Theo CNBC, trợ lý robot này tên là FRAnny, chỉ gồm phần đầu song có thể cung cấp thông tin về nhiều chủ đề như cổng khởi hành, truy cập Wi-Fi và vị trí các nhà hàng cho hành khách. FRAnny có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Đức và bảy ngôn ngữ khác.
Dự án này là sự hợp tác giữa nhà điều hành Sân bay Frankfurt, công ty Fraport và hãng DB Systel, nhà cung cấp dịch vụ IT cho doanh nghiệp đường sắt Đức Deutsche Bahn. Công nghệ của FRAnny dựa trên AI và những gì Fraport mô tả là “giao diện người dùng giọng nói dựa trên nền tảng đám mây”.
FRAnny sử dụng dữ liệu từ hệ thống thông tin sân bay. Nó có thể hiểu và trả lời câu hỏi từ hành khách về các cơ sở trong sân bay và thông tin chuyến bay. Ngoài thử nghiệm tại Sân bay Frankfurt, nó cũng được thử tại ga đường sắt trung tâm Berlin từ tháng 6.
Hồi tháng 1, một hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) xem xét chủ đề về AI và tiềm năng của công nghệ này đối với xã hội. Theo các đại biểu tham gia, thế giới vẫn còn cách rất xa việc sở hữu robot thực sự biết suy nghĩ và làm việc thay thế cho con người.
Christopher A. Pissarides, Giáo sư kinh tế tại London School of Economics, cho hay: “Bạn cần lượng dữ liệu rất lớn với AI, sau đó lập trình nó để lý giải dữ liệu theo một số cách nhất định”. Ông Pissarides sử dụng môn cờ vua làm ví dụ, cho hay máy tính “rất giỏi” trò này vì nó thu nhiều dữ liệu từ các bước đi của người chơi trong quá khứ. “Song bất cứ thứ gì mới, bất cứ thứ gì mà bạn cần để chứng tỏ bản thân mình, AI không thể làm được”, Giáo sư kết luận.
Theo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/cong-nghe/san-bay-duc-thu-nghiem-robot-ai-noi-duoc-9-thu-tieng-1069551.html