3 chàng sinh viên ĐH Giao thông Vận tải, Phân hiệu TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Sản phẩm do nhóm sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải - Phân hiệu TP.HCM nghiên cứu chế tạo, nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc theo dõi, phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lấn chiếm vỉa hè bằng ứng dụng công nghệ.
Giáo dục ý thức bằng ứng dụng công nghệ
Trịnh Phú Duy, trưởng nhóm nghiên cứu kể, thời gian qua vấn đề lập lại trật tự vỉa hè nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận. Tại TP.HCM, cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh tay để lập lại trật tư vỉa hè.
“Hằng ngày đọc báo, xem tivi mọi người bàn tán chuyện chiếm vỉa hè khiến các thành viên nhóm đứng ngồi không yên. Chúng em là những sinh viên, cũng muốn đóng góp sức lực của mình vào vấn đề này” - Duy nói.
Các thành viên nhóm đều nhận thấy, việc các cơ quan chức năng xuống đường để trực tiếp dẹp vỉa hè sẽ phát sinh một số khó khăn nhất định, như tốn nhiều thời gian, cần nhiều nhân lực và phương tiện… Trong khi đó, ứng dụng công nghệ có thể giải quyết được vấn đề này. Người quản lý có thể trực tiếp theo dõi và nắm được tình hình. Ngoài ra, khi ứng dụng công nghệ, hình ảnh sẽ hiện lên chính xác, cơ quan chức năng cũng đỡ khó khăn hơn khi gặp tình huống người dân không công nhận lỗi vi phạm của mình.
“Việc ứng dụng công nghệ để xử lý vi phạm vỉa hè mang tính khả thi cao, chuyên nghiệp và đỡ tốn kém nguồn lực” - Nguyễn Thành Thi, thành viên nhóm cho biết.
Tuy nhiên, điều mà nhóm bạn trẻ này hướng đến không phải là xử lý vi phạm mà muốn nâng cao ý thức của người dân trong việc lập lại trật tự vỉa hè.
“Em cảm thấy việc xử phạt chỉ là để răn đe, chứ không làm triệt để được. Kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục và xử phạt nghiêm minh mới là giải pháp bền vững. Hệ thống của nhóm không đè nặng lên việc xử phạt là chính mà khi phát hiện sai phạm sẽ thực hiện cảnh báo bằng còi, sau một thời gian mà phương tiện vẫn cố tình vi phạm mới bắt đầu lưu trữ thông tin và xử phạt” - Thi chia sẻ.
Nhận diện sai phạm bằng trí tuệ nhân tạo
Sản phẩm của nhóm bao gồm nhiều camera và các thiết bị xử lý hình ảnh được lắp đặt tại các tuyến đường. Mỗi hệ thống nhỏ bao gồm các camera, bộ xử lý, loa báo động sao cho có thể quan sát hết được vỉa hè. Camera giám sát có nhiệm vụ thu nhận hình ảnh thực tế, bộ xử lý sẽ nhận hình ảnh từ camera quan sát được, kiểm tra xem có trường hợp vi phạm hay không. Nếu có trường hợp vi phạm thì hệ thống sẽ bật còi nhắc nhở người tham gia giao thông.
Các thành viên nhóm kỳ vọng sản phẩm này sẽ được ứng dụng thực tế. Ảnh: NVCC.
Nguyên tắc chính để bộ xử lý có thể nhận diện được sai phạm đó là dùng các thuật toán xử lý ảnh kết hợp với ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể nhận dạng được xe máy, ô tô đang đậu trên vỉa hè.
Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp nhận diện biển số, đối với các trường hợp được ghi nhận sai phạm vượt qua số lần quy định thì thông tin xe vi phạm sẽ được gửi cho cơ quan chức năng xử phạt.
Nguyễn Vĩ Nhân, thành viên nhóm, cho hay trong quá trình thử nghiệm thực tế, sản phẩm đã nhận dạng và phát hiện hành vi đậu, đỗ trái phép của xe máy, ô tô trên vỉa hè. Sau đó, hệ thống thực hiện cảnh báo cho người tham gia giao thông di chuyển sang chỗ đậu xe theo quy định.
“Nếu được đầu tư thì em tin rằng nhóm có thể hoàn thiện được hệ thống” - Nhân tự tin.
Đánh giá về sản phẩm này, PGS.TS Lê Trung Quân, trường ĐH công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, đây là ý tưởng rất cấp thiết của sinh viên. Các bạn trẻ đã biết quan tâm đến các vấn đề của xã hội và tìm cách giải quyết nó.
“Để áp dụng mô hình vào thực tế cần lựa chọn giao thức truyền dữ liệu cho hợp lý, đáp ứng được tiêu chí giá thành và độ đáp ứng thời gian thực của hệ thống” - PGS.TS Lê Trung Quân nói.
Sản phẩm này đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.