Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chuyển đổi số quốc gia; ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó trưởng Ban Chuyển đổi số TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TPHCM, cùng đại diện các trường học trên địa bàn TP.
Hội thảo tổ chức với mục đích học hỏi, tiếp cận các nghiên cứu chuyên sâu về những nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong quản lý và dạy học.
Qua hội thảo này, Sở GD&ĐT TPHCM mong muốn tạo ra diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, nhận ra những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số, từ đó đặt ra những phương hướng, chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục hiệu quả, thực chất trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh: TPHCM là đô thị lớn với hệ thống giáo dục các bậc học lớn nhất cả nước. Ngoài 2 triệu học sinh, học viên, TP còn quy tụ hơn 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Chính vì vậy, TPHCM đã tập trung triển khai các bước để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với nòng cốt là cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo từ rất sớm. Trong đó, lấy việc sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo ra môi trường học tập có hiệu quả cho học sinh. Thực hiện chuyển đổi số, với những giải pháp, bước đi cụ thể là nhiệm vụ quan trọng mà TP đề ra.
"Thời gian qua, ngành giáo dục TPHCM đã có nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Qua những thành tựu đạt được cho thấy, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục là phù hợp và đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học đã thể rõ tính ưu việt ở nhiều mặt. Vì vậy, trong thời gian tới việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề: Giải pháp trang bị, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyển đổi số; giải pháp, hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giúp nâng cao năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên; các hệ thống, giải pháp chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra đánh giá cho học sinh; đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021-2030”.
Báo cáo và đưa ra tham luận tại hội thảo, nhóm chuyên gia công nghệ giáo dục toàn cầu của Ngân hàng Thế giới đã thông tin về cuộc khảo sát "Các chỉ số sẵn sàng áp dụng công nghệ vào giáo dục ở TP.HCM". Cuộc khảo sát được thực hiện đối với 277 trường học và 302 giáo viên.
Kết quả khảo sát có 88% hiệu trưởng cho biết trường học của họ đã có chiến lược kỹ thuật số hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý trường học.
89% hiệu trưởng các trường cho biết nhà trường có hỗ trợ giáo viên thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới bằng công nghệ thông tin.
70% giáo viên cho biết họ thực hiện những hoạt động bằng thiết bị số trong quá trình chuẩn bị và lập kế hoạch bài dạy của mình như: tìm kiếm nội dung để sử dụng trong lớp học, chia sẻ nội dung giảng dạy với các giáo viên khác, tham gia vào dự án do đồng nghiệp xây dựng, chuẩn bị bài thuyết trình để sử dụng cho giảng dạy...
Quang cảnh hội thảo " Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện". |
Từ số liệu khảo sát, đại diện Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những khuyến nghị cho ngành giáo dục TPHCM.
Đó là cần thiết kế các chiến lược để đảm bảo sự phù hợp giữa chính sách và quá trình thực thi. Trong đó, cần đặt giáo viên và học sinh vào trung tâm của chiến lược công nghệ giáo dục, chú ý đến các khối lớp thấp hơn để tăng cường tính nhất quán.
"Ngành giáo dục TPHCM cần phải xây dựng các cơ chế hỗ trợ nhằm hướng dẫn giáo viên sử dụng công nghệ trong giảng dạy, thay vì cho lập kế hoạch hoặc hoạt động mang tính chất hành chính", đại diện Ngân hàng Thế giới nói.
Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, ngành GD&ĐT TPHCM xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, là mục tiêu và động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD&ĐT của TP.
"Ngành GD&ĐT TPHCM xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, xây dựng, phát triển dữ liệu số, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục. Hiện TPHCM đã triển khai kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin ngành GD&ĐT.
Đây là cơ sở quan trọng để kết nối hệ thống các phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung hiệu quả của toàn ngành. Dù đã đạt những thành tựu nhất định nhưng nhìn một cách tổng thể vẫn còn nhiều thứ cần điều chỉnh cho phù hợp để việc chuyển đổi số trong nhà trường thêm hiệu quả hơn", ông Hiếu cho biết.
Có chung góc nhìn với Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, đại diện của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra những điểm yếu trong việc áp dụng công nghệ vào giáo dục ở TPHCM như khả năng tiếp cận - sử dụng công nghệ giáo dục của học sinh và giáo viên, tình trạng thiếu thiết bị, chất lượng kết nối Internet thấp, học sinh sử dụng các thiết bị bên ngoài trường học chủ yếu là để nghiên cứu (tìm kiếm thông tin) và giao tiếp thông qua mạng xã hội.
"Hầu hết thiết bị đang hoạt động bình thường tại trường học đều dành cho học sinh, nhưng chỉ được 50% giáo viên thực sự sử dụng trong lớp học ít nhất một lần một tuần. Hầu như không có trường học nào có thiết bị được điều chỉnh phù hợp cho học sinh khuyết tật", đại diện của Ngân hàng Thế giới chia sẻ.
Chiến lược phát triển công nghệ giáo dụcUBND TPHCMNgành giáo dục TPHCMhội thảo quốc tế về chuyển đổi sốChuyển đổi số giáo dụcSở GD&ĐT TPHCMchuyển đổi số quốc giachuyển đổi số ngành giáo dục TPHCM
Theo Giáo dục vàThời đại
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu