Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thấy chữ “Bưu điện Việt Nam” là thấy niềm tin

VietTimes -- Ghi nhận những đóng góp của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ: “Cần lấy lại hình ảnh của bưu điện, để sự hiện diện của BĐVN trở thành sự hiện diện của Đảng, của chính quyền ở mọi nơi, từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu vùng xa (…) để mỗi người dân nhìn thấy chữ “Bưu điện Việt Nam” là thấy niềm tin”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh thành tích VNPost đạt được một phần là nhờ kế thừa, phát huy truyền thống hơn 70 năm của ngành bưu điện.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh thành tích VNPost đạt được một phần là nhờ kế thừa, phát huy truyền thống hơn 70 năm của ngành bưu điện.

Thông điệp này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam truyền tải tới hơn 4 vạn CBNV trong Lễ kỉ niệm 10 năm thành lập Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), vừa diễn ra sáng nay (16/6).

10 năm đổi mới toàn diện

Theo Phó Thủ tướng, lịch sử phát triển của VNPost gắn liền với lịch sử của Ngành Bưu điện suốt 72 năm qua. Trong giai đoạn nào, Bưu điện Việt Nam cũng luôn là một phần đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của ngành và đất nước.  

“Nói đến ngành Bưu điện là nói tới hơn 70 năm truyền thống, từ những người giao liên, anh quân bưu, cho đến những bưu tá thời nay. Mỗi người bưu điện luôn nhớ 10 chữ vàng của ngành, được đúc kết từ máu xương, tấm lòng và trí tuệ của tất cả các thế hệ người bưu điện: Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đánh giá, 10 năm qua, VNPost đã đổi mới toàn diện, có bước phát triển rất căn bản. Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, VNPost còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cung cấp dịch vụ công trong nhiều lĩnh vực; tham gia cải cách hành chính, “từng bước trở thành cánh tay nối dài của hệ thống hành chính đến với người dân”, ông ghi nhận.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập VNPost, Phó Thủ tướng nhắn nhủ hơn 40.000 CBNV VNPost kế thừa truyền thống vô cùng quý giá để xây dựng bưu điện Việt Nam không chỉ đơn thuần là một tập đoàn, hay một tổng công ty kinh tế chuyên cung cấp dịch vụ bưu điện mà thực sự trở thành một thiết chế hết sức quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội tham gia cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới; xây dựng hình ảnh bưu điện là một phần của hệ thống chính trị.

Đánh giá cao những nỗ lực vươn lên chính mình của VNPost, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đánh giá đơn vị này đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Vượt qua khó khăn từng bước vươn lên tự chủ, Tổng công ty đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển, làm mới các dịch vụ bưu chính truyền thống, phát triển nhiều dịch vụ mới, khai thác thế mạnh của hệ thống mạng lưới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thấy chữ “Bưu điện Việt Nam” là thấy niềm tin ảnh 1Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ghi nhận sự chuyển mình phát triển của VNPost

“Những thành tích đạt được đã thể hiện ý chí, nghị lực, tầm nhìn, sự chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao của Ban lãnh đạo và toàn thể CBNV VNPost”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận.

Doanh thu 1 tỷ đô vào năm 2020

Trong Chiến lược phát triển đến năm 2020, VNPost đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, phát triển đồng bộ ba trụ cột kinh doanh: bưu chính, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông. Qua đó khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam và đến năm 2020 trở thành doanh nghiệp bưu chính quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tổng công ty phấn đấu đến năm 2020 doanh thu đạt 21.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD tính theo tỷ giá thời điểm ban hành Chiến lược), tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tổng lợi nhuận năm 2020 đạt 600 tỷ đồng, tăng 38%/năm.

Những mục tiêu trong chiến lược phát triển này được xây dựng từ thực tiễn phát triển của VNPost. Hiện, VNPost đã xây dựng chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo 3 trụ cột: Bưu chính chuyển phát, Tài chính Bưu chính và Phân phối - truyền thông, nhằm cung cấp những dịch vụ tiện ích nhất tới từng người dân. Theo đó, Tổng công ty đã tập trung mở rộng kinh doanh dịch vụ bưu chính chuyển phát nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và logistic.

