Năm nay Bảo tàng TP Cần Thơ chính thức khai trương “Phố Ông đồ” nằm trên đường Trần Quốc Toản, quận Ninh Kiều, phục vụ cho những người đam mê nghệ thuật thư pháp. Trước đây, bộ môn nghệ thuật thư pháp chủ yếu sử dụng chữ Hán và chữ Nôm thì nay, phong trào viết thư pháp bằng chữ Việt khá phát triển, thu hút đông đảo người viết và chơi chữ.
Phố Ông Đồ chính thúc đi vào hoạt động mừng Xuân Bính Thân 2016. |
Trong những năm qua, môn nghệ thuật tao nhã này đã xuất hiện tuy nhiên chưa được sự quan tâm như hiện nay. Dịp Tết Bính Thân này, trước Bảo tàng Cần Thơ, Phố ông đồ được đầu tư vượt trội cả quy mô lẫn chất lượng.
Đa phần những người tham gia viết thư pháp trong năm nay đều là những họa sĩ, hội viên Hội Mỹ thuật và hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Thành phố Cần Thơ.
Ông đồ với bút danh Thiện Nhân, chủ nhiệm Câu lạc bộ chữ thư pháp Thành phố Cần Thơ cho biết: “Chữ thư pháp là những lời hay ý đẹp, những lời chúc tụng. Theo truyền thống thì dịp đầu năm họ thích đem sự may mắn, tốt đẹp đến mọi gia đình để mùa xuân tràn đầy hạnh phúc. Thời nay thì xin chữ nhiều hơn ngày trước rất nhiều. Người dân rất yêu thích chữ thư pháp là chữ quốc ngữ của Việt Nam mình.”
Ông Đồ Thiện Nhân đang chỉ cho các học trò viết thư pháp. |
Hình ảnh ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ” giữa đất Tây Đô đã khiến không khí xuân thêm ấm áp, thân thương. Những ông đồ trẻ xen kẽ bên ông đồ già, ngồi nhẫn nại cho chữ bên nghiên bút với bàn tay nhẹ nhàng múa lượn những đường bút điêu luyện như “rồng bay, phượng múa”.
Ông đồ “trẻ” Nguyễn Tấn Huy mới hơn 12 tuổi chia sẻ: “Con đam mê bộ môn nghệ thuật thư pháp này lắm. Từ ngày con theo thầy Thiên Nhân dạy con cách viết, trình bày con vô cùng thích thú. Lúc mình viết thì mình nhập tâm, gửi những tâm tư tình cảm vào từng nét chữ thì sẽ có nét, có hồn".
Hai Ông Đồ "nhí" đang say sưa cho chữ. |
Tại những bàn cho chữ, những nét thanh, nét đậm cho đến nét xổ, nét ngang của ông đồ đều rất uyển chuyển, dứt khoát với những chữ tâm, chữ hiếu, chữ nhẫn hay những câu chúc Xuân Phát tài phát lộc, Vạn sự như ý, Tấn tài tấn lộc...
Mỗi bức thư pháp thể hiện sự tài hoa, sáng tạo và tấm lòng người viết muốn gửi gắm, đồng thời còn mang ý nghĩa hướng người “xin chữ” đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Anh Trần Như Phong, ở quận Ninh Kiều khi đến đây “xin chữ” bày tỏ: “Mình thấy chữ mang nhiều ý nghĩa. Mỗi chữ thể hiện tình cảm con người; đồng thời thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc. Với việc hàng năm tổ chức Phố Ông Đồ như thế này tôi nghĩ cần phải phát huy thêm để giữ gìn giá trị truyền thông mà ông cha để lại.”
Trong những ngày Tết đến xuân về, tại “Phố ông đồ” Cần Thơ như nhộn nhịp và được sự quan tâm nhiều hơn ngay cả với những người trẻ tuổi. Nhiều ý kiến, tình cảm những người đến đây “xin chữ” đều có chung suy nghĩ đó là thư pháp chữ Việt chứa đựng những nét đẹp văn hóa riêng.
Những "Ông đồ nữ" cũng không kém phần say sưa cho chữ. |
Đó là lời hay, ý đẹp từ những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ răn dạy con người, hướng con người đến giá trị chân thiện mỹ. Ông đồ Ngọc Tứ đang tất bật cho chữ cho biết thư pháp chữ Việt là những câu thơ, lời văn gần gũi với cuộc sống đời thường nên người “xin chữ” dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ.
Với vẻ tươi cười đầy sắc xuân của Ông đồ khi cho chữ. |
“Tết xin chữ đem may mắn vào nhà. Thường là những chữ: Phát tài, phát lộc, hưng, thịnh. Hay là những câu: sinh ý hưng long - ngũ phúc lâm môn... Cho nên ai cũng thích xin chữ. Mình là người tặng chữ thấy hạnh phúc lắm”, ông đồ Ngọc Tứ nói.
Cần Thơ những ngày cuối năm tất bật chuẩn bị đón Tết Bính Thân. Có lẽ, “Phố ông đồ” như một trong những điểm nhấn về văn hóa nhằm tô điểm thêm cho cho thành phố thêm đẹp, thêm xuân. Và khi đời sống kinh tế đã khá hơn, nhiều người cả năm đợi đến Tết chỉ để tìm cho mình một chữ ưng ý về bày trong nhà và chỉ như vậy, niềm vui Tết mới được trọn vẹn, đủ đầy.
Theo Người đưa tin