Quyết kìm hãm ngành chip bán dẫn Trung Quốc, Tổng thống Biden sẽ ra đòn mạnh hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ đã đặt lệnh cấm được xem là đòn “tấn công hạt nhân” đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc; trong khi phản ứng của Trung Quốc được xem là yếu ớt, cam chịu.
Các biện pháp của Mỹ được cho là đòn "tấn công hạt nhân" quyết bóp chết ngành chip bán dẫn Trung Quốc (Ảnh: Creaders).
Các biện pháp của Mỹ được cho là đòn "tấn công hạt nhân" quyết bóp chết ngành chip bán dẫn Trung Quốc (Ảnh: Creaders).

Ngoài 3 công ty Mỹ và doanh nghiệp Hà Lan ASML đã sơ tán các kỹ sư Mỹ, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất Trung Quốc NAURA Technology Group ngày 13/10 cũng đã thông báo các nhân viên Mỹ ngay lập tức ngừng tham gia việc nghiên cứu và phát triển. Các học giả trung tâm tư vấn của Mỹ thẳng thừng tuyên bố rằng đòn tàn phá của ông Biden đối với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc được gọi là All-In và mục tiêu cuối cùng là đẩy Trung Quốc ra khỏi lĩnh vực các nền kinh tế tiên tiến.

Mặc dù lệnh cấm mới không áp đặt lệnh cấm vận chip toàn diện đối với Trung Quốc, nhưng Mỹ đang chờ đợi các đồng minh của mình hưởng ứng và dự kiến tới đây sẽ có các biện pháp quyết liệt hơn.

Tờ South China Morning Post xuất bản ở Hồng Kông ra ngày 13/10 tiết lộ độc quyền rằng, Tập đoàn Công nghệ Sáng tạo Bắc Trung Quốc (NAURA), nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, cũng đã yêu cầu các nhân viên có quốc tịch Mỹ ngừng tham gia vào phát triển các bộ phận và thiết bị để tuân thủ các hạn chế của Washington đối với sự tham gia của công dân Mỹ vào các cơ sở then chốt của Trung Quốc. Bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực, giá cổ phiếu của NAURA trong tuần này đã bốc hơi 20%.

Tờ South China Morning Post viết: Nhìn vào hồ sơ giới quản lý được các công ty chip niêm yết của Trung Quốc công bố, sẽ thấy rằng nhiều nhân vật nặng ký trong ngành bán dẫn của Trung Quốc đều có quốc tịch Mỹ. Họ chủ yếu là công dân Mỹ nhập tịch, tuy sinh ra ở Trung Quốc nhưng đã học tập ở Mỹ hoặc làm việc trong ngành công nghiệp chip của Mỹ. Tuy nhiên, không có công ty Trung Quốc nào công bố số lượng hoặc tỷ lệ phần trăm nhân viên quốc tịch Mỹ trong danh sách thống kê lương thưởng của mình.

Ngày 7/10, Mỹ đã ra một loạt biện pháp kiềm chế ngành chip Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Ngày 7/10, Mỹ đã ra một loạt biện pháp kiềm chế ngành chip Trung Quốc

(Ảnh: Deutsche Welle).

Theo dữ liệu được NAURA tiết lộ, tất cả các giám đốc điều hành cấp cao của họ đều là công dân Trung Quốc. Nhưng hiện không rõ có bao nhiêu nhân viên Mỹ làm việc trong công ty này. NAURA chuyên kinh doanh thiết bị bán dẫn, thiết bị chân không, thiết bị pin lithium năng lượng mới và các linh kiện chính xác, cung cấp giải pháp cho các lĩnh vực chất bán dẫn, năng lượng mới, vật liệu mới.

Theo Nikkei Asia, động thái của chính phủ Mỹ có thể ảnh hưởng đến hàng trăm người Mỹ gốc Hoa hoặc người Mỹ là giám đốc điều hành hoặc chuyên gia trong ngành chip bán dẫn của Trung Quốc, trong đó bao gồm các doanh nhân starup và giám đốc điều hành công ty.

Các công ty bên ngoài Trung Quốc liên quan đến sản xuất chip cũng đã bắt đầu tái cấu trúc đội ngũ của họ theo yêu cầu của lệnh cấm của Mỹ, Bloomberg đưa tin, hãng sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASML vào hôm thứ Tư (12/10) đã tuyên bố với các nhân viên ở Mỹ của họ rằng hãy ngừng ngay lập tức mọi liên lạc với khách hàng Trung Quốc.

Ngoài các công ty Trung Quốc tự nguyện từ bỏ các kỹ sư Mỹ, ba nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ là Applied Materials, KLA và Lam Research đã sớm hợp tác với lệnh cấm của chính quyền Biden và bắt đầu triệt thoái các nhân viên của họ ở Nhà máy sản xuất thiết bị lưu trữ YMTC và tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.

