GS.TS Nguyễn Ngọc Trân: Nhà khoa học tài năng và đức độ

E-magazine GS.TS Nguyễn Ngọc Trân: Nhà khoa học tài năng và đức độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(VietTimes) – Hoạt động nghị trường từng có những đại biểu Quốc hội nổi tiếng với những phát biểu, chất vấn làm cho không ít “Tư lệnh ngành” phải “toát mồ hôi hột”. GS.TS Nguyễn Ngọc Trân là một đại biểu trong số đó.

Bản sao của Beige Illustrated History Presentation (3).png

Tôi coi ông là Thầy, mặc dù chưa bao giờ được là học trò của ông. Trong cuộc đời làm báo của mình, thi thoảng ông có gửi cho tôi bài viết để đăng báo. Bài viết của ông bao giờ cũng là những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng, được ông chăm chút, gọt dũa từng câu chữ và đầy tâm huyết. Cắt gọt đi vài dòng, thậm chí vài ba chữ cũng rất khó. Bởi mỗi từ, mỗi câu đều được ông cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Ông “khó tính” đến mức cắt của ông vài ý là phải giải thích cặn kẽ với ông. Muốn thay đổi một vài ý, thậm chí vài câu là phải thuyết phục ông bằng luận cứ khoa học, chứ không phải bằng vật chất hoặc quyền uy.

Tôi từng chứng kiến, có lần ông viết loạt bài mang tính phản biện về một dự án lấn biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long của một tập đoàn kinh tế lớn trên tờ báo mà tôi đang làm việc. Một cán bộ của tập đoàn kinh tế này đã gặp và nhờ tôi xử lý, tôi bảo cần gặp tác giả bài viết. Họ nói với tôi rằng đã đến tận nhà thuyết phục thế nào ông cũng không nghe. Tôi gọi thưa chuyện với ông, ông cười: “Bảo Thầy thay đổi quan điểm thì phải có bằng chứng, dữ liệu khoa học chứng minh chứ”.

Ông là một nhà khoa học đáng kính trọng và ngưỡng mộ. Có lần ông tâm sự với tôi: “Theo gia phả, tôi thuộc một dòng tộc có truyền thống yêu nước. Mỗi người có một triết lý cho cuộc sống của mình. Đối với hai vợ chồng tôi đó là sống như thế nào để trước khi từ giã cõi đời, một mình đối diện với lương tâm, trả lời cho suông hai câu hỏi: Đối với gia đình, ông bà, cha mẹ, con cháu, mình đã làm tròn trách nhiệm chưa? Đối với quê hương, đất nước mình đã đóng góp được gì? Tất cả các cái khác đều là phù du”.

Những lời ruột gan đó của GS.TS Nguyễn Ngọc Trân không phải là “làm màu”. Cả cuộc đời và sự nghiệp khoa học của hai vợ chồng ông đã minh chứng cho điều đó.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân (hàng sau, thứ 2 từ trái qua) cùng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân (hàng sau, thứ 2 từ trái qua) cùng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Dạy học: thời gian ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân sinh ngày 6/01/1940 ở Cù lao Giêng, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1959, ông sang Pháp du học và định cư tại Pháp. Ông lấy vợ và vợ chồng ông sinh được hai người con gái tại đây.

Có lần tôi hỏi GS Trân là vì sao đang có một cuộc sống khá yên ổn, giàu sang và một công việc tốt là nghiên cứu viên tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) và là giáo sư Đại học Poitiers, ông lại đưa cả gia đình về nước, chấp nhận một cuộc sống còn vô vàn khó khăn và thiếu thốn?

GS Trân kể: Năm 1964, khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, bắt đầu bắn phá Miền Bắc, một số kiều bào ở Pháp, trong đó có tôi, đã viết thư tình nguyện về nước, miền Bắc hay vùng giải phóng miền Nam, để trực tiếp tham gia chống Mỹ cứu nước.

