Trả lời VietTimes, đại diện Samsung Việt Nam cho biết thông tin trên là không đúng sự thực. Hiện các nhà máy sản xuất smartphone của Samsung tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT) đang hoạt động bình thường và không liên quan gì đến việc điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ.
“Samsung Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn”, đại diện Samsung khẳng định.
Cách đây 12 năm, Samsung đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất smartphone đầu tiên tại Việt Nam đặt tại Bắc Ninh, với vốn đầu tư là 670 triệu USD. Đến nay, vốn đầu tư đã tăng gấp 26 lần lên 17,3 tỷ USD.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao tặng hoa và bằng khen cho công ty Samsung Electronics tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Samsung Electronics tại Việt Nam.
|
Samsung hiện đang có 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam. Ngoài hai nhà máy sản xuất smartphone ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, Samsung còn có nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng ở TP.HCM. Tập đoàn này cũng đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) mới tại Hà Nội bên cạnh trung tâm đã có ở TP.HCM. Trung tâm mới này có vốn đầu tư 220 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022 và trở thành trung tâm R&D lớn nhất của Samsung ở khu vực Đông Nam Á. Sự đóng góp của Samsung là rất đáng kể vào nền kinh tế của Việt Nam.
Hôm qua, tờ The Economic Times của Ấn Độ đã đăng tải thông tin rằng Samsung có ý định chuyển dây chuyền sản xuất chính tại Việt Nam và các nước khác sang Ấn Độ. Đây là kế hoạch hưởng ứng chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) do chính phủ Ấn Độ đề ra. Samsung dự kiến hoàn thiện dây chuyền sản xuất tại đây để có thể sản xuất ra một khối lượng thiết bị trị giá 40 tỷ USD. Theo tờ báo này, việc chuyển dây chuyền sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến Việt Nam và các quốc gia khác. |