Đây chỉ là 2 trong số hơn 420 sản phẩm sáng tạo của sinh viên ĐH RMIT (Q.7, TP.HCM) được trưng bày trong những chiếc hộp tại Triển lãm sáng tạo sinh viên được tổ chức thường niên hằng năm.
Theo TS Rick Bennett, Trưởng khoa Thiết kế, ĐH RMIT, nhà trường luôn hướng cho sinh viên có trách nhiệm với xã hội và môi trường sống thông qua những sản phẩm sáng tạo. Chính vì lẽ đó, sản phẩm của sinh viên thay đổi mang tính thực tế hơn, theo chuẩn mực đạo đức hơn, và khác biệt hơn.
“Qua các dự án sinh viên, chúng tôi còn nỗ lực tập trung hơn vào trách nhiệm xã hội và môi trường. Để từng bước thực hiện mục tiêu này, chúng tôi sẽ tổ chức chuỗi các dự án ‘Sáng tạo liên kết cộng đồng’ với sự tham gia của sinh viên nhằm hỗ trợ nhiều địa phương tại Việt Nam bằng những sản phẩm ứng dụng được vào thực tế” - TS Rick Bennett cho biết.
Các sản phẩm của sinh viên tại triển lãm được giới thiệu trong không gian những “chiếc hộp” để khách tham quan có thể trải nghiệm các ứng dụng công nghệ tốt hơn.
Một số tác phẩm tiêu biểu của sinh viên được giới thiệu như: Ứng dụng điện thoại Pitbox, tàu đánh cá ứng dụng công nghệ thực tế ảo, dự án truyền thông cho quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)…
Ứng dụng Pitbox của sinh viên Trần Quốc Trung.
Khách tham quan triển lãm tỏ ra rất thích thú khi được trải nghiệm cảm giác được tham gia chuyến đi trên một chiếc thuyền đánh cá của Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo (VR).
Ứng dụng thực tế ảo này cho phép người tham gia khám phá, tương tác với các vật thể và hình dung cuộc sống của ngư dân qua các thói quen hằng ngày.
Ở một chiếc hộp khác, sinh viên Trần Quốc Trung, Khoa thiết kế, ĐH RMIT đang giới thiệu cho khách tham quan ứng dụng mang tên Pitbox.
Đây là một ứng dụng di động cho phép người điều khiển phương tiên giao thông (bao gồm xe hơi, xe mô tô và xe gắn máy) kết nối với các dịch vụ sửa chữa xe khi gặp các vấn đề cần bảo trì hoặc sửa chữa.
Thông qua ứng dụng, người dùng có thể lựa chọn dịch vụ sửa chữa (dựa trên đánh giá của người dùng), theo dõi tiến trình sửa chữa, số tiền cần thanh toán, phương thức thanh toán (tiền mặt hay bằng thẻ tín dụng), thời gian lấy xe.
Dựa trên định vị từ ứng dụng của người dùng, nhân viên sẽ đến tận nơi mang phương tiện của khách hàng đi sửa chữa và mang trả lại tận tay người dùng khi dịch vụ đã hoàn tất.
‘Sau khi tốt nghiệp trong tháng 11 này, em sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển ứng dụng tại hai thành phố chính là TP.HCM và Hà Nội vì đây là 2 thị trường có lượng phương tiện giao thông tham gia lớn nhất” - Trung nói.
Khách tham quan trải nghiệm một sản phẩm điện ảnh của sinh viên.
Một sản phẩm hướng đến cộng đồng khác của sinh viên là dự án truyền thông cho quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Bằng việc sử dụng công nghệ, sinh viên dùng hình thức truyền tải dễ tiếp cận và qua các kênh phổ biến như mạng xã hội, Youtube, website và đặc biệt là video ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Nhóm đã đề xuất mỗi tuần đăng một mẩu truyện về các danh nhân khoa bảng được khắc tên trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Các thành viên dự án muốn lan tỏa thông điệp: Văn Miếu là nơi có thể tìm hiểu về lịch sử văn hoá, về cách các bậc tiền nhân dùi mài kinh sử như thế nào chứ không đơn thuần là nơi để cầu may.
Triển lãm sẽ diễn ra đến đết ngày chủ nhật, 12/11.
Mỗi sản phẩm của sinh viên được giới thiệu trong một chiếc hộp khổng lồ.