Khi đó tôi đã bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp ba ở Đại học Sorbonne và là nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của Pháp. Kể từ lúc đó tôi luôn ở tư thế sẵn sàng về nước khi được gọi.

Năm 1970, tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nhà nước Khoa học và được bổ nhiệm giảng sư rồi giáo sư Đại học Poitiers.

Xin nói thêm từ năm 1963 cho đến khi về nước năm 1976, tôi là một trong hai thư ký của Ban Biên tập Tạp chí Khoa học Journal de Mécanique.

Mùa hè năm 1976, tôi nhận được điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết trong nước có điện đề nghị tôi về nước cho kịp năm học 1976-1977. Thế là gia đình chúng tôi lên đường về nước cuối tháng 9 năm 1976, bắt đầu một khúc quanh mới của cuộc đời.

Nhà tôi, Phan Thị Hồng, là nữ tù chính trị dưới chế độ Ngô Đình Diệm, sang Pháp cuối năm 1965, sau khi ra tù, để đoàn tụ với tôi, chữa bệnh lao đã mắc trong tù, và cũng để tiếp tục học đại học.

Nhà tôi tốt nghiệp cử nhân và kỹ sư chuyên ngành quản lý doanh nghiệp tại Conservatoire National des Arts et Métiers, tại Institut Informatique d’Entreprise (Viện Tin học Doanh nghiệp) và đã có thời gian làm việc 5 năm tại Ngân hàng Société Générale trước khi về nước.

Về nước, nhà tôi công tác tại Bộ Công nghiệp nhẹ; là Trưởng phòng máy tính của Bộ này tại phía Nam, và là một sáng lập viên của trường nghiệp vụ, sau này là trường Đại học Hoa Sen.

Chúng tôi có hai cháu gái Hồng Vân và Hồng Phương sinh ở Paris. Chúng tôi cùng hoạt động trong phong trào Việt Kiều yêu nước tại Pháp từ khi sang cho tới khi về nước.

Sống tại Pháp tôi càng thấm thía câu nói của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” vì sức cảm hóa của câu nói đối với nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, đặc biệt trong 5 năm Hội nghị Paris về Việt Nam mà tôi đã được phong trào phân công đóng góp. Cảm nhận thứ hai là chủ nghĩa tư bản không thể là tương lai của nhân loại mà chính là phủ định biện chứng của nó, một hình thái xã hội cao hơn, nhân văn và nhân bản hơn mà nhân dân các nước đang tìm kiếm.

Chúng tôi về nước năm 1976 với hành trang chuyên môn và tâm thế như vậy, với lời tự hứa cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể, với trách nhiệm cao nhất đối với đất nước mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

Điều gì thôi thúc Giáo sư khi chấp nhận một cuộc sống đầy khó khăn khi về nước thời kỳ ấy để vẫn có những cống hiến hết lòng cho đất nước?

Về đến đất nước đầu tháng 10 năm 1976, tôi bắt tay ngay vào cuộc sống mới. Khó khăn rất nhiều, nhiều hơn chờ đợi, nhưng đó là khó khăn chung của đất nước, trong thế đi lên, một bức tranh tối tranh sáng lúc rạng đông. Tôi cảm thấy may mắn vì vừa là khán giả (chứng kiến, sống trong cuộc) vừa là diễn viên của sự thay da đổi thịt hàng ngày của đất nước. Diễn viên vì nhanh hay chậm là do nỗ lực của cả dân tộc trong đó có mình.

Tôi thật sự xúc động khi nghe Nguyễn Thị Bé Bảy, một cô gái trẻ, công nhân dệt, trả lời Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ là ông Phạm văn Đồng năm 1977: “Hạnh phúc đối với cháu là cho”.

Từ 1976 đến 1980 ông giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM. Những năm giảng dạy ở đây có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

Về đến Hà Nội, tôi được Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân công về giảng dạy ở Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHTH TP.HCM). Bốn năm giảng dạy ở Trường trước khi được điều động sang công tác khác là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng rất đẹp, đầy ý nghĩa và vốn sống đối với tôi.

Đã chuẩn bị giảng dạy gì nếu được về nước từ khi còn ở Pháp nên ngay khi về nước năm 1976, tôi đề xuất và được Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp đồng ý, được đảm nhiệm giảng dạy ba môn Cơ học các môi trường liên tục, Giải tích sốTin học vì tôi tin rằng đất nước sẽ phải giải quyết nhiều bài toán liên quan đến nước, sông và biển, đến khai thác nước ngầm, dầu khí, đến mở đường và tái định cư phân bố lại mật độ dân số,… mà lời giải chắc chắn cần đến tính toán trên máy tính điện tử.

Tin học (khoa học xử lý thông tin tự động bằng máy tính điện tử) cung cấp tri thức cần thiết để giải các bài toán đó và còn cho quản lý doanh nghiệp, quản lý hành chính, xã hội, những thứ mà đất nước sẽ cần.

Sinh viên Khoa Toán chúng tôi đến từ miền Trung, từ Đông và Tây Nam Bộ, nên khó khăn không ít, nhưng ánh mắt của các em cho thấy một nghị lực vượt khó, một khát khao tri thức và mong muốn đóng góp. Điều này càng động viên tôi trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Giáo sư có thể kể lại một vài kỷ niệm thời kỳ này không, thưa Giáo sư?

Các chuyến thực địa ở Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), ở tỉnh Phú Khánh là hết sức bổ ích cho cả thầy và trò. Khoa Toán (sau này là Khoa Toán Tin) còn nhận nhiệm vụ tổ chức giúp Bộ trong công tác tuyển sinh các trường đại học các tỉnh phía Nam từ Huế đến Cần Thơ, và quản lý lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng máy tính điện tử mà Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp giao cho Trường Đại học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Thật hạnh phúc khi được nhập cuộc như vậy! Các chuyến đi của các Khoa của trường ĐHTH TP.HCM tham gia đắp công trình phòng thủ ở Mỏ Vẹt, và đi đào kênh ở các nông trường Lê Minh Xuân, Phạm văn Hai là dịp để thầy và trò hiểu thêm giá trị của lao động, thực tế của đất nước và sống gần gũi nhau trong buổi bình minh của đất nước thống nhất.

Bản sao của Beige Illustrated History Presentation (1).png

Khi còn ở Pháp Giáo sư từng là Tổng thư ký của Hội Liên hiệp Trí thức Việt Nam tại Pháp, và Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp. Sau này về nước, ông là Trưởng Ban Việt Kiều Trung ương; rồi Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài; rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Có thể nói Giáo sư đã đóng góp một phần rất quan trọng trong cả chính sách và thực tiễn hoạt động cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Giáo sư có hài lòng với những việc mình đã làm không? Có điều gì Giáo sư ước có thể làm tốt hơn cho cộng đồng này không, nhất là đối với các nhà khoa học Việt kiều?

Tôi được điều động ra Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước tháng 7/1980, về Ban Việt kiều Trung ương (VKTW) tháng 10/1992; tháng 6/1996 về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia Tổ chức Hội nghị Cấp cao 7 tổ chức tại Hà Nội tháng 11/1997.

Trong khoảng thời gian chưa đầy 4 năm, Ban VKTW đã cùng với Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, tổ chức Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu 1993, hội nghị Việt kiều toàn thế giới đầu tiên tổ chức tại Hội trường Thống Nhất TPHCM.

Xuân Giáp Tuất 1994, Ban VKTW đã cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị chuyên đề về Giáo dục Đại học Việt Nam, và xây dựng dự thảo trình Bộ Chính trị và được ban hành thành Nghị quyết NQ 08-TW của BCT về Chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có câu “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam

Công tác này ngày nay thuận lợi hơn nhiều, đất nước yên bình, cuộc sống không ngừng đi lên mặc dù chịu ảnh hưởng không ít của tình hình thế giới ngày càng biến động và bất định, vị thế trên thế giới ngày càng được nâng cao và được các nước công nhận là một hình mẫu phát triển thành công của một nước đang phát triển, KHCN rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian với gia đình và quê hương.

Tôi tin rằng Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ tiếp tục công tác vận động cộng đồng, đề xuất với Đảng và Nhà nước những cơ chế, chính sách tạo điều kiện để cộng đồng ngày càng gắn bó và tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước trong tình hình mới.

Bản sao của Beige Illustrated History Presentation (16).jpg

Có thể nói trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các trường hợp được giao các vị trí hệ trọng trong bộ máy nhà nước như GS Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), GS Nguyễn Văn Huyên ngày càng hiếm. GS Nguyễn Ngọc Trân cũng là một ngoại lệ. Trong bài viết đăng trên báo Đại biểu nhân dân (ngày 22/2/2013) “Cần một Hiến pháp ổn định”, Giáo sư có viết đại ý: khi xác định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, thì cũng nên xác định “quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan dân cử”. Vì sao ta chưa làm được việc này thưa Giáo sư? Ý kiến của Giáo sư về quyền bầu cử và ứng cử của người Việt Nam ở nước ngoài?

Như đã nói ở phần đầu, tôi cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể, với trách nhiệm cao nhất đối với đất nước mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Tôi không tìm kiếm chức vụ, lại càng không muốn là ngoại lệ.

Góp ý với dự thảo Hiến pháp 2013, tôi có viết ba bài trên Báo Đại biểu nhân dân của Quốc hội: Cần một Hiến pháp cơ bản và ổn định, Về quyền Con Người, đối tượng và nội hàm của Hiến pháp, Về Nhà nước pháp quyền và Quốc Hội.

Trong bài thứ nhất, trao đổi về sự khác biệt giữa Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng, tôi cho rằng một ngôn từ trong một nghị quyết có thể được hiểu ở nhiều mức độ khác nhau và cách hiểu đúng sẽ được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Trong khi đó, trong Hiến pháp mỗi ngôn từ có một nội hàm được xác định rõ, được hiểu thống nhất và mang tính pháp lý.

Tôi đã đơn cử một ví dụ. Khi đưa cụm từ “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” vào Hiến pháp (Điều 19, khoản 1 của dự thảo), thì cần làm rõ những nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đối tượng này, như quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan dân cử ở trong nước và các nghĩa vụ mà đối tượng phải thực hiện. Sự phức tạp mà tôi đã nêu lên trong bài trả lời cho các câu hỏi của anh.

Bản sao của Beige Illustrated History Presentation (2).png

Có thể nói một trong những đóng góp lớn của GS Nguyễn Ngọc Trân là với vai trò Đại biểu Quốc hội. Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI của tỉnh An Giang. Ông từng kể: “Tôi trúng cử đại biểu Quốc hội cùng lúc với nhận công tác mới: Thôi là Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Nhà nước để nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Việt kiều Trung ương thuộc Chính phủ.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội trình bày tham luận tại cuộc Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”. Ảnh: Quochoi.vn.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội trình bày tham luận tại cuộc Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”. Ảnh: Quochoi.vn.

Tôi chưa hề được chuẩn bị để làm đại biểu Quốc hội, cho dù là đại biểu kiêm nhiệm, và tự nhủ phải quyết tâm khắc phục cho bằng được các khó khăn với nỗ lực cao nhất có thể được.

Một thử thách thức lớn với các đại biểu chúng tôi thời ấy là phải quyết định ngay trong kỳ họp đầu tiên chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, trong khi phần lớn đại biểu Quốc hội, chưa biết hệ thống luật của Nhà nước Việt Nam đang có những gì, còn thiếu những gì để hợp thành một hệ thống những quy định cần thiết cho quản lý và điều hành đất nước trong mối bang giao với thế giới.

Mặc dù vậy, nhiệm vụ quan trọng nói trên, cho tới nửa đầu khóa VIII đều được hoàn thành với số phiếu rất cao, gần 100% bởi lẽ mọi việc đều đã được sắp xếp trước. Quốc hội chỉ việc thông qua, như là một thiết chế để chính thức hóa, thể chế hóa các quyết định.

Tuy vậy, đã có một vài ngoại lệ báo hiệu thời khắc đổi mới của Quốc hội. Tháng 12/1985, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VII, đại biểu Đào Thị Biểu (Bà Sáu Trầu, tỉnh Cửu Long) đã không đọc bài phát biểu đã nộp trước (khi đó là một quy định) mà đề cập thẳng một vấn đề nóng lúc bấy giờ, quyết sách giá – lương – tiền.

Tháng 6/1988, tại kỳ họp thứ 3 khóa VIII, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay thế Chủ tịch Phạm Hùng vừa qua đời.

Ngoài ứng cử viên Đỗ Mười được Bộ Chính trị giới thiệu, 33 đoàn đại biểu Quốc hội đã giới thiệu thêm ứng cử viên Võ văn Kiệt và yêu cầu ứng viên này không được rút. Đây là lần đầu tiên và duy nhất cho tới hôm nay, danh sách ứng cử viên vào một trong những chức vụ cao nhất có số dư.

Sau những ngoại lệ này còn có việc một Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, và một Thống đốc Ngân hàng nhà nước không được giới thiệu vào danh sách thành viên Chính phủ để được Quốc hội phê chuẩn. Rồi Kiểm toán trưởng đầu tiên của Kiểm toán Nhà nước được bầu không phải là ứng viên được giới thiệu. Cứ thế hoạt động Quốc hội dần dần và ngày càng được đổi mới.

Chất vấn tại hội trường là một trong những hoạt động sôi nổi và được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi được truyền hình và truyền thanh trực tiếp.

Khác với một số Đại biểu Quốc hội chất vấn hết sức “quyết liệt”, các chất vấn của Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân thường không gay gắt, với một chất giọng nhẹ nhàng, nhưng đi thẳng vào những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội và những vấn đề có tầm bao quát và căn cơ như thất thoát trong xây dựng cơ bản, đầu tư “theo phong trào”, tình hình rừng bị phá, tình hình quy hoạch treo, chất lượng của quy hoạch, chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng, hiệu quả sử dụng đồng vốn ngân sách trong đầu tư phát triển, vấn đề tham nhũng, chạy chức chạy quyền…” làm cho không ít vị bộ trưởng - "Tư lệnh ngành" phải "toát mồ hôi hột".

Thời bấy giờ trong nhân dân có câu: “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” (có 4 ông đại biểu thẳng thắn, được người dân yêu thích: Đỗ Trọng Ngoạn, thời bấy giờ là Chủ tịch Hội người cao tuổi (ĐB tỉnh Bắc Giang), GS Nguyễn Ngọc Trân, GS Nguyễn Lân Dũng và nhà sử học Dương Trung Quốc).

NNT03.jpg
GS Trân tặng sách cho Thư viện Trung tâm, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo sư có biết rằng đã từng tồn tại câu “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” và GS nghĩ gì về nó?

Thú thật vào giữa khóa XI của Quốc hội tôi cũng bất ngờ khi nghe câu nói này mà đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc đến.

Tôi vui vì hoạt động nghị trường của mình đúng hướng và được cử tri chú ý. Mặt khác tôi tự nhủ câu nói còn là một sự nhắc nhở thường xuyên phải tiếp tục cố gắng để xứng đáng với sự quan tâm và giám sát của cử tri luôn mong đợi hoạt động của đại biểu Quốc hội phải có tầm và có tâm vì đất nước.

Bản sao của Beige Illustrated History Presentation (2).png

Giáo sư từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; Chủ nhiệm chương trình khoa học cấp Nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL; rồi là thành viên, chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, cơ quan tư vấn về khoa học và công nghệ của Thủ tướng Chính phủ. Giáo sư có nhiều công trình khoa học đóng góp quan trọng cho ĐBSCL. Ông hài lòng nhất những công trình nào, thưa Giáo sư?

Tôi đã được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau với nội dung công việc rất đa dạng mà muốn làm tốt phải đầu tư tìm hiểu suy nghĩ.

Tôi tự nhủ hai điều, Một là việc gì chỉ tùy thuộc mình phải làm với cường độ gấp đôi, việc gì có liên quan đến nhiều người phải dành thời gian lắng nghe, chắt lọc và chờ đợi. Hai là phải theo dõi những tiến bộ khoa học công nghệ và luôn giữ cái gốc khoa học của mình.

Tôi được động viên rất nhiều khi trả lời đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Võ Văn Kiệt hỏi tôi khi biết tôi sắp về hưu theo chế độ, rằng tôi sẽ trở về với khoa học công nghệ, với đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục những gì chưa làm được và theo dõi những thách thức mà đất nước, đồng bằng nói riêng đang và sẽ đương đầu, tôi được hai anh cho “quyết định như vậy là tốt”.

Cho tới nay, tôi đã viết được một số bài, được tôi tuyển chọn in thành sách trong 5 quyển:

Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên- Môi trường- Phát triển”, Báo cáo tổng hợp của Chương trình khoa học cấp Nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân chủ biên, Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, 3.1991; “Contribution à la Francophonie à l’heure de la Mondialisation, (tiếng Pháp) NXB Thế Giới, 2001 (đã hết); “Một số vấn đề kinh tế toàn cầu hiện nay, NXB Thế giới, 2002, tái bản có bổ sung 2003; “Những hòn đá nhỏ vì sự phát triển bền vững, NXB Trẻ Tp. HCM, 2011; “Về kỹ năng của người đại biểu dân cử, NXB Lao động, 2016; “Những hòn đá nhỏ vì sự phát triển bền vững, Q. 2, Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2023, (sẽ hết trong năm 2024).

Đây là những đứa con tinh thần mà tôi rất yêu quý vì mỗi quyển là có dấu ấn riêng, gắn với một quảng đời hoạt động của tôi.

Quyển thứ 1 là một công trình tập thể mà tôi chỉ là chủ biên. Tập thể này gồm các nhà khoa học từ các nguồn đào tạo khác nhau, đã cùng chung sức tiếp cận tổng hợp đồng bằng còn rất hoang sơ, trong suốt 8 năm.

Quyển thứ 2 tôi viết sau khi Việt Nam đăng cai rất thành công Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội tháng 11.1997 để tiếp tục khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ cần đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực.

Tôi đã được trường Đại Học Saint Joseph, Liban, mời trình bày chủ đề này tại Hội nghị quốc tế “Cộng đồng Pháp ngữ trước những thách thức về kinh tế và pháp luật ngày nay”, tại thủ đô Beyrouth ngày 12-13 tháng 10 năm 2001.

Quyển thứ 3 tôi viết trên cơ sở bài giảng chuyên đề của tôi tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc theo lời mời của đồng chí Nguyễn Đức Bình về Cách mạng khoa học và kỹ thuật, và tại Bộ Ngoại giao theo lời mời của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Quyển thứ 4 tôi đã nói trên.

Quyển thứ 3 và thứ 5 là kết quả của trở về với khoa học công nghệ và đồng bằng sông Cửu Long sau khi về hưu. Viết với tất cả tâm huyết, tôi xem những bài viết trong gần 1000 trang sách là những hòn đá nhỏ mà tôi góp vào để trải con đường phát triển bền vững cho đất nước và đồng bằng sông Cửu Long trước những thách thức hiện nay.

Xin cám ơn Giáo sư!