Chuyển đổi số giáo dục: Giáo viên dạy tốt hơn, học trò học dễ hơn, quản lý nhẹ nhàng hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyển đổi số trong giáo dục phải hướng đến đổi mới phương thức giáo dục trên cơ sở khai thác tối đa công nghệ, với mục tiêu là để giúp giáo viên dạy tốt hơn, học trò học dễ hơn và quản lý giáo dục nhẹ nhàng hơn.
Ngành giáo dục hiện có gần 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình , 200 thí nghiệm ảo,...
Ngành giáo dục hiện có gần 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình , 200 thí nghiệm ảo,...

Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo Tô Hồng Nam trao đổi tại Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm Học đường 4.0 năm 2022 (EDU 4.0 2022) với chủ đề "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam". Sự kiện do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam và BHub Group phối hợp tổ chức.

Khẳng định, giáo dục đào tạo đã trở thành 1 trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số, ông Tô Hồng Nam cho rằng, đây là những cơ sở và động lực cho việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, sản phẩm cho giáo dục được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cũng như là tiền đề tạo cơ chế cho việc ứng dụng rộng rãi tại các nhà trường, đơn vị giáo dục đào tạo.

Sau nhiều năm tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số giáo dục đã có được một số kết quả cơ bản. Trong đó, cổng thông tin tuyển sinh đã trở nên phổ biến, các cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến đại học đã có website, thư điện tử, văn bản điện tử, sử dụng phần mềm, nền tảng công nghệ để quản lý các cơ sở giáo dục.

Theo ông Nam, chuyển đổi số giáo dục phải hướng đến đổi mới phương thức giáo dục dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiến bộ công nghệ tạo đột phá. Mục tiêu là để giúp giáo viên dạy tốt hơn, học trò học dễ hơn và quản lý giáo dục nhẹ nhàng hơn. Chuyển đổi số giáo dục phải hướng đến việc con người làm trung tâm. Lợi ích mang lại cho người học, người dạy và mọi người dân là thước đo để đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Ông Tô Hồng Nam (trái) cho rằng chuyển đổi số trong giáo dục cần được thiết kế đồng bộ, hệ thống và triển khai từng bước.

Ông Tô Hồng Nam (trái) cho rằng chuyển đổi số trong giáo dục cần được thiết kế đồng bộ, hệ thống và triển khai từng bước.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế khi triển khai chuyển đổi số giáo dục như: Hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi số, thiếu cơ chế cho phép thử nghiệm các mô hình, sản phẩm giáo dục mới; nhận thức vai trò chuyển đổi số và trang bị kỹ năng số chưa đều; Tài nguyên số dùng chung còn chưa phát triển cập nhật, theo kịp yêu cầu thực tế; chưa thu hút được sự tham gia xây dựng, khai thác.

Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, nguồn lực đầu tư chuyển đổi số của các cấp trong ngành giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục còn hạn chế, thiếu cơ chế huy động nguồn xã hội hóa.

Về dạy, học và kiểm tra, Phó Cục trưởng Cục CNTT cho rằng, ở phạm vi quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển kho học hiệu số dùng chung gồm: Gần 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình , 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông, đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; trên 7.500 luận án tiến sĩ, liên tục cập nhật bài giảng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên truyền hình.

Nâng cao năng lực chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tại địa chỉ https://csdl.moet.gov.vn là một công cụ sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục (dành cho bậc học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) nhằm cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin phục vụ quản lý trong ngành giáo dục.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã số hóa và lưu trữ thông tin giáo dục về: trường học với hơn 50.000 trường học mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; lớp học, học sinh với hơn 23 triệu hồ sơ học sinh; đội ngũ cán bộ và giáo viên với hơn 1,5 triệu hồ sơ và một số thông tin về cơ sở vật chất, tài chính trường học của các năm học từ 2018 đến nay.

Hệ thống sử dụng thống nhất cho tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng GD&ĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hệ thống hiện nay đã cấp và phục vụ cho gần 82.000 tài khoản sử dụng, phục vụ thiết thực cho quá trình chuyển đổi số, chính phủ điện tử và điều hành của ngành giáo dục.