Hằng Thanh
Hằng Thanh

Nhà báo

Sẽ vẫn còn tiêu cực khi một nơi tổ chức thi, một nơi thụ động tuyển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Nếu cứ để kỳ thi như hiện nay, với cơ chế kiểm soát hiện thời, sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng địa phương có quyền “quyết định” học sinh vào trường nào chứ không phải là các trường Đại học, và rồi “hiện tượng” Hà Giang, Sơn La trong thi cử sẽ lại tiếp tục diễn ra…

Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La và rất có thể là còn nhiều địa phương khác có nguy cơ “nối gót”, đã làm lộ ra một mảng tối chắc chắn không phải mới có ở lĩnh vực thi cử. Và điều quan trọng mà nó chỉ ra là đã nhiều năm, nhiều đời bộ trưởng, nhưng vấn đề thi cử sao cho đúng nghĩa là chọn người tài vẫn còn loay hoay, lúng túng, mặc dù năm nào cũng vậy mỗi khi kết thúc một kỳ thi, người đứng đầu ngành giáo dục đều tự khen nào là “nghiêm túc”, nào là “chất lượng và thành công”…

Tuy nhiên, tôi tin rằng những người trong ngành giáo dục hiểu hơn ai hết chất lượng thực của các kỳ thi là như thế nào nên không phải đến bây giờ, mọi người mới nhận ra việc tổ chức thi cử như hiện nay có nhiều lỗ hổng và tác động xấu đến xã hội thế nào.

Tôi không cho việc gian lận điểm thi chỉ là vì bệnh thành tích, mà rõ ràng đã hướng đến những mục tiêu đầy toan tính, là để được lọt vào những trường đại học danh giá. Tất nhiên, đi kèm với đó là những quyền lợi vật chất sau này như công việc, lương bổng v.v… bất chấp những hệ lụy cho xã hội, khi đây chính là cái gốc về chất lượng cán bộ tương lai.

Đành rằng việc tổ chức thi “2 trong 1” sẽ giảm áp lực cho học sinh và tiết kiệm tiền, nhưng vụ việc ở Hà Giang, Sơn La cho thấy, việc tổ chức kỳ thi kết hợp xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học do các địa phương tổ chức, còn các trường đại học hoàn toàn thụ động, tuyển chọn học sinh dựa trên kết quả điểm thi đã có, thì rất dễ tạo ra kẽ hở dẫn đến tiêu cực. Hệ lụy của việc này lớn gấp nhiều lần số tiền tiết kiệm được từ việc gộp 2 kỳ thi. Đó là chưa nói tới sự bất hợp lý bởi mục tiêu của thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh là khác nhau nhưng đã bị gói làm một.

Được biết, trước đây đã có trường đại học thuộc tốp đầu đề nghị được kiểm tra lại điểm thi của các thí sinh, nhưng không được đáp ứng. Rõ ràng, đã có sự “cảm nhận” về chất lượng điểm thi do các địa phương tổ chức từ trước, nhưng vì không có thẩm quyền rà roát nên các trường đại học vẫn đành phải tuyển những học sinh đỗ điểm cao mà chưa hẳn đã là học giỏi. Như vậy, nếu cứ để kỳ thi như hiện nay, với cơ chế kiểm soát hiện thời, sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng địa phương có quyền “quyết định” học sinh vào trường nào chứ không phải là các trường đại học.

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức các đoàn đi nước ngoài học tập, tham khảo, tại sao lại không nghĩ đến mô hình ở một số nước châu Âu. Bà Christine Nguyen, một phụ huynh ở Pháp cho biết, học sinh bên đó vẫn phải thi tốt nghiệp do trường tổ chức nhưng theo chuẩn quy định chung. Khi vào các trường đại học lớn thì vẫn phải thi đầu vào và sau khi đỗ còn phải học từ một đến hai năm dự bị. Khi đó mới tùy kết quả mà trường đại học có nhận vào năm thứ nhất chính thức hay không.

Cơ quan an ninh đọc lệnh bắt ông Nguyễn Thanh Hoài sinh năm 1969, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, thuộc Sở GDĐT tỉnh, vì liên quan vụ sửa để nâng điểm 330 bài thi THPT ở tỉnh này.
Cơ quan an ninh đọc lệnh bắt ông Nguyễn Thanh Hoài sinh năm 1969, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, thuộc Sở GDĐT tỉnh, vì liên quan vụ sửa để nâng điểm 330 bài thi THPT ở tỉnh này. 

Những học sinh thi đỗ vào các trường đại học lớn, đại đa số vốn đã là học sinh trung học ở các trường danh tiếng với lực học đã được khẳng định. Còn các trường đại học bình thường thì chỉ cần nộp học bạ và bằng tốt nghiệp phổ thông là được xét tuyển. Và, bên cạnh bậc đào tạo đại học, còn nhiều bậc đào tạo khác để học sinh có cơ hội lựa chọn và bước vào đời, chứ không phải đại học là con đường duy nhất và mục đích lớn nhất của mỗi học sinh.

