Thông tin trên của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được đưa ra trong phần trả lời ĐBQH Tao Văn Giót (Lai Châu), tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, diễn ra hôm nay (4/11).
Đặt vấn đề về việc xây dựng Chính phủ điện tử đòi hỏi phải đảm bảo tính đồng bộ, tính tổng thể, ĐBQH Giót nhấn mạnh thực tế thời gian vừa qua, việc triển khai thực hiện lại tùy thuộc vào các bộ, ngành, địa phương theo các dự án độc lập.
Cùng với đó, việc tổ chức thiết kế nhiều nơi mang tính chất cục bộ, dẫn đến cơ sở dữ liệu rời rạc và phân tán, thiếu tính liên kết, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí về nguồn lực và tài nguyên dữ liệu. ĐBQH đã nêu băn khoăn về giải pháp căn cơ của Bộ Thông tin và Truyền thông để giải quyết tình trạng này.
Trả lời trực diện vào câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, năm 2023, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ đề nghị các bộ, ngành, địa phương công bố các cơ sở dữ liệu và có kế hoạch, lộ trình thực hiện và cả chương trình chia sẻ dữ liệu của các cơ sở dữ liệu này.
Cơ sở dữ liệu y tế toàn dân sẽ là nền tảng thông tin kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế, sức khỏe người dân và từ đó, người dân được chăm sóc sức khỏe suốt đời. |
Cũng liên quan đến thực tế sử dụng và kết nối cơ sở dữ liệu, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhắc tới báo cáo của Bộ nêu tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu khi xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia. ĐB Thông đề nghị bêu tên các cơ quan đang có hiện tượng cát cứ thông tin và giải pháp xử lý.
Giải thích việc này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, về mặt luật pháp, không có dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, chỉ có dữ liệu của Chính phủ và Chính phủ là người quyết định về chuyện chia sẻ, xây dựng.
Tuy nhiên, có thực tế đơn vị xây dựng xong nhưng chưa yên tâm về tính chính xác nên đắn đo chưa đưa ra sử dụng. "Có cơ quan đắn đo nếu cho các đơn vị khác kết nối vào, không đảm bảo an toàn thông tin, mất dữ liệu thì ai phải chịu trách nhiệm" - Bộ trưởng nói.
Tất nhiên có cả câu chuyện tâm lý của cá nhân và cơ quan xây dựng dữ liệu, rằng dữ liệu này là một loại tài nguyên, tài sản, nếu như nhiều người biết thì quyền lực mình giảm đi. "Chuyện đó có thật" - Bộ trưởng cho biết. Tuy vậy, theo Bộ trưởng, thực tế không có chuyện cát cứ dữ liệu.
"Năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức yêu cầu các bộ ngành, địa phương công khai các dữ liệu của bộ, ngành, đơn vị mình" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm về tiến độ.