Theo số liệu của IDC trong quý I/2015, riêng doanh số smartphone của hai hãng Samsung và Microsoft đã chiếm gần 60% thị phần trong nước. Xét về giá trị, ba hãng Samsung, Apple, Microsoft chiếm khoảng 75% thị phần tổng cộng. Ở thị trường máy tính bảng, Samsung, Apple, Asus cũng chiếm khoảng 50% doanh số toàn thị trường.
Ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường thuộc nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC Việt Nam mới đây cho biết, thị phần smartphone và máy tính bảng hiện nay tại Việt Nam đang bị khống chế bởi bốn hãng kể trên, gồm Samsung, Apple, Microsoft, Asus.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng điện thoại di động của Thegioididong.com đồng ý với nhận định trên, nhưng bổ sung Oppo vào nhóm 5 hãng smartphone có doanh số tốt nhất thị trường, gồm Samsung, Apple, Microsoft, Asus, Oppo. Thực tế, số liệu IDC quý I/2015 cũng cho thấy Oppo đứng thứ 3 thị trường về doanh số smartphone, chiếm 10,4% thị phần.
Dẫn số liệu cho thấy thị trường smartphone tại Việt Nam hai quý liên tiếp giảm doanh số, ông Võ Lê Tâm Thanh đặt câu hỏi liệu thị trường smartphone Việt đã phát triển chạm ngưỡng hay chưa, và “đất” nào cho các hãng mới xâm nhập thị trường đánh bại bốn ông lớn kể trên?
Ông Mai Triều Nguyên, chủ sở hữu hệ thống bán lẻ Mai Nguyên cho rằng, thị trường điện thoại tại Việt Nam vẫn còn chỗ cho các hãng mới gia nhập, hoặc giành cho các hãng cũ bứt lên.
“Để một hãng mới vào mà lên được tốp 4 hay tốp 5 như hiện tại là rất khó. Rất khó, nhưng không phải không làm được. Quan trọng là họ có quyết tâm cực cao, không nản chí, phải có tiềm lực tài chính mạnh, dãy sản phẩm tốt và liên tục... biết cách làm truyền thông, tìm ra chiến lược kinh doanh đúng…”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên dẫn chứng Asus và Oppo như hai hãng có cách làm đúng đắn để từ số không về thị phần cách nay vài năm vươn lên vị trí hiện tại.
Ông Nguyên mô tả trường hợp của Oppo như những người “vác cày đi cày” thực sự, ám chỉ những người trẻ tuổi ít kinh nghiệm tại hãng này có quyết tâm cực cao trong việc đưa hãng này đi lên từ con số không lên 10,4% thị phần như hiện nay. Ông cũng nói về cách hãng này phủ sóng mạnh mẽ ở các gameshow trên truyền hình, “phủ xanh” các cửa hàng điện thoại ở tỉnh, đưa cả ngàn nữ nhân viên bán hàng đến các hệ thống siêu thị, và cách Oppo nhắm vào giới trẻ bằng những đại diện hình ảnh như Sơn Tùng MTP.
Đồng ý với ông chủ của Mai Nguyên, ông Võ Lê Tâm Thanh cho rằng, thị trường smartphone Việt Nam tuy tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn cao so với khu vực Đông Nam Á, còn "đất" cho các hãng mới và để tham gia vào thị trường VN thì các hãng phải tìm được hướng khác biệt trên thị trường, tùy theo tiềm lực tài chính.
Ông Thanh cũng dẫn trường hợp của Oppo “đi theo hướng hay trên toàn cầu là rải nhân viên của họ đến những vùng xa xôi nhất để tiếp cận những người dùng cuối”. Ở Việt Nam, ông Thanh nói, truyền thông cũng rất quan trọng, đó là lý do vì sao Oppo chi tiền vào việc truyền thông rất nhiều.
“Họ muốn người dùng mỗi khi nghĩ đến smartphone thì nghĩ đến Oppo”, ông Thanh nói.
Hơn 10 năm hoạt động trong ngành kinh doanh điện thoại di động, ông Mai Triều Nguyên chứng kiến nhiều thăng trầm của các hãng điện thoại khác nhau tại Việt Nam, cho rằng ngoài tiềm lực tài chính là điều kiện thiết yếu, ông liên tục nhấn mạnh đến yếu tố quyết tâm. Ông Nguyên cho rằng cần có quyết tâm cực cao, không nản chí của đội ngũ kinh doanh cộng với những yếu tố thông thường khác như sản phẩm, thời thế, linh hoạt thay đổi chiến lược để tạo nên thành công.
Một chuyên gia trong ngành ví von Asus, Oppo, LG, HTC, Lenovo, Huawei… giống như các học sinh trong một lớp học. Một lớp học khi toàn những học sinh “làng nhàng” thì ai cũng giỏi như nhau, nhưng khi những “học sinh” như Oppo, Asus gia nhập với cách làm mới lạ, quyết tâm hơn thì những hãng kỳ cựu như LG, HTC hay Lenovo, Huawei tụt lại phía sau. Hiện nay, như đã đề cập, Oppo đã vươn lên là hãng sản xuất smartphone có doanh số bán đứng thứ 3 sau Samsung và Apple trong Q1/2015 tại Việt Nam, các hãng khác từ thứ 4 trở đi có doanh số bán thấp hơn nhiều, theo IDC.
Mở rộng vấn đề hơn, ông Nguyễn Lâm, Giám đốc IDC Việt Nam cho rằng hiện nay thị trường đang hướng tới một trong các yếu tố thành công là phải có một hệ sinh thái. Các hãng điện thoại không nên chỉ chú trọng phát triển sản phẩm mà nên phát triển cả hệ sinh thái. Trong hệ sinh thái đó cần những đối tác; đối tác về kênh phân phối, đối tác xây dựng ứng dụng dành cho người dùng hoặc ứng dụng dành cho doanh nghiệp.
“Anh không thể thành công một mình mà phải thành công với tất cả mọi người trong hệ sinh thái đó”, ông Lâm nói.
Theo ICTnews