túc trong nghiên cứu. Vì vậy, các đề tài nghiên cứu hay các dự án (nếu có) do tôi chủ trì đều được ủng hộ.

- Để kiếm tiền, vì sao bà không tìm một con đường đơn giản, nhẹ nhàng hơn như nhập khẩu các thiết bị y tế về bán. Còn nếu muốn sản xuất thì sao không tập trung vào các thiết bị y tế dễ làm mà lại đi chọn sản phẩm thủy tinh thể đòi hỏi công nghệ cao mà vốn lại lớn?

Bà Cao Thị Vân Điểm: Nếu sản xuất các thiết bị y tế khác thì quá bình thường rồi, phải là công nghệ cao thì mới khác biệt và được Nhà nước ưu đãi. Vì sản phẩm nằm trong danh mục ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ, ưu đãi của TP.HCM.

Hơn nữa như tôi đã nói, việc sản xuất thủy tinh thể chúng tôi đã ấp ủ từ lâu. Ngay từ những năm 90 khi phía Úc Viện trợ công thì Việt nam cũng xây dựng Nhà máy rồi, nhưng thực tế những năm đó công nghệ chỉ sản xuất loại PMMA (thủy tinh thể cứng), nay công nghệ mới tiên tiến và sản xuất ra loại mềm, cao cấp. Tôi nhiều năm nghiên cứu về các sản phẩm cấy ghép và mơ ước của tôi là xây dựng nhà máy sản xuất thủy tinh thể. Vì vậy, khi có điều kiện, tôi thực hiện ước mơ của mình.

Picture2.jpg
tit bai 3 sua.jpg

- Bà có thể kể về gia đình - tổ ấm của mình không?

Bà Cao Thị Vân Điểm: Chồng tôi là con trai một, phố cổ Hà Nội. Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bố tôi là Cao Quang Tín, từng làm Trưởng Ban Tin trong nước của TTXVN.

Tôi và chồng tôi học cùng ngành vật liệu Polime tại Khoa Hoá, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng khi ra trường thì mỗi người làm một lĩnh vực khác nhau. Anh ấy làm ở Nhà máy Hồng Hà (thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ, sau này là Bộ Công thương). Còn tôi thì làm ở Bộ Văn hóa - Thông tin, xưởng chế thử phim ảnh (nghiên cứu chế thử phim chụp ảnh, phim chụp X-quang..).

Năm 1979, tôi chuyển về Cục Vật tư và Xây dựng cơ bản Bộ Y tế nay là Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế. Năm 1997 tôi là Phó viện trưởng và 2007 thì phụ trách Viện TTB-CTYT, đến năm 2010 thì nghỉ hưu. Vốn tôi thích công tác nghiên cứu, đam mê công việc vì nó có thành quả cụ thể nên càng khuyến khích mình hơn.

Ông xã thì chuyển từ Bộ Công nghiệp nhẹ về Bộ Văn hóa - Thông tin làm ở Công ty Vật tư thiết bị Điện ảnh - Truyền hình.

ba diem 13.jpg

- Học cùng ngành, vợ chồng bà có giúp gì cho nhau trong công việc hay không?

Bà Cao Thị Vân Điểm: Khi còn đi học thì anh ấy học giỏi hơn mình. Ra trường mỗi người làm một lĩnh vực nên không trực tiếp giúp nhau được gì nhiều. Tuy nhiên anh ấy luôn ủng hộ mình hết lòng. Đi đâu có chồng chở đi, xe máy, chồng cũng lo đổ xăng. Mình làm công tác nghiên cứu nên hay tìm tòi một mình, thức khuya. Khi xong việc, lên giường nằm ngủ ngay, nhiều khi quên cả tắt đèn. Chồng lại vào tắt đèn giúp, cứ thế thành thói quen chẳng bao giờ nhớ tắt đèn.

Khi còn làm việc, mình hay đi công tác xa, thậm chí ra nước ngoài. Công việc ở nhà, đưa các con đi học một tay anh ấy lo cả. Về hưu anh ấy cùng tham gia quản lý nhà máy và đặc biệt là công việc liên quan đến thiết bị và cơ sở hạ tầng của nhà máy.

- Vợ chồng bà đều là người Hà Nội, cả đời làm việc tại Thủ đô. Tại sao khi về hưu lại vào Nam lập nghiệp?

Bà Cao Thị Vân Điểm: Khi chúng tôi nghỉ hưu thì bắt tay vào xây dựng Nhà máy sản xuất thủy tinh thể. Các chính sách về thuê đất, vay vốn và các điều kiện khác thì ở TP.HCM thuận lợi hơn các địa phương khác. Hơn nữa, khí hậu phía Nam thuận tiện hơn cho việc sản xuất thủy tinh thể. Mùa nồm, miền Bắc không đáp ứng được việc sản xuất trong phòng sạch khô, còn mùa hè mà chạy điện để duy trì các điều kiện riêng thì quá tốn kém.

Anh cuoi bai 1.jpg