Jon Bateman, một thành viên cấp cao tại trung tâm tư vấn Carnegie Endowment for International Peace, đã viết trên tờ Foreign Policy rằng lệnh cấm gần đây của Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ (BIS) đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến, thiết bị sản xuất chip và chip siêu máy tính cho Trung Quốc báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách, Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với Trung Quốc; trong tương lai có thể không chỉ giới hạn ở lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược, chẳng hạn như công nghệ sinh học, chế tạo và tài chính.

Ông Bateman nói, lệnh cấm mới hiện chưa áp đặt cấm vận chip toàn diện đối với Trung Quốc và các công ty Trung Quốc vẫn có thể nhập khẩu ít chất bán dẫn hơn, chẳng hạn như dùng cho lò nướng, ô tô và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Bateman cho rằng phương thức chưa từng có của Mỹ đã làm cho mọi người thấy được mục đích chính sách của họ; đó là công khai kiềm chế Trung Quốc trở thành một nền kinh tế tiên tiến. Cho dù làm như vậy có thể gây ra nguy cơ lớn đối với lợi ích của chính Mỹ và các đồng minh, nhưng Mỹ trong tương lai có thể mở rộng hành động kiềm chế Trung Quốc, chỉ là hiện nay Washington phải chờ xem các đồng minh khác hưởng ứng như thế nào.

Về việc liệu Trung Quốc có trả đũa? Bateman nói, Trung Quốc không có khả năng chặn nhập khẩu các khoáng sản quan trọng của Mỹ hoặc trừng phạt các công ty lớn như Microsoft, Apple hay Tesla, vì làm như vậy sẽ chỉ khiến Trung Quốc bị thiệt hại nhiều hơn và khiến nền kinh tế vốn đã lâm vào suy thoái càng trở nên nguy hiểm hơn. Cách đáp trả khả dĩ nhất là Bắc Kinh làm chậm việc thực thi hiệp nghị giám sát quản chế đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ hoặc có biện pháp trả đũa các đồng minh Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Đài Loan.

Đáng chú ý, hôm thứ Năm (13/10), Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) đã ra tuyên bố về sự leo thang mới nhất các quy định kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ, bày tỏ CSIA phản đối cách tiếp cận tùy tiện của Bộ Thương mại Mỹ đã làm gián đoạn thương mại quốc tế. Hiệp hội bày tỏ rất quan ngại Mỹ sẽ sử dụng an ninh quốc gia cho các chính sách thương mại phân biệt đối xử, điều này sẽ gây tổn hại thêm cho chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, hy vọng Mỹ sẽ kịp thời sửa chữa hành vi sai lầm của mình.

Chính quyền Biden ngày 7/10 đã công bố một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trên diện rộng; ngoài việc cấm các Công ty Mỹ xuất khẩu chip tiên tiến và công nghệ chip cho Trung Quốc, còn cấm bán cho Trung Quốc một số loại chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị và công cụ của Mỹ ở mọi nơi trên thế giới.

Quyết định này đã gây ra sự bất bình ở Trung Quốc, và Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố, được công khai trên trang web chính thức của họ vào hôm 13/10.

Tuyên bố của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc hôm 13/10.

Tuyên bố của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc hôm 13/10.

Tuyên bố viết: "Vào ngày 7/10/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố hai quy định quản chế xuất khẩu mới với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc (CSIA) phản đối việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ sử dụng phương pháp tiếp cận tùy tiện như vậy để gây cản trở thương mại quốc tế. Chúng tôi rất lo ngại Mỹ sẽ sử dụng an ninh quốc gia cho các chính sách thương mại phân biệt đối xử. Chính sách đơn phương đó sẽ không chỉ gây tổn hại thêm cho chuỗi cung ứng bán dẫn tòan cầu; mà quan trọng hơn là nó hình thành vòng vây ngành nghề không xác định, có tác động tiêu cực rất lớn đến sự tin cậy lẫn nhau và tinh thần hợp tác thân thiện đã được các nhà công nghiệp bán dẫn toàn cầu vun đắp nên trong mấy thập kỷ qua."

Tuyên bố chỉ ra rằng, vì ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, vì sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn phụ thuộc vào chất bán dẫn và vì lợi ích hàng triệu người trong ngành chất bán dẫn, chúng tôi hy vọng chính phủ Mỹ kịp thời sửa chữa các cách làm sai lầm của mình và quay trở lại với khuôn khổ Cơ chế Tham vấn Thương mại Quốc tế của Hội đồng bán dẫn thế giới (WSC) và Hội nghị Bán dẫn các chính phủ (GAMS), có thể kết nối đầy đủ, trao đổi ý kiến hiệu quả và tìm kiếm sự đồng thuận.

WSC và GAMS là các diễn đàn thương mại toàn cầu được lần lượt thành lập vào năm 1996 và 1999, là nơi các thành viên có thể đàm phán về các vấn đề chính sách và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Các thành viên chính của WSC bao gồm các hiệp hội công nghiệp bán dẫn Đài Loan (TSIA), Mỹ (SIA), Liên minh Châu Âu (ESIA), Nhật Bản (JEITA-JSIA), Hàn Quốc (KSIA) và Trung Quốc (CSIA); các thành viên GAMS có Đài Loan, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.