Theo nguồn tin của Financial Times, Blackstone đang thuê công ty luật Pallas Partners để xem xét khả năng khởi kiện Bain Capital và các đối tác liên quan tới vụ phá sản của hãng sản xuất lốp xe Ý Fintyre.
Bain Capital đã rót vốn vào Fintyre vào tháng 3/2017 với mục tiêu biến công ty này thành tập đoàn sản xuất lốp xe lớn nhất châu Âu. Liên quan tới thương vụ này, Blackstone đã tài trợ hơn 200 triệu EUR (khoảng 200 triệu USD).
Với sự hậu thuẫn của Bain Capital và Blackstone, Fintyre được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đột phá bằng cách thâu tóm các doanh nghiệp khác trên khắp châu Âu.
Kế hoạch này ban đầu tỏ ra hiệu quả với việc doanh thu của Fintyre tăng trưởng gấp đôi vào năm 2019. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, Fintyre bất ngờ tuyên bố phá sản.
Sự sụp đổ của hãng sản xuất lốp xe Ý đã xóa sạch khoản đầu tư của Bain Capital. Song, theo Financial Times, đây là điều không hiếm gặp trong lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân, khi mà khoản lỗ trong thương vụ này có thể được bù đắp bằng lợi nhuận từ một thương vụ khác trong danh mục đầu tư.
Đối với Blackstone, mọi chuyện phức tạp hơn. Bởi, ngược với các nhà đầu tư cổ phần, các quỹ tín dụng thường kiếm lời nhờ số tiền lãi mà họ cho vay. Nhưng nếu các khách hàng thua lỗ, việc thu hồi lại số tiền đó sẽ khó hơn nhiều.
Được biết, Blackstone vẫn chưa thu hồi được bất kỳ khoản nào trong số hơn 200 triệu EUR mà họ đã tài trợ cho thương vụ Fintyre và phải đối mặt với nguy cơ 'mất trắng' toàn bộ số tiền đã bỏ ra nếu không có hành động pháp lý.
Theo nguồn tin của Financial Times, các lãnh đạo cấp cao của Blackstone cho rằng Bain Capital đã không minh bạch và dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán của Fintyre.
Trên website chính thức, Bain Capital tự giới thiệu đang quản lý khối tài sản trị giá lên tới 175 tỉ USD.
Như VietTimes đã đưa tin, Bain Capital đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào CTCP Tập đoàn Masan (Masan - Mã CK: MSN). Giao dịch sẽ được thực hiện thông qua việc phát hành Cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (CDPS) với giá 85.000 đồng/cp.
Masan cho biết, số tiền thu được từ giao dịch này sẽ được dùng để nâng cao vị thế tài chính và tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của tập đoàn. Đáng chú ý, giao dịch này cũng đánh dấu dự án đầu tiên của Bain Capital vào Việt Nam./.
Masan Group công bố giao dịch đầu tư vốn cổ phần lên đến 500 triệu USD dẫn đầu bởi Bain Capital
Bain Capital: Danh tính 'cá mập' ngành công nghiệp tiền mã hóa muốn rót 200 triệu USD vào Masan
Bain Capital – quỹ đầu tư quản lý khối tài sản 180 tỉ USD muốn rót tối thiểu 200 triệu USD vào Masan
Nguồn tham khảo: Financial Times