Robot chăm sóc người bệnh: Thực tế hay ảo mộng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhờ những tiến bộ của công nghệ, giờ đây đã có những robot có thể hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Song nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng công nghệ này đang lấy đi nhiều thứ hơn những gì chúng ta nhận được.

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Tom - một người mắc bệnh Down, không hiểu về sự nguy hiểm xung quanh anh ta. Người đàn ông 22 tuổi này không được tự ý rời khỏi nhà vì anh ta không nhận thức được ô tô có thể gây tai nạn cho bản thân, thậm chí vào mùa đông anh còn không mặc đủ áo để giữ ấm cho chính mình. Mẹ của Tom - bà Ingrid nói với phóng viên rằng "con trai tôi điềm tĩnh, nhút nhát và rất lịch sự, nhưng nó cần sự giúp đỡ trong mọi việc".

Bà Ingrid là một trong hàng triệu người đang chăm sóc người thân tại nhà hiện nay. Ở Vương quốc Anh, "người chăm sóc người thân" chiếm khoảng 9% dân số, gấp 3 lần số lượng nhân viên chăm sóc được trả công. Điều này là do phần lớn công việc chăm sóc vẫn được tiến hành tại nhà, thay vì tại cơ sở y tế hoặc do các nhân viên trả công trong cộng đồng thực hiện. Đối với những người chăm sóc người thân tại nhà, cuộc sống của họ đầy khó khăn.

Theo một cuộc khảo sát hàng năm về người chăm sóc người thân ở Vương quốc Anh, 45% trong số họ đã phải phục vụ tới hơn 90 giờ mỗi tuần liên tục trong nhiều năm qua. Những người chăm sóc người thân thường xuyên gặp khó khăn trong thu nhập, tỷ lệ trầm cảm và lo âu cao hơn trung bình, thiếu thời gian để nghỉ ngơi, tập thể dục hoặc giao tiếp xã hội, hoặc tham dự cuộc hẹn y tế của riêng mình - hay làm bất cứ điều gì cho chính mình.

Nhiều người trong độ tuổi lao động phải dung hòa giữa trách nhiệm chăm sóc người thân với công việc kiếm tiền của họ. Bà Ingrid là một giáo viên và nhạc công ban ngày, sau đó từ 4 giờ chiều đến sáng hôm sau, bà là người chăm sóc cho Tom. Con trai bà có xu hướng đi lang thang vào ban đêm vì anh ta không nhận thức được nguy hiểm, điều này từng khiến bà Ingrid thiếu ngủ trầm trọng. Bà dường như có hai ca làm việc, giáo viên ban ngày và bảo vệ buổi đêm.

Công nghệ cũng giúp Ingrid phần nào trong việc chăm sóc con trai. Vì Tom không thể nói chuyện, anh phải sử dụng một "bảng nói chuyện" - nơi anh có thể nhấn vào các nút được thiết lập sẵn để truyền đạt những gì Tom muốn - thường là Coca-Cola hoặc nước cam. Hai công nghệ này - hệ thống báo động và bảng nói chuyện - là những hệ thống hoàn toàn cơ bản, tuy nhiên thế hệ công nghệ chăm sóc mới có thể thay đổi cuộc sống của họ đáng kể trong những năm tới.

Robot chăm sóc người bệnh

Ở Nhật Bản, một nhóm nghiên cứu đang phát triển một "đối tác nói chuyện" có thể sử dụng hình ảnh hoặc từ ngữ để mở rộng các lựa chọn có sẵn cho những người như Tom.

Mặc dù Tom không thể nói chuyện nhưng "con tôi có thể hiểu", bà Ingrid cho biết. Bà đã dành nhiều thời gian nhắc nhở anh thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày như mặc quần áo hoặc giữ gìn vệ sinh. Điều này mở ra một lộ trình khác để công nghệ chăm sóc có thể thay đổi cuộc sống của họ tốt hơn.

ElliQ là một robot xã hội được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo, có vẻ ngoài giống một chiếc đèn ngủ và thường xuyên tương tác một cách tích cực với người dùng (không phải chờ lệnh từ người dùng như Alexa). Thiết bị phức tạp này có thể học được nhu cầu hàng ngày của Tom, đưa ra những lời nhắc nhở cũng như động viên đúng thời điểm. Điều này có thể là vô giá đối với những người như Ingrid, giúp bà không còn cảm thấy mình "có một đứa trẻ nhỏ trong 22 năm cần phải chú ý liên tục".

Những tiềm năng như vậy khiến Madeleine Starr, giám đốc phát triển kinh doanh và đổi mới của tổ chức từ thiện Carers UK, phấn khích về khả năng "cách mạng" của công nghệ. "Công nghệ có thể giảm áp lực" cô nói, như việc giúp bà Ingrid có những đêm ngủ tốt hơn. "Nó mang lại sự yên tâm cho người chăm sóc".

Mơ ước hão huyền?

Nhưng theo James Wright từ Viện Alan Turing, điều này chỉ là mơ ước hão huyền. Ông đã dành một năm rưỡi nghiên cứu về tính thực tế của robot chăm sóc ở Nhật Bản và cảnh báo rằng "khả năng thực tế của chúng kém xa so với kỳ vọng qua những hình ảnh được quảng cáo".

Ông phát hiện rằng robot chăm sóc ban đầu được sử dụng và sau đó thường "bị cất vào trong tủ". Đáng chú ý, công ty đứng sau Pepper đã ngừng sản xuất nó vào năm 2021, vì nhu cầu người dùng yếu kém. Wright cũng phát hiện rằng robot chăm sóc thường tạo ra nhiều công việc hơn cho người chăm sóc, người cần duy trì, giám sát và vận hành những cỗ máy này.

Tiến sĩ Kate Hamblin - người đứng đầu nghiên cứu công nghệ hỗ trợ người bệnh tại Trung tâm "Centre for Care" của Vương quốc Anh cũng chia sẻ lo ngại rằng công nghệ chăm sóc có thể không phải là giấc mơ tiết kiệm lao động. "Công nghệ có thể hỗ trợ người chăm sóc... nhưng chúng cũng có thể gây thêm sự phức tạp và sự thất vọng nếu chúng được triển khai và thiết kế kém chất lượng".

Trong các cuộc thảo luận về chăm sóc người bệnh và công nghệ, thường tập trung vào người được chăm sóc và đạo đức của việc giao phó cho máy móc công việc chăm sóc người bệnh. Nhưng liệu chúng ta có bỏ qua những tác động của công nghệ này tới công việc chăm sóc? Vì mặc dù bà Ingrid có những sự phiền toái, bà ấy cũng cho rằng việc chăm sóc Tom đã cải thiện công việc giảng dạy của mình: "Tôi có mối quan hệ tốt với học sinh của mình. Tôi có thể nhìn thấy khi họ không hạnh phúc và khi họ cần tôi dừng lại ở hành lang và nói hãy đi nào, cùng nói chuyện... Tôi đã học cách đọc mọi người". Bà Ingrid chia sẻ rằng sở dĩ bà biết được điều này là nhờ vào những năm tháng chú ý đến biểu hiện trên khuôn mặt và cử chỉ của Tom.

Các lợi ích của việc chăm sóc ngày càng được các nhà khoa học xã hội công nhận. Trong suốt nhiều thập kỷ, người chăm sóc đã được đánh giá trong các nghiên cứu lâm sàng bằng một công cụ được gọi là cuộc phỏng vấn gánh nặng Zarit, ban đầu được phát triển vào năm 1980 và người chăm sóc tự đánh giá điểm từ 0 đến 4 với những câu hỏi như: "Bạn có cảm thấy sức khỏe của mình đã bị ảnh hưởng vì việc quan tâm đến người thân của bạn không?" "Bạn có cảm thấy tức giận khi ở gần người thân của mình không?"

Hiện tại, các nhà nghiên cứu Đức đang phát triển một công cụ tương tự - "thang đo lợi ích của việc làm người chăm sóc" - để đo lường những khía cạnh tích cực của việc chăm sóc như những gì được bà Ingrid mô tả. Thang đo đánh giá các vấn đề như quản lý thời gian, kiên nhẫn, cảm giác tự tin và mục đích.

"Những người chăm sóc mà tôi đã nói chuyện trong quá trình nghiên cứu của tôi thường nhìn thấy các mặt tích cực", tiến sĩ Kate Hamblin nói, "và họ không muốn rời bỏ hoàn toàn việc chăm sóc". Thang đo có thể giúp giải thích quan sát của bà Hamblin, cho chúng ta thấy một mặt khác của việc chăm sóc, không chỉ là câu chuyện về gánh nặng và kiệt sức trên thực tế, đã có một lượng lớn bằng chứng cho thấy người chăm sóc thường báo cáo lợi ích song song với những khó khăn của họ.

Một nghiên cứu khác tập trung vào người chăm sóc những đứa trẻ mắc bệnh teo cơ, cho thấy 88% đã đạt được điều tích cực từ tình huống này, bao gồm cảm giác phát triển cá nhân, sự kiên nhẫn, lòng tử tế và sự nhạy bén đều được phát triển.

Một nghiên cứu khác cho thấy các bậc cha mẹ như bà Ingrid - người chăm sóc cho những thanh niên khuyết tật, có điểm cao trong việc đạt được sự hài lòng từ nhiệm vụ chăm sóc của họ. Họ cũng cảm thấy rằng mình đã hiểu rõ hơn về những điều quan trọng trong cuộc sống.

Sự kiên nhẫn, sự tự tin, mục đích - có vẻ như việc chăm sóc tạo ra những khả năng mà nhiều người trong chúng ta coi là đáng khao khát. Có lẽ người chăm sóc biết điều gì đó mà trong các cuộc thảo luận về chăm sóc và công nghệ, đã ít được công nhận: rằng chăm sóc, giống như tình yêu, là đa chiều - mặt tốt và những khó khăn cùng tồn tại.

Robot giúp giảm bớt áp lực cho người chăm sóc, nhưng lại lấy đi những thứ khác

Giáo sư Shannon Vallor lo ngại rằng thế giới mới mạnh mẽ của công nghệ chăm sóc đã bỏ qua những khía cạnh về kỹ năng, tình cảm, mà chỉ chú trọng đến việc giảm bớt khó khăn. Các chuyên gia đang chú ý tới những khả năng của con người có thể bị mai một khi chúng ta dần phó mặc mọi thứ vào máy móc.

Nhưng việc tập trung vào những lợi ích, khả năng của việc chăm sóc liệu có làm suy yếu những thay đổi mà người chăm sóc người bệnh nói rằng họ cần? cô Madeleine Starr cho rằng: Không!. "Đáp án là: chúng ta chỉ có thể trải nghiệm những lợi ích của việc chăm sóc nếu chúng ta có được sự hỗ trợ cần thiết, nếu không những khó khăn sẽ đè nặng lên họ".

Câu chuyện của Ingrid đã chứng minh điều này. Bà tỏ ra vui vẻ khi nói về công việc giáo viên của mình, mô tả nó như một nguồn động lực lớn. Đây là một lĩnh vực quan trọng, bà có thể nhìn thấy những gì mình đã đạt được từ việc chăm sóc, chẳng hạn như khả năng đọc được tâm trạng của học sinh. Nhưng bà Ingrid chỉ có thể làm việc vì Tom có chỗ ở trong một trung tâm chăm sóc hàng ngày miễn phí.

Chúng ta không thể trồng cây "tâm hồn đạo đức" mà giáo sư Shannon Vallor tưởng tượng nếu hoàn cảnh thực tế và vật chất làm cho những người chăm sóc mệt mỏi quá nhiều. Cô Starr nói tiếp: "Làm công việc chăm sóc trong hoàn cảnh thiếu thốn sẽ dễ khiến chúng ta mất đi năng lượng, cảm xúc và không phát triển được những phản ứng đồng cảm mà nhiều người mong muốn".

Có một mâu thuẫn tại trung tâm của công nghệ chăm sóc. Nếu giáo sư Vallor đúng, thì việc chăm sóc là một con đường quan trọng để chúng ta có được nhiều khả năng đặc biệt. "Thang đo lợi ích từ việc làm người chăm sóc" cho thấy giáo sư Vallor có thể đúng.

Trong trường hợp này, các công nghệ đang được phát triển để giúp người chăm sóc thoát khỏi "gánh nặng" có thể tốn một chi phí không ngờ: sự mất mát của những khả năng quan trọng. Mâu thuẫn là, trong khi công nghệ có thể tạo điều kiện cho việc chăm sóc nhưng chúng cũng có thể lấy đi nhiều khả năng của chúng ta.

Theo The Guardian