Nhân viên Bưu điện đến tận hộ gia đình chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội cho người dân tại huyện Cần Giờ, TP. HCMNhân viên Bưu điện đến tận hộ gia đình chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội cho người dân tại huyện Cần Giờ, TP. HCM

Các dịch vụ thu hộ, chi hộ; đại lý bảo hiểm, đại lý bán vé; dịch vụ ngân hàng bán lẻ; các dịch vụ hành chính công như: chi trả lương hưu, BHXH, chi trả trợ cấp xã hội, chi trả người có công, thu nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ vi phạm giao thông, thu lệ phí và chuyển phát hồ sơ xét tuyển Đại học, Cao đẳng; chuyển phát chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, kết quả xét nghiệm của các bệnh viện... được đông đảo người dân và các cơ quan quản lý đánh giá cao.

Chỉ tính riêng năm 2016, đã có 500.000 giấy phép lái xe được cấp tại các bưu cục; hơn 200.000 bộ hồ sơ/đợt xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng cũng được chuyển phát an toàn, chính xác; dịch vụ thu tiền phạt, chuyển trả giấy tờ tạm giữ vi phạm giao thông đạt 39.000 người/tháng, số tiền phạt thu nộp khoảng 41,3 tỷ đồng/tháng...

Bên cạnh đó các dịch vụ phân phối truyền thông cũng được mở rộng kinh doanh nhằm tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng mạng lưới. 8.000 Bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX) giờ đây không chỉ là “điểm tựa” để triển khai những chương trình, dự án về nông thôn mà còn là điểm cung cấp nhiều dịch vụ bưu chính mới như: bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông và sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ hành chính công... Mô hình BĐ-VHX đa dịch vụ đang ngày càng phát triển rộng khắp với hiệu quả rõ rệt so với trước đây. Doanh thu bình quân của BĐ-VHX đa dịch vụ đạt 24 triệu/điểm/tháng.     

Triển khai đúng các giải pháp trong Chiến lược phát triển cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của toàn mạng lưới, doanh thu và lợi nhuận, thu nhập của người lao động năm sau luôn cao hơn năm trước. Có thể thấy rõ qua các chỉ số phát triển liên tục từ năm 2008 đến 2016 của Tổng công ty. Cụ thể, tổng doanh thu tăng từ 7.455 tỷ đồng lên 12.237 tỷ đồng; Thu nhập bình quân tăng từ 4,42 triệu đồng/người/tháng lên 9,362 triệu đồng/tháng; Lợi nhuận từ chỗ âm 1.285 tỷ đồng đã tăng lên 175 tỷ đồng/năm. 

VNPost đã chủ động xây dựng một tầm nhìn, hướng đi riêng theo hướng tạo dựng nền sản xuất bưu chính hiện đại, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, tạo sự cách biệt và khác biệt tuyệt đối trên thị trường. Toàn Tổng công ty sẽ tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất cả 3 lĩnh vực trụ cột; hiện đại hóa các trung tâm khai thác chia chọn; hợp lý hóa trong từng quy trình sản xuất, giảm bớt khâu trung gian. Đồng thời ứng dụng khoa học, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh. Trong đó sẽ thực hiện tin học hóa các khâu trong tất cả quá trình quản lý, điều hành, SXKD; thiết lập liên kết trực tuyến trên toàn mạng lưới. Không chỉ dồn lực triển khai các giải pháp kinh doanh, Bưu điện Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực với lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, cơ chế đãi ngột tốt, chính sách tuyển dụng và đào tạo hiện đại,… góp phần tạo nhiều đột phá mới trong SXKD. 

Với sự sáng tạo, đổi mới cùng những nỗ lực của 40 ngàn người lao động trên toàn mạng lưới, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho VNPost vì đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua.

Cũng trong dịp này, VNPost đã biểu dương khen thưởng 10 tập thể và 74 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm qua.