Đạo diễn, NSƯT Văn Lượng tham gia chủ trì dự án này cho biết phim trường do Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư và chủ trì thực hiện, đã nhận được sự đồng thuận và tạo điều kiện tối đa của Bộ VH-TT -DL cùng UBND tỉnh Quảng Ninh.
Phim trường đã được hoàn thành mặt bằng, các tuyến đường chính, một số cầu, cổng, 2 giếng Mắt rồng, nhà Thất Thiền Quốc Sư Phù Vân, nhà Ái Tình bên hồ Tụ Thủy, khu Phố thị với hơn 30 ngôi nhà lớn nhỏ... 60 ngôi nhà sàn, nhà gỗ cổ, hàng trăm cây đại thụ từ nhiều vùng miền trong nước đã được mua về dựng, trồng lại tại đây. Đặt nhiều nghệ nhân chế tác riêng hàng ngàn đồ gốm sứ, đồ gỗ, trang phục, giáp trụ, vũ khí… Dự kiến từ nay tới đầu năm 2016, phim trường sẽ được hoàn thành một loạt hạng mục như: cụm tổng công trình hoàng thành, khu nhà ở quan lại, đường nội bộ, cầu cống, các nhà cổ của làng xã nhiều vùng miền...
Khu phim trường 1 sẽ được xây dựng thành khu du lịch văn hóa với những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mô phỏng đạo cụ dùng trong các bộ phim cổ trang quay tại phim trường. Khu phim trường 2 là khu trung tâm của dự án với 6 khu phục dựng cảnh quan theo đặc thù vùng miền, giai cấp, địa vị xã hội thu nhỏ của một kinh đô xưa.
Phim Phật hoàng Trần Nhân Tông do NSƯT Văn Lượng tổng đạo diễn; kịch bản: Lê Phương, Trịnh Thanh Nhã, Lê Anh Thúy (dựa trên cơ sở dữ liệu của bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần, Người Thăng Long, Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông, Gươm thiêng Hàm Tử); họa sĩ chính: Nguyễn Mạnh Đức.