Một số nơi khác có mô hình kỳ thi “2 trong 1”, vừa tốt nghiệp THPT, vừa tuyển vào đại học. Nhưng trước đó, khi hết THCS, học sinh sẽ  vào  trường nghề hay cao đẳng, còn nếu muốn học đại học thì mới học tiếp PTTH. Sự khác biệt ở PTTH là học sinh được học các môn theo chuyên ngành của trường đại học họ dự định vào, chứ không học dàn trải nhiều môn học.

Để các trường đại học không còn cảnh phải tuyển sinh mà chất lượng lại do các địa phương tổ chức thi có quyền “quyết đáp” như Hà Giang, Sơn La, đặc biệt trong bối cảnh việc kiểm soát thi cử có quá nhiều tiêu cực, việc chấm dứt mô hình thi như hiện nay là cần thiết. Bởi nếu tổ chức ở địa phương, gần như đương nhiên con em những người có ảnh hưởng ở đó sẽ “chiếm chỗ” của các học sinh có học lực thật.

Còn các trường đại học, chả có cách nào khác là vẫn phải chấp nhận là nơi đào tạo nhưng lại không được quyền tuyển chọn. Rồi khi ra trường, với “bệ đỡ” sẵn có, những học sinh có điểm gian lận đương nhiên sẽ có những vị trí, công việc mà những bạn cùng lứa không có. Không lâu đâu, nếu không thay đổi, chỉ cần 5-6 năm nữa, sẽ có một lứa cán bộ bị “đánh tráo” bước vào bộ máy công quyền và hậu quả là chính chúng ta – những người dân sẽ lãnh đủ.

Vì thế, nên trao cho các trường đại học chủ trì việc coi thi và chấm thi, còn việc tổ chức kỳ thi có thể tại trường, hoặc tại địa phương của các em để giảm áp lực cho gia đình và bản thân học sinh.

Còn một vấn đề trong kỳ thi mà rất ít người chú ý là việc sử dụng bút chì để trả lời câu hỏi trắc nghiệm - điều rất ngạc nhiên trong thời đại 4.0. Cùng với lý do kỹ thuật thì việc sử dụng bút chì được lựa chọn vì cho phép thí sinh dễ dàng xóa đi lựa chọn của mình trước đó. Điều này lại có tính 2 mặt khi ai cũng dễ nhận ra, đây là “lỗ hổng chết người” bởi nếu muốn sửa bài thi thì không ai có thể phát hiện được. Đây có thể là một lý do khiến một cụm thi có dấu hiệu bất thường đã được kết luận là bình thường.

Trong khi đó, ngành giáo dục hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ để tránh việc này. Hiện nay các trung tâm thi bằng lái xe đã tổ chức thi khá chặt chẽ như thí sinh phải làm bài trên máy tính, kết quả được chuyển về trung tâm dữ liệu của kỳ thi, nên đã hạn chế rất lớn các tiêu cực trong thi cử. Thí sinh phải chụp ảnh tại chỗ thi, đề phòng việc thi hộ. Vậy tại sao một kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp và đại học lại không được áp dụng?

Tất nhiên, cho dù thiết bị, máy móc có tối tân thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Vì thế, trước hết ngành giáo dục cũng như lãnh đạo các địa phương cần gương mẫu, đồng thời mạnh dạn xử lý nghiêm những vi phạm, mới hy vọng khắc phục được phần nào tiêu cực.

Thực tế cho thấy, vụ việc ở Hà Giang đã được báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo và tỉnh, nhưng vẫn bị ỉm đi và chỉ khi ba thầy giáo trẻ lên tiếng thì vụ việc mới vỡ lở. Hơn nữa, khi vụ việc gây nên sự thất vọng lớn, bởi môi trường giáo dục đáng lẽ phải gương mẫu về sự trung thực và liêm chính, thì chính Bộ trưởng Giáo   dục và Đào tạo lẫn Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang vẫn có phát ngôn “gây sốc”, như thể họ vô can trong “cuộc chơi” không lấy gì làm tử tế này. Đó là khi “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu không để lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương đến đội ngũ nhà giáo cũng như gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội”; còn Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, bất chấp ông có người nhà nằm trong danh sách “bị” nâng điểm, vẫn yêu cầu lãnh đạo các ngành và huyện tuyên truyền để “nhân dân tin tưởng tuyệt đối” và còn đề nghị các báo tìm hiểu để minh oan cho con ông!

Hãy gương mẫu, đó là một biện pháp rất quan trọng!