Qualcomm đầu tư vào công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo Trung Quốc

VietTimes -- SenseTime - công ty khởi nghiệp về công nghệ trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc cho biết, hôm thứ Tư (15/11), đã ký một khoản đầu tư từ hãng sản xuất vi mạch Qualcomm Inc như một phần của đợt huy động vốn sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Biển hiệu của Qualcomm tại khuôn viên trụ sở của Hãng tại San Diego, California, Mỹ Ngày 6/11/ 2017. Ảnh REUTERS/Mike Blake/File Photo
Biển hiệu của Qualcomm tại khuôn viên trụ sở của Hãng tại San Diego, California, Mỹ Ngày 6/11/ 2017. Ảnh REUTERS/Mike Blake/File Photo

Vào tháng trước, SenseTime và Qualcomm đã công bố một chiến lược kết hợp hợp tác về AI, theo đó các thuật toán độc quyền của SenseTime sẽ được triển khai trong các thiết bị thông minh.

Công ty Qualcomm đã ra tuyên bố xác nhận việc đầu tư vào SenseTime. Tuy nhiên, hai bên không tiết lộ quy mô đầu tư.

Đầu tháng 11, hãng tin Reuters đã thông báo rằng SenseTime có kế hoạch huy động khoảng 500 triệu USD trong đợt huy động vốn mới, đợt huy động vốn lớn nhất của công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo này. Việc huy động vốn sẽ làm cho SenseTime được định giá khoảng 2 tỷ USD và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có cả nhà đầu tư Temasek của Singapore.

SenseTime là một trong vài starup về nhận dạng khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc đang nhanh chóng huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước từ một nỗ lực toàn cầu nhằm có thêm nhiều tỷ đô la để phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiên tiến.

Công ty đã huy động được 410 triệu USD trong tháng 7 trong đợt huy động dưới sự bảo trợ chính là công ty đầu tư CDH của Trung Quốc, và Quỹ Sailing Capital thuộc sở hữu nhà nước.

SenseTime hiện đang phát triển công nghệ sử dụng AI để nhanh chóng xác định và phân tích nhân dạng thông qua camera và đã được sử dụng trong các thử nghiệm hạn chế của các nhà chức trách Trung Quốc nhằm theo dõi và bắt giữ các nghi phạm tại các không gian công cộng như sân bay và địa điểm lễ hội.

Công ty khởi nghiệp có trụ sở ở cả Bắc Kinh và Hồng Kông, hiện đã có 40 khách hàng là cơ quan chính quyền địa phương tại Trung Quốc. Công ty đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài, trong đó có kế hoạch phục vụ trụ sở của ASEAN tại Singapore.

Đầu tháng này, Qualcomm đã ký kết thỏa thuận trị giá 12 tỷ USD với ba nhà sản xuất thiết bị cầm tay Trung Quốc bên lề chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà sản xuất chip cũng đang đối diện với vụ thôn tính với giá 103 tỷ USD từ đối thủ Broadcom Ltd. Tuy nhiên, hôm thứ Ba vừa qua hãng đã từ chối vụ này.

Theo Reuters