Hầu hết họ đều bị bắt vì hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165, bộ luật hình sự năm 1999. Một số vị khác thì xin tự nguyện rút lui sau những cuộc họp cổ đông. Sóng gió đang thực sự nổi lên đối với công việc nặng trách nhiệm và đầy rủi ro này.
Làn sóng bắt đầu nổi lên sau đại án Bầu Kiên bị bắt với 4 tội danh trong đó có tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại 718 tỷ cho ACB khi bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Năm 2014, giới tài chính trong nước lại rúng động với thông tin ông Phạm Công Danh nguyên chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Đại Tín Trustbank (tên cũ của ngân hàng xây dựng VNCB), ông Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng OceanBank bị bắt cũng với tội danh trên.
Giá cổ phiếu của tập đoàn Đại Dương (Mã OGC) khi đó lao dốc thảm hại. Thời điểm cao nhất mức giá của cổ phiếu này lên đến 13.900 VND/cp. Sau thông tin chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt, OGC liên tiếp giảm kịch sàn, tính đến ngày hôm nay (23/7/2015) giá cổ phiếu OGC được giao dịch ở mức chỉ vỏn vẹn 2.600 VND!
Đến năm 2015, lại một lần nữa sóng gió nổi lên. Ngày 17/7/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã tiến hành thực hiện quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 2 bị can là ông Tạ Bá Long (Nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank) và ông Đoàn Văn An (Nguyên Phó chủ tịch HĐQT GPBank).
Tối ngày 21/7/2015, một “nguyên chủ tịch” khác cũng bị sờ gáy, lần này C46 gọi tên ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) về những sai phạm trước đó trong thời gian làm việc tại Oceanbank. Cùng với việc ngân hàng TMCP Oceanbank bị NHNN mua lại với giá 0Đ, khoản đầu tư trị giá 800 tỷ của PVN vào Oceanbank trở thành mây khói, ông Nguyễn Xuân Sơn bị khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Với việc hàng loạt chủ tịch ngân hàng bị bắt trong thời gian vừa qua với cùng tội danh có lẽ sẽ khiến những vị chủ tịch đương nhiệm hiện tại không khỏi “rùng mình”. Bởi trước khi bị truy tố, những vị chủ tịch trên được ca ngợi như những người hùng, đem lại sự thịnh vượng cho các ngân hàng được họ dẫn dắt. Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Sơn, trong giai đoạn chỉ huy “con tàu” Oceanbank, ông cùng Oceanbank đã đạt những thành tựu hết sức to lớn.
Từ mức 1.000 tỷ đồng cuối năm 2008, OceanBank tăng vốn liên tục suốt 3 năm sau đó, lên 4.000 tỷ. Tổng tài sản tăng với tỷ lệ tương ứng từ hơn 14.000 tỷ đồng lên hơn 62.600 tỷ trong cùng khoảng thời gian, theo báo cáo được kiểm toán. Lợi nhuận ròng đã tăng phi mã tới 1.156% từ mức 45 tỷ đồng của cuối năm 2008 (ngay trước thời điểm ông Sơn tiếp quản vị trí TGĐ OJB) lên thành 520 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, việc tăng trưởng quá nóng, quá mạo hiểm trong giai đoạn đó đã đẩy Oceanbank nói riêng và hệ thống tài chính ngân hàng nói chung rơi vào tình trạng khủng hoảng, nợ xấu như ngày nay.
Trong kì họp đại hội cổ đông mới đây vào ngày 21/7/2015, đã có 2 vị chủ tịch HĐQT xin từ chức khỏi vị trí này. Đó là ông Cao Sĩ Kiêm, chủ tịch HĐQT ngân hàng Đông Á và ông Lê Hùng Dũng chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank.
Chia sẻ về lý do từ nhiệm, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN cho biết ông xin từ chức vì tuổi đã cao (Năm nay ông Cao Sĩ Kiêm đã 75 tuổi) nên muốn nhường vị trí này cho người mới để có thể lèo lái con tàu Đông Á bank tốt hơn.
Ông Lê Hùng Dũng không nói rõ nguyên nhân không ứng cử vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ tới nhưng qua phát biểu của ông trong cuộc họp đại hội cổ đông có thể thấy đây là động thái “nhận trách nhiệm” với thành tích kinh doanh bết bát của Eximbank trong năm 2014. Đồng thời ông cũng tỏ ý mong muốn cổ đông có thể chia sẻ với ngân hàng trong giai đoạn khó khăn.
Mặc dù ông Cao Sĩ Kiêm và ông Lê Hùng Dũng không thừa nhận nhưng ảnh hưởng xấu từ những cuộc sóng gió gần đây đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các vị chủ tịch ngân hàng. Bên cạnh sức ép lợi nhuận từ cổ đông, sức ép từ rủi ro cũng như hậu quả kinh tế để lại cũng đủ để khiến họ - những người chèo lái con thuyền ngân hàng trăn trở đến “bạc cả tóc” như chia sẻ của CEO DongA Bank Trần Phương Bình.
Những làn sóng truy tố, bắt bớcàng khiến họ phải thận trọng hơn trước mỗi bước đi, quyết định của mình. Thế mới thấy làm sếp ngân hàng đâu có phải “ngồi mát mà ăn bát vàng” như nhiều người vẫn tưởng?
Theo ANTT