Smartphone Việt đang đưa nhau đi trốn?

Liệu ngoài Bphone của Bkav, có ai còn nhớ tới một thương hiệu smartphone Việt nào khác đang có mặt trên thị trường. Vậy điều gì đang xảy ra với những thương hiệu smartphone gắn mác Việt Nam, vị thế của những ông lớn này ở đâu trong làng di động nội địa?
Ông Nguyễn Tử Quảng giới thiệu ra mắt Bphone
Ông Nguyễn Tử Quảng giới thiệu ra mắt Bphone

Gần 6 tháng kể từ khi Bphone của Bkav ra đời, những tưởng chiếc smartphone siêu phẩm của người Việt sẽ khuấy động thị trường điện thoại trong nước, đồng thời vực dậy những thương hiệu smartphone nội vốn ngủ quên. Thế nhưng, đáng buồn thay, có vẻ như lần lượt các hãng điện thoại Việt đều đang đưa nhau đi trốn.

Vừa đi vừa khóc

Vào những ngày cuối tháng 5, Bkav đã mang tới cho người dùng Việt hết những bất ngờ này tới bất ngờ khác, khi lần đầu tiên trình làng chiếc điện thoại Bphone được gắn mác "Made in Việt Nam". Có thể nói, đây là lần đầu tiên tinh thần người Việt dùng smartphone Việt lại được hâm nóng, và đẩy lên cao trào tới vậy.

Đã quá lâu để người dùng trong nước có quyền tự hào, và tôn vinh một sản phẩm do chính các kỹ sư người Việt tạo ra. Không chỉ Bkav hay Bphone, mà các thương hiệu smartphone mang hơi hướng Việt Nam như Q-mobile, Mobiistar, ROVI hay FPT cũng hưởng lợi rất nhiều từ trào lưu này.

Tuy nhiên, tính tới ngày hôm nay, gần tròn nửa năm trôi qua, kết quả thu lại từ trái bom Bphone là rất ít, hoặc không đáng kể. Có những thương hiệu chỉ lẹt đẹt ở phân khúc giá rẻ, tầm trung. Nhưng cũng có những thương hiệu đã buộc phải từ bỏ cuộc chơi di động, sau thời gian dài làm ăn không có hiệu quả.

Minh chứng là trong những báo cáo thị trường gần đây nhất của FPT Shop, với tư cách là một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất của Việt Nam, hầu như chúng ta không thấy được một cái tên bất kì đến từ thương hiệu trong nước. Ngược lại, các sản phẩm ngoại nhập lại lên ngôi trong năm nay.

Cụ thể, báo cáo thị trường tháng 11/2015 chỉ ra, nếu xét về cả doanh số, và doanh thu, các sản phẩm được người dùng Việt Nam ưa chuộng nhất hiện nay chỉ là Oppo, Samsung hay iPhone. Nói cách khác, thị trường di động Việt Nam tràn ngập các sản phẩm không phải của Việt Nam.

Còn trên thực tế, những cái tên đình đám một thời như Q-mobile hay Mobiistar đều không xuất hiện trong bảng xếp hạng này. Tất nhiên, báo cáo trên cũng không bao gồm cả Bphone, bởi Bkav chỉ tập trung bán hàng trực tuyến, còn bán lẻ đã có những đại diện như CellphoneS, Hoàng Hà Mobile hay Nhật Cường Mobile.

Lỗi tại ai?

Không thể phủ nhận, người đầu tiên có lỗi trước tình trạng các smartphone Việt không được người dùng trong nước quan tâm, hơn ai hết chính là các nhà sản xuất. Bởi một khi đã chấp nhận cuộc chơi tại thị trường di động Việt Nam, gắn mác smartphone Việt Nam, họ buộc phải đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam.

Bằng không, việc ra đi chỉ là thời điểm sớm, hay muộn mà thôi. Gần đây nhất, thị trường trong nước đã đón nhận sự ra đi của một thương hiệu khá quen thuộc là ROVI, trước đây là HKphone. Và tính cho tới thời điểm hiện tại, ROVI đã chính thức bốc hơi tại Việt Nam mà không có một lời từ biệt.

Câu chuyện bắt đầu từ khoảng thời gian giữa tháng 9, ROVI đã âm thầm đóng nhiều cửa hàng ở TP HCM. Các cửa hàng của Rovi trên đường Lê Hồng Phong (quận 10), Trường Chinh (Tân Bình), Quang Trung (Gò Vấp) khi đó đều dán thông báo dời về địa điểm mới, và sau cùng là gỡ bỏ biển hiệu.

Tuy nhiên, việc ROVI rút khỏi thị trường đã được dự đoán từ trước. Bởi một lý do khá đơn giản, sau gần 3 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ - điện tử, ROVI (HKphone) không còn duy trì được sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, và phải chịu chung số phận với nhiều thương hiệu Việt khác.

Tương tự như vậy, Q-mobile mới đây cũng đã thay đổi tên thương hiệu thành Q, ngừng kinh doanh toàn bộ các sản phẩm điện thoại trước đây, và tập trung vào smartphone Glam duy nhất. Chia sẻ với báo giới, Tổng Giám đốc của Q cho biết, công ty này không muốn được nhắc đến như một "thương hiệu Việt" như trước đây.

Riêng với Mobiistar, hãng này vẫn tiếp tục tung ra các mẫu smartphone giá rẻ của mình, gần đây nhất là chiếc Lai Yollo, smartphone kiêm pin dự phòng 4.000 mAh. Chiến lược tập trung vào feature phone và smartphone giá rẻ vẫn giúp Mobiistar trụ vững, nhưng chưa có được một vị thế nhất định.

Cần một cú hích

Thực tế đã chứng minh, bản thân người dùng Việt cũng rất quan tâm tới các sản phẩm công nghệ Việt, đặc biệt là smartphone, tablet, tai nghe, hay thậm chí là kính thực tế ảo. Bởi mỗi lần xuất hiện những thông tin về Bphone của Bkav, thị trường di động trong nước lại dậy sóng.

Dậy sóng vì đây là một sản phẩm của Việt Nam, dậy sóng vì niềm tin của người dùng vào các sản phẩm nội địa chưa bao giờ phai nhạt. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế, mà các nhà sản xuất "Made in Việt Nam" được quyền chơi trò "cậu bé chăn cừu và chó sói" với người dùng trong nước.

Hay nói theo cách của nhiều người dùng Việt Nam, nếu sản phẩm A không tốt, hãy biết nhận lỗi và cải tiến ở sản phẩm A2, thay vì bán nó ra với giá hạng nhất, trong khi chất lượng chỉ đạt B, hoặc C. Bởi khi đó, ngay cả tới những lời an ủi, khuyến kích từ cổ động viên đội nhà cũng chẳng hề có.

Không nói đâu xa, chúng ta có thể nhìn sang Xiaomi, một thương hiệu dù gắn mác Trung Quốc, nhưng lại được rất nhiều người dùng Việt ưa chuộng. Bản thân Xiaomi cũng chưa từng khẳng định smartphone của mình hoàn toàn bảo mật, nhưng cái cách mà Xiaomi lấy lòng người dùng lại rất cần được áp dụng tại Việt Nam.

Không màu mè, hoa mĩ, chất lượng của các sản phẩm từ Xiaomi được khẳng định nhờ giá bán tốt, phù hợp với nhu cầu, túi tiền người dùng, và hiệu năng đáng giá, luôn đổi mới, nâng cấp sản phẩm. Tất nhiên, ở đây chúng ta cũng không thể ép các thương hiệu Việt phải gồng mình giống Xiaomi.

Tuy nhiên, nếu chịu khó lắng nghe người dùng, ít nhất các nhà sản xuất Việt Nam dù không có miếng nhưng vẫn có tiếng. Bởi ai ơi hãy nhớ rằng, khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta mất đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười!

Theo Tri thức